Gần 50 tỷ đồng trợ giá xe đưa rước học sinh ngoại thành - Ai trả?

22/08/2013 - 08:55

PNO - Ngày 20/8, hàng chục chủ phương tiện xe đưa rước học sinh tại các trường học ở ngoại thành TPHCM liên kết hợp đồng với Công ty Vận tải TM-DV Phước Đạt (gọi tắt là Công ty Phước Đạt) đã đến Báo SGGP bức xúc kêu cứu vì...

 Gần 10 tháng làm “công quả”

Để tham gia vào việc đưa rước hơn 40.000 học sinh tại 55 trường tiểu học, THCS và THPT tại địa bàn các quận 12, Thủ Đức và các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, hàng chục chủ phương tiện đã vay mượn hoặc gom góp vốn liếng, mua sắm tổng cộng 156 xe vận chuyển hành khách đưa vào liên kết hoạt động tại Công ty Phước Đạt.

Gan 50 ty dong tro gia xe dua ruoc hoc sinh ngoai thanh - Ai tra?

Bà Nguyễn Thị Anh (ngụ tại 6/4 ấp Tân Hóa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) kể: “Tôi có 2 xe tham gia đưa rước học sinh. Hồi mới vào chạy, Công ty Phước Đạt nói mỗi quý trả tiền một lần, vậy mà…”. Theo lời bà Anh, do nghe nói nhà nước trợ giá mỗi đầu học sinh là 2.830 đồng, cứ nhân số lượt học sinh đi xe đưa rước lên mà tính, nên các chủ xe đồng ý liên kết hoạt động, thế nhưng nguyên năm học 2012 - 2013, bà Anh và các chủ xe khác không nhận được đồng trợ giá nào”.

Chị Trần Thị Pho, tham gia đưa rước học sinh Trường Tiểu học Mỹ Huề (Hóc Môn) khốn khổ: “Tôi đưa 2 xe (loại 29 chỗ) tham gia đưa rước học sinh, hiệu trưởng nhà trường ký xác nhận đàng hoàng, nhưng đến cuối năm học rồi vẫn không nhận được đồng nào. Đầu tư mua xe, dự tính mỗi tháng cũng kiếm được 15 triệu đồng/xe, nhưng rồi thực tế tiền tài xế, xăng dầu, bảo dưỡng… thiệt hại khoảng 300 triệu đồng”.

Còn anh Nguyễn Ngọc Long (ngụ khu phố 4, thị trấn Củ Chi) thiệt hại nặng hơn: “Tôi đưa 6 xe vào chạy đưa rước học sinh. Chi phí tài xế, xăng xe loại 32 chỗ khoảng 8 triệu đồng/tháng, còn xe 51 chỗ cũng tầm 25 triệu đồng/tháng. Tính ra tôi phải được trả gần 1 tỷ đồng trợ giá cho năm học rồi, vậy mà đến giờ không có đồng nào. Từ ngày 12-8-2013 đến nay, tôi đành cho 6 xe nằm nghỉ”.

Cũng theo phản ánh của các chủ phương tiện, để được “liên kết hoạt động”, chủ phương tiện phải “mua tài”, nói nôm na phải mua chỗ mới được vào hoạt động. Xe 50 chỗ giá mua tài là 150 triệu đồng, xe 30 chỗ giá từ 130 - 150 triệu đồng, còn các xe nhỏ hơn giá khoảng 80 - 120 triệu đồng. Tiền mua tài, tiền mua xe, tiền kiểm định, gắn GPS… toàn là “tiền tươi thóc thật” nhưng tiền trợ giá cho năm học 2012 - 2013 thì đến giờ vẫn chưa biết ai mà đòi!

Ai là con nợ?

Sự thật, Công ty Phước Đạt là liên danh hoạt động xe đưa rước học sinh với HTX vận tải Thành Long, gọi tắt là liên danh Thành Long - Phước Đạt. Ngày 24/7 vừa qua, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là trung tâm, thuộc Sở GTVT TPHCM) đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện liên danh Thành Long - Phước Đạt và các chủ phương tiện để giải quyết kiến nghị “đòi nợ” của các nhà xe.

Gan 50 ty dong tro gia xe dua ruoc hoc sinh ngoai thanh - Ai tra?

Các xe này đã tham gia vào việc đưa rước hơn 40.000 học sinh thuộc 55 trường học tại các quận 12, Thủ Đức và các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Ảnh: THANH HẢI.

Tại cuộc họp, lãnh đạo trung tâm đã khẳng định một thông tin khá sốc: Từ ngày 15/3/2013, liên danh Thành Long - Phước Đạt mới đủ điều kiện tham gia đưa rước học sinh theo Quyết định 334/QĐ-TT của trung tâm. Do đó, việc trợ giá đưa rước học sinh chỉ được thực hiện sau khi ký kết hợp đồng giữa trung tâm với liên danh Thành Long - Phước Đạt và các trường học. Điều này có nghĩa, trung tâm chỉ thanh toán tiền trợ giá từ ngày 15/3 đến kết thúc năm học - cuối tháng 5/2013. Từ ngày 15/3/2013 trở ngược về tháng 8/2012, trung tâm sẽ không có trách nhiệm thanh toán tiền trợ giá, mà theo liên danh Thành Long - Phước Đạt cho biết, ước khoảng 50 tỷ đồng.

Vậy liên danh Thành Long - Phước Đạt có lừa các chủ phương tiện hay không? Cần nói thêm rằng, chi phí đưa rước học sinh ngoại thành đều do TP trợ giá 100%. Vậy tại sao khi chưa được ký hợp đồng với trung tâm mà liên danh đã vội vã đưa 156 xe vào hoạt động đưa rước? Trong đơn trình bày gửi lãnh đạo Sở GTVT, liên danh Thành Long - Phước Đạt cho biết do các trường yêu cầu đưa xe vào hoạt động ngay từ đầu năm học để đảm bảo việc đi lại của học sinh nên liên danh và các trường đã có văn bản gửi trung tâm. Ngày 28/8/2012, trung tâm có Công văn 3490/TT-KHĐH yêu cầu liên danh đến nhận hồ sơ.

Ngày 28/9/2012, đại diện trung tâm đã xuống liên danh để kiểm tra các điều kiện kinh doanh và yêu cầu bổ sung một số giấy tờ liên quan. Sau khi bổ sung các giấy tờ theo yêu cầu, liên danh đã mời đại diện trung tâm xuống kiểm tra lần hai. Đoàn kiểm tra lại yêu cầu bổ sung giấy tờ. Liên danh lại bổ sung, đồng thời kiến nghị sớm được trung tâm chấp thuận. Trung tâm không trả lời gì và cũng không giải thích khi nào hồ sơ mới được chấp thuận.

Ông Trần Văn Phước, đại diện liên danh, cho biết: “Chúng tôi cứ an tâm là đã được chấp thuận nên vẫn triển khai đưa xe vào hoạt động”. Mãi đến ngày 15/3/2013, tức gần 6 tháng sau, liên danh mới được thông báo đã được chấp thuận cho đưa rước học sinh theo hình thức trợ giá.

Chưa hết, trung tâm đồng ý trợ giá từ ngày 15/3/2013 đến cuối tháng 5/2013 với số tiền hơn 2 tỷ đồng, căn cứ vào dữ liệu máy định vị GPS. Liên danh và các chủ phương tiện phản ứng vì máy GPS hoạt động không chính xác và có xác nhận của cơ quan chức năng, sau đó trung tâm tăng lên thành 2,141 tỷ đồng và mới đây là 2,5 tỷ đồng. Trong khi đó, theo khối lượng thực tế có xác nhận của các trường, số tiền phải thanh toán lên đến 8,4 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Phước phân trần: “Tôi đã cấm chuyện mua tài, cái này là họ tự thỏa thuận nhau. Tôi đã vận động các chủ phương tiện trước mắt nên chấp nhận 2,5 tỷ đồng trợ giá. Còn số tiền gần 50 tỷ đồng từ tháng 9/2012 đến ngày 15/3/2013, chúng tôi mong Sở GTVT TP xem xét, có thể bù phần nào như tiền xăng, xe cho các chủ phương tiện. Bà con chửi, tôi cũng nhức đầu mất ăn mất ngủ vì “cục nợ” này…”.

Chiều 21/8, chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Hải Phong, giám đốc trung tâm, qua số di động nhưng ông không nhấc máy…

Theo THƯ LÊ (Sài Gòn Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI