Đường ngập: Dân chờ quận, quận chờ dân!

26/06/2014 - 10:46

PNO - PN - Từ hai năm nay, mỗi lần triều cường hay chỉ sau một cơn mưa nhỏ là người dân hai bên đường TA 11, thuộc khu phố 3, P.Thới An, Q.12 phải sống chung với nước ngập sâu từ 20 - 40cm, kéo dài cả tuần lễ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuối tháng 5/2014 vừa qua, người dân ở đây quyết định đóng góp mỗi hộ từ 50.000 đến 500.000đ để khắc phục tạm thời cảnh ngập đường. Tính đến đầu tháng Sáu, số tiền góp được là 11 triệu đồng, thấy đã tạm đủ để mua vật liệu và thuê nhân công, những hộ dân khu phố 3 bầu ông Nguyễn Minh Trung (ngụ số nhà 175/4, đường TA11, khu phố 3, P.Thới An) làm “chủ đầu tư”. Ông Trung cho biết: “Chúng tôi đã thuê nhân công đào hai bên đường, đã mua vật liệu để làm cống thoát nước… nhưng đang làm dở dang thì UBND phường chỉ đạo ngưng lại, do chưa xin phép chính quyền địa phương”.

Theo ông Hồ Kim Lân, ngụ khu phố 3, P.Thới An thì: “Tiền bà con quyên góp đã mua vật liệu hết phân nửa rồi, giờ làm tiếp thì không được mà dừng lại thì chẳng biết nói sao với bà con”.

Duong ngap: Dan cho quan, quan cho dan!

Cả con đường TA11 ngập sâu từ bốn đến năm ngày sau mỗi cơn mưa

Chiều 20/6, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó chủ tịch UBND P.Thới An, Q.12 cho biết, đường TA11 thường xuyên bị ngập úng, nhưng việc người dân tự tiện làm hệ thống thoát nước mà không có bản thiết kế và tính toán đến cao độ, độ cong… sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung của cả khu vực nên phường không đồng ý. “Năm 2013, UBND phường có nhận được phản ánh của người dân và đã có công văn gửi UBND quận xem xét. Quận đã có chỉ đạo cụ thể về việc sớm xây dựng hệ thống thoát nước và tái lập mặt đường theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Đạt trình bày.

Qua khảo sát của cơ quan chức năng cấp quận, kinh phí dự trù của công trình xây dựng hệ thống thoát nước và tái lập mặt đường TA11 dự kiến khoảng 806 triệu đồng, trong đó phần lắp đặt hệ thống thoát nước và nền hạ là 638 triệu đồng (vận động nhân dân đóng góp), 138 triệu đồng tái lập mặt đường do ngân sách quận chi trả. Theo tính toán, mỗi hộ dân ở mặt tiền đường sẽ đóng bốn triệu đồng, những hộ dân ở trong hẻm đóng hai triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp, việc vận động người dân đóng tiền vẫn chưa đi đến đâu vì đa số người dân là lao động nghèo.

Trong khi giải pháp chống ngập tạm thời của người dân không được chính quyền địa phương chấp thuận, công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm thì gặp nhiều tranh cãi, hàng trăm hộ dân hai bên đường TA11 vẫn tiếp tục chung sống với tình trạng ngập nước không biết đến bao giờ.

 Đình Thắng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI