Dưới khoảng sáng của rừng

09/11/2014 - 08:07

PNO - PNCN - Khá lâu, nhưng tôi vẫn không quên kỷ niệm về cuộc gặp gỡ ấy với các họa sĩ Bungari. Ngày đầu tiên đến Bun, tôi đi thăm Hội Mỹ thuật Bun với đoàn văn nghệ sĩ miền Nam Việt Nam do anh Lưu Hữu Phước - tức nhạc sĩ Huỳnh Minh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vào chuyện, anh Lưu Hữu Phước lấy ra tặng cụ Pirov một tấm ảnh. Tấm hình chụp một cảnh sáng tác của những họa sĩ Việt Nam ở trong rừng, có những người xúm xít quanh một người tạc tượng.

Duoi khoang sang cua rung

Rừng miền Đông Nam bộ trong những năm chiến tranh - Ảnh: Trần Độ

Vào chiều cuối cùng, sau khi đi dạo phố về, bất ngờ chúng tôi nhận được giấy mời của cụ Pirov, mời đến dự cuộc liên hoan chia tay. “Việc gì mà phải mời đi mời lại, ông cụ này quá lịch sự”, tôi làu bàu nói một mình. Nói thế nhưng đoàn chúng tôi vẫn sẵn sàng quay trở lại Hội Họa sĩ Bun.

Vào cuộc, cụ Pirov cho biết:

- Ở đây có sẵn trại sáng tác của các họa sĩ Bun. Nguyên hôm nọ họ có chuyền tay nhau xem tấm hình chụp ảnh sáng tác của anh Lưu Hữu Phước tặng. Trong hình có các nghệ sĩ kháng chiến đang quây quanh một bức tượng đồng tạc dở trong bóng nắng rừng. Các họa sĩ Bun trầm trồ, nói với nhau: “Kìa, xem hoàn cảnh gian khổ của các họa sĩ Việt Nam đang làm việc dưới khoảng sáng của rừng, không chút tiện nghi”. Có người còn nói: “Chắc là các bạn cũng đang mặc chiếc áo vá của bà mẹ vá cho trong bài hát của anh Quốc Trụ hôm ấy”.

Tôi nhớ lại, hôm chúng tôi đến thăm Hội Nghệ sĩ Bun, anh Quốc Trụ thay mặt đoàn, có hát tặng cụ Pirov một bài hát, đó là bài Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Anh hát giọng trầm, rất sâu và rất hay.

Một họa sĩ Bun nói tiếp:

- Thế đấy, mà tác phẩm của họ cứ thấy xuất hiện ở triển lãm các nước hoài. Anh em người Bun chúng tôi - cụ Pirov nói, thì thầm trao đổi với nhau - vốn là Hội Nghệ sĩ ở Bungari có một nhà sáng tác chung nhưng các họa sĩ không bằng lòng. Họ bảo chật, không làm việc được. Mỗi người phải có một không gian riêng, không gian ấy phải có đủ độ sâu; để mỗi người đứng lùi xa nhìn lại bức họa của mình trong khi vẽ, để phát hiện ra những điểm sai cần chỉnh sửa. Và thế là họ đồng lòng với nhau đòi chúng tôi xây thêm một loạt nhà sáng tác để họ làm việc. Chúng tôi thấy họ nói đúng; nhưng cũng lúng túng chưa biết giải quyết bằng cách nào. Bỗng nhiên, một người đại diện có nói: “Chúng tôi đã xem cách làm việc của những họa sĩ miền Nam Việt Nam. Họ không cần đến nhà sáng tác riêng. Chúng tôi cảm thấy mình đòi hỏi nhiều quá. Và chúng tôi quyết định cùng rút lại yêu cầu Hội xây nhà sáng tác”.

Buổi chiều ấy, hai đoàn nghệ sĩ Việt Nam và Bungari giao lưu với nhau trong không khí thân tình và ấm áp. Ngoài sân, tuyết rơi nhiều, phủ trắng vai bức tượng bằng đồng của nhạc sĩ Orphée cầm đàn ngồi khiến tôi nghĩ vẩn vơ: Nếu mình úp mặt vào đống tuyết đầu mùa dưới chân bức tượng và ăn một ngụm tuyết, thì hẳn nó sẽ là một cái gì tinh khiết nhất trên đời. Một họa sĩ Bungari nâng cốc, nói to:

- Cảm ơn Việt Nam! Cảm ơn những bạn Việt Nam đã trao cho chúng tôi một bài học từ một cánh rừng Nam Việt Nam. Xin cảm ơn các bạn!

Sài Gòn, 5/11/2014

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI