Dự thảo công an xã có nhiệm vụ điều tra hình sự: Khi quyền lực về nông thôn...

16/08/2016 - 12:47

PNO - Công an xã sẽ có nhiệm vụ, chức năng: Bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; thực hiện trách nhiệm đối với hoạt động điều tra hình sự.

Dự án Luật Công an xã vừa được thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8 - Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo dự thảo luật, công an xã có các chức năng, nhiệm vụ chính như: Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

Du thao cong an xa co nhiem vu dieu tra hinh su: Khi quyen luc ve nong thon...
Tăng quyền cho công an xã. Ảnh: Báo Đắk Nông

Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác trên địa bàn xã; thực hiện công tác quản lý cư trú, căn cước công dân và các giấy tờ đi lại.

Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn xã.

Bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; thực hiện trách nhiệm đối với hoạt động điều tra hình sự.

Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền; huy động phương tiện và người sử dụng, điều khiển phương tiện…

Công an xã nhiệm vụ còn hơn cả chuyên trách

VietnamNet cũng dẫn lời Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga khi cho rằng, trách nhiệm của công an xã là rất lớn, thẩm quyền rất nhiều, vô cùng phức tạp, từ đó dẫn đến chịu áp lực rất lớn. Do đó, bà bày tỏ lo ngại đối với trình độ của lực lượng này.

Du thao cong an xa co nhiem vu dieu tra hinh su: Khi quyen luc ve nong thon...
Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vn

"Đây cũng là lực lượng tiếp xúc trực tiếp với dân nhiều nhất, thường xuyên nhất. Do cũng là lực lượng vũ trang nên được trang bị vũ khí, súng, bình xịt hơi cay, roi điện, dùi cui... Nhưng trình độ đầu vào của công an xã hiện nay so với các lực lượng khác trong công an là thấp nhất", bà Lê Thị Nga nói.

Ghi nhận những đóng góp và hy sinh về tính mạng, sức khỏe của công an xã thời gian qua, Chủ nhiệm UB Tư pháp vẫn lưu ý các nhiệm vụ của lực lượng này liên quan nhiều đến quyền con người, quyền công dân, không phải không có những vụ việc vi phạm đã xảy ra như đánh chết người, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án..., ảnh hưởng uy tín nhà nước, khiến dư luận bức xúc.

Bà Lê Thị Nga cho rằng, nếu quy định các nhiệm vụ, quyền hạn như trên thì việc công an xã vẫn là lực lượng bán chuyên trách với trình độ đầu vào như vậy là khó đáp ứng, cần điều chỉnh.

"Chế độ, chính sách như hiện nay cũng khó có thể đảm bảo công an viên thiết tha với công việc", Chủ nhiệm UB Tư pháp chỉ ra.

Theo báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, theo dự thảo Luật thì nhiệm vụ của công an xã là quá nhiều. “Theo tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ. Không phải là lực lượng chuyên trách nhưng nhiệm vụ còn hơn cả chuyên trách”, ông Giàu nói.

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, rất lo lắng khi nhiệm vụ, chức năng của công an xã được quy định rất nhiều nhưng tính chính danh rất nhỏ.

“Các nhiệm vụ, chức năng nên làm gọn lại chứ không khi đưa xuống dưới, công an xã đọc toát mồ hôi. Hoàn thành được thì rất khó”, ông Hải nói. Theo ông Hải, không sợ tăng biên chế, cần phải sắp xếp lại, ưu tiên cho lực lượng công an xã. “Ban đầu vẫn là lực lượng bán chuyên trách nhưng phải tiến tới chuyên nghiệp hóa”, ông Hải nói.

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì nhiệm vụ của công an xã là rất nặng, tuy nhiên, lại không đưa vào chính quy, biên chế thì có đảm bảo tuyển dụng được không. Hơn nữa, trình độ của công an viên cũng không đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ.

“Tôi muốn ghi rõ trình độ tuyển dụng công an xã trong luật. Nếu ghi theo trình độ quy định của Chính phủ thì việc có trình độ tiểu học, trung học cơ sở có đảm bảo được không. Trong đó có những nhiệm vụ như bắt người, lấy lời khai ban đầu, lập biên bản. Theo tôi, lấy lời khai ban đầu là cực khó, sau này làm cơ sở để làm tố tụng. Trình độ cỡ nào thì mới làm được các nhiệm vụ này”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng đặt vấn đề quan liêu, ăn hiếp lẫn nhau, đối xử với nhau chưa công bằng. “Tệ nạn ở xã, ở nông thôn là ai có quyền là không công bằng với những người khác, đối xử không được tốt. Khi có quyền lực ở nông thôn, ông nông dân cũng dễ làm vua. Thành ra, có lẽ trình độ phải ghi rõ ra trong Luật. Cũng nên có ràng buộc về trình độ cũng như giới hạn để không lạm dụng quyền lực”, ông Bình nói.

Minh Khánh (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI