Đủ "chiêu" chống trộm ngày Tết

26/01/2014 - 12:30

PNO - PN - Hiện nay, tất cả các phường, xã thuộc quận, huyện của TP.HCM đã phổ biến công tác đảm bảo an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Tuy nhiên, những căn nhà vắng chủ vẫn có thể là mồi ngon của các băng nhóm đạo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chống trộm bằng cách… cầm đồ

Theo thống kê của Văn phòng Công an TP.HCM, án trộm cắp tài sản trong năm 2013 chiếm quá nửa số vụ phạm pháp hình sự. Tình trạng này được dự báo có thể tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Chỉ trong vòng một tháng, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 294 vụ trộm cắp tài sản, tăng sáu vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Tại một số khu dân cư có nhiều nhà trọ, người thuê trọ đem vật dụng có giá trị đi gửi ở chỗ an toàn hơn.

Khoảng 9g sáng ngày 23/1, chúng tôi có mặt tại một nhà trọ trong hẻm trên đường Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận. Bà K. (39 tuổi), chủ nhà trọ tất bật phụ người thuê nhà khiêng ti vi màn hình led 32 inch lên… nhà mình. Theo bà K., anh Nam (28 tuổi, quê Nam Định) làm tài xế taxi chiều nay về quê ăn Tết. “Tôi sợ bọn trộm lẻn vào do nhà trọ có lối đi riêng nên nhận giữ đồ giùm”, bà K. nói. Ngoài ti vi của anh Nam, bếp nhà bà K. cũng sắp chật kín vì nhiều đồ dùng của người thuê trọ, chủ yếu là bếp gas và máy tính để bàn.

Tại ba phòng trọ khác trên đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình), các sinh viên trường Đại học Công nghiệp 4 (Q.Gò Vấp), trường Đại học Lao động Xã hội (Q.12) thực hiện “nhiệm vụ” chống trộm một cách thuận lợi hơn, đó là chuyển tất cả đồ dùng sinh hoạt sang một căn nhà cách đó vài trăm mét để gửi. Căn nhà này của một kỹ sư dầu khí đã được trang bị hệ thống chống trộm, có còi hú khi bị đột nhập và tự động gọi đến số điện thoại chủ nhà khi bị mở cửa. “Năm ngoái, sau khi ăn Tết xong quay lại nhà trọ, phòng em bị mất hai CPU máy tính trị giá gần 20 triệu. Năm nay, có chỗ gửi đồ nên cũng yên tâm rồi”, Hùng - sinh viên năm thứ ba trường Đại học Lao động Xã hội kể.

Dủ

Nguồn ảnh minh họa: Internet.

Không chỉ gửi đồ ở nhà, nhiều sinh viên còn mang CPU đến cửa hàng sửa chữa máy tính cài đặt lại phần mềm. Tuy nhiên, thay vì lấy nhanh về để dùng thì sinh viên lại gọi điện đến thông báo có việc đột xuất và sẽ nhận lại vào… sau Tết. Tại một cửa hàng sửa chữa trên đường Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp), nhân viên cho biết không nhận bất cứ máy nào nữa vì chỉ trong vòng ba ngày nay đã có 27 khách hàng đem CPU đến, mà trong số đó quá nửa là cài lại hệ điều hành với giá 120.000đ/CPU.

Ngoài cửa hàng máy vi tính, tiệm cầm đồ cũng là địa chỉ mà nhiều sinh viên, người lao động quê ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc chọn để gửi… xe máy. Chủ tiệm cầm đồ H.Đ. trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 kể, từ sáng đến giờ đã nhận cầm hai xe máy. Chủ xe cho biết lý do cầm là “không thiếu tiền, nhưng để ở nhà trọ về quê không yên tâm”. Cũng theo lý giải của chủ tiệm, lãi suất cầm xe máy là 3%, giả sử thế chấp với giá trị hai triệu đồng, sau một tháng lấy xe, khách hàng chỉ trả lãi 60.000đ.

Nhà vắng chủ, “gửi”… công an

Không phải ngẫu nhiên, người dân sống trên địa bàn TP.HCM nghĩ ra nhiều cách đối phó trộm như vậy. Tình trạng trộm đột nhập nhà dân trong thời gian qua đã cho thấy tính liều lĩnh và manh động ngày càng tăng. Cuối năm 2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) bắt giữ một “nữ quái” 20 tuổi cầm đầu băng nhóm chuyên “nhập nha”. Theo điều tra, đối tượng này đã cùng đàn em phá khóa căn nhà trong hẻm 686 Cách Mạng Tháng Tám, P.5 (Q.Tân Bình) lấy đi sáu xe máy chỉ trong một đêm.

Trong một chuyên án trộm cắp vào tháng 1/2014 mà công an Q.Gò Vấp khám phá, các đối tượng còn tàng trữ một khẩu súng quân dụng P64, một súng bắn đạn hoa cải, một súng K59, hàng chục viên đạn và các đồ nghề như bình xịt hơi cay, mã tấu. Với cách trang bị “tận răng” như vậy, nguy cơ chống trả khi bị người dân phát hiện là rất lớn.

Dự báo và phân tích về tình trạng trộm cắp trong dịp Tết Nguyên đán, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, nghịch lý hiện nay là tội phạm trộm cắp đột nhập những căn nhà cao tầng dễ dàng hơn nhà trọ, nhà cấp bốn. Lý do bắt nguồn từ thực trạng thiếu gắn kết, giao lưu giữa các hộ dân trong những khu phố có nhiều gia đình kinh tế khá giả. Có nhiều trường hợp căn nhà bị trộm đột nhập nhưng nhà hàng xóm vẫn không quan tâm, dù có nghe thấy tiếng mở cửa, tiếng động di chuyển đồ đạc.

“Vì họ không biết chủ căn nhà bị trộm đã đi vắng”, vị lãnh đạo lý giải. Trong khi đó, ở các khu dân cư bình dân, dù không nhiều tài sản có giá trị cao nhưng người dân có sự gắn kết cộng đồng, cảnh giác, hỗ trợ lẫn nhau khi phát hiện người lạ, tiếng động lạ. Cũng theo vị lãnh đạo này, việc cất tiền số lượng lớn trong nhà là vô cùng nguy hiểm, tăng động cơ trộm cắp cho bọn tội phạm.

Đại tá Lê Anh Tuấn - Chánh văn phòng Công an TP.HCM cho biết, sắp đến Tết Nguyên đán, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố theo quy luật sẽ lắng dịu sau ngày 23/1 và chỉ còn diễn biến phức tạp với các loại án trộm cắp, cờ bạc, xô xát bột phát. Công an thành phố sẽ huy động tối đa lực lượng, triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Lực lượng cảnh sát khu vực phải vận động nhân dân tự bảo vệ tài sản; các lực lượng sẵn có tại địa phương như dân quân, dân phòng, bảo vệ dân phố phải đảm bảo thường xuyên tổ chức tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự khu dân cư.

 VINH QUỐC

Thiết bị chống trộm gia đình ồ ạt giảm giá

Theo khảo sát của PV Báo Phụ Nữ, tại các cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), Nhật Tảo (Q.10), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.Phú Nhuận), nhiều thiết bị chống trộm đã giảm giá đồng loạt. Nổi bật trong số này là thiết bị chống trộm không dây dùng sim điện thoại KS-269C có khả năng hú còi báo động ngay lập tức nếu có xâm nhập và báo qua điện thoại di động cho chủ nhà. Tại các cửa hàng bán thiết bị này, trước đây giá sản phẩm dao động từ 1.600.000 - 2.300.000đ nay đã giảm xuống còn 1.200.000đ. Ngoài ra, các sản phẩm chống trộm độc lập như công tắc cảm ứng từ báo động khi cửa lệch 1,5cm, báo trộm bằng tia hồng ngoại cũng giảm giá so với tháng cuối năm 2013 khoảng 20-30%.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI