"Đóng cửa" 4 cây cầu huyết mạch ở TP.HCM

02/10/2013 - 08:18

PNO - Giao thông trong các khu vực sẽ có sự thay đổi lớn trong quá trình xây dựng các công trình này

edf40wrjww2tblPage:Content

 Sáng 1/10, ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM (gọi tắt là Ban Quản lý) đã công bố phương án phân luồng giao thông khi “đóng cửa” 4 cây cầu huyết mạch: cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Hậu Giang để xây mới. Theo phương án phân luồng này, giao thông trong khu vực sẽ có sự thay đổi khá lớn.

Lắp ráp cầu tạm để chuẩn bị xây mới cầu Kiệu

Thi công trong 10 tháng

Theo ông Thanh, việc xây mới 4 cây cầu sẽ góp phần tăng cường năng lực giao thông cho khu vực. Cụ thể, khi xây lại cầu Lê Văn Sỹ, cầu Bông, cầu Kiệu, phần đường dưới chân các cầu này sẽ được thông suốt, tạo điều kiện cho người dân chạy một mạch từ đầu đường Hoàng Sa đến chân cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).

Tương tự, cầu Hậu Giang mới sẽ thông đường Lò Gốm (quận 6), nối liền với đường Võ Văn Kiệt. Tổng vốn xây 4 cây cầu khoảng 30 triệu USD, được lấy từ nguồn vốn dư của tiểu dự án Nâng cấp đô thị (vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới). Hiện nay, Ban Quản lý vẫn chưa chấm thầu nên chưa biết chính xác vốn của từng dự án. Dự kiến đầu tháng 11/2013, Ban Quản lý sẽ bắt đầu thi công đồng loạt các cầu trên. Cầu Kiệu và cầu Lê Văn Sỹ hoàn thành sau 8 tháng xây dựng, cầu Bông và cầu Hậu Giang cần đến 10 tháng. “Chúng tôi sẽ không để nhà thầu kéo dài thời gian thi công, đến tháng 9/2014 phải xong cả 4 cây cầu, qua thời gian này, Ngân hàng Thế giới sẽ cắt nguồn vốn vay” - ông Thanh cho biết.

CSGT túc trực tại các “điểm nóng”

Hiện nay, Ban Quản lý đang gấp rút hoàn thành các cầu tạm để chuẩn bị phân luồng giao thông. Mỗi cầu đều có 2 cầu tạm (rộng 4 m/cầu) thay thế, trong đó cầu tạm của cầu Bông, cầu Kiệu chỉ dành cho xe 2 - 3 bánh lưu thông (mỗi cầu một chiều); cầu tạm của cầu Lê Văn Sỹ và cầu Hậu Giang dành cho xe 2 - 3 bánh lẫn ô tô, xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 3,5 tấn lưu thông (mỗi cầu một chiều).

Cầu Bông chuẩn bị dỡ bỏ để xây lại

Để hướng dẫn giao thông cho người dân trong khi xây cầu, tại khu vực cầu Bông sẽ có 14 CSGT và 22 nhân viên điều tiết (NVĐT) giao thông; khu vực cầu Kiệu có 6 CSGT và 14 NVĐT giao thông; khu vực cầu Lê Văn Sỹ sẽ có 10 CSGT và 20 NVĐT giao thông; khu vực cầu Hậu Giang sẽ có 8 CSGT và 16 NVĐT giao thông.

“Dự kiến từ ngày 20 đến 30/10, chúng tôi sẽ đóng các cầu cũ, người dân bắt đầu di chuyển theo hướng đi mới. Sau 7-10 ngày, nếu có bất cập nảy sinh, Sở Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh phương án phân luồng giao thông cho phù hợp” - ông Thanh nói. Ông Lê Minh Triết, Phó Phòng Khai thác và Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải, cho biết trong thời gian chạy thử theo phân luồng mới, nếu có giao cắt gây kẹt xe thì sẽ cho xe chạy một chiều toàn bộ.

Với phương án phân luồng mới, đường Bùi Hữu Nghĩa, Vũ Tùng và Trần Quang Khải trở thành hướng đi chính. Nhiều người lo ngại việc dồn xe vào những tuyến đường này, vốn rất hẹp và còn bị người dân lấn chiếm để buôn bán (khu vực chợ Bà Chiểu) sẽ gây ùn tắc giao thông. Ông Thanh cho rằng lúc tính phương án đã thấy những bất cập này, tuy nhiên, do đóng đồng loạt 4 cầu nên rất khó chọn phương án thay thế tối ưu.

Đối với khu vực chợ Bà Chiểu, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu quận Bình Thạnh đặt hàng rào hai bên đường để ngăn chặn tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, dành đường cho xe chạy. “Chúng tôi rất mong người dân thành phố thông cảm cho những bất cập trong thời gian xây cầu và hãy cố gắng chịu đựng sự bất tiện trong 10 tháng. Người dân nên chủ động nghiên cứu các hướng đi phù hợp, tránh những điểm nóng có thể xảy ra kẹt xe. Lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, thanh niên xung phong sẽ túc trực ở những điểm nóng để điều tiết và giảm tối thiểu ùn tắc giao thông” - ông Thanh khẳng định.

Phương án phân luồng giao thông mới

Phân luồng giao thông cầu Bông:

- Đường Trần Quang Khải: Lưu thông 1 chiều xe ô tô (theo hướng từ đường Hai Bà Trưng) và 2 chiều xe 2 - 3 bánh.

- Đường Nguyễn Huy Tự: Lưu thông 1 chiều xe ô tô (theo hướng từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Văn Giai) và 2 chiều xe 2 - 3 bánh.

- Đường Mai Thị Lựu: Lưu thông 1 chiều xe ô tô (theo hướng từ đường Nguyễn Văn Giai đến đường Điện Biên Phủ) và 2 chiều xe 2 - 3 bánh.

- Đường Bùi Hữu Nghĩa:

+ Đoạn từ đường Nguyễn Huy Tự đến Vũ Tùng: Lưu thông 1 chiều xe ô tô (theo hướng từ Nguyễn Huy Tự đến Vũ Tùng) và 2 chiều xe 2 - 3 bánh.

+ Đoạn từ Vũ Tùng đến Bạch Đằng: Lưu thông 1 chiều các loại xe như hiện hữu.

+ Đường Vũ Huy Tấn (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến cầu Hoàng Hoa Thám): Lưu thông 1 chiều các loại xe theo hướng từ đường Đinh Tiên Hoàng đến cầu Hoàng Hoa Thám.

Khi đó, lộ trình thay thế dành cho ô tô đi từ quận 1 về quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận như sau:

- Lộ trình 1: Quận 1 -> Điện Biên Phủ -> ngã tư Hàng Xanh -> Xô Viết Nghệ Tĩnh -> Bạch Đằng -> Phan Đăng Lưu -> quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh.

- Lộ trình 2: Quận 1 -> Hai Bà Trưng -> Trần Quang Khải -> Nguyễn Huy Tự -> cầu Bùi Hữu Nghĩa -> Bùi Hữu Nghĩa ->quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh.

- Lộ trình 3: Quận 1 -> Đinh Tiên Hoàng -> Nguyễn Văn Giai -> cầu Bùi Hữu Nghĩa -> Bùi Hữu Nghĩa ->quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh.

Lộ trình thay thế dành cho ô tô lưu thông từ quận Bình Thạnh, Phú Nhuận về quận 1:

- Lộ trình 1: Quận Bình Thạnh -> Đinh Tiên Hoàng -> Vũ Huy Tấn -> cầu Hoàng Hoa Thám -> Trần Quang Khải -> Đinh Tiên Hoàng -> Võ Thị Sáu -> quận 1.

- Lộ trình 2: Quận Phú Nhuận -> Phan Xích Long -> cầu Hoàng Hoa Thám -> Trần Quang Khải -> Đinh Tiên Hoàng -> Võ Thị Sáu -> quận 1.

- Lộ trình 3: Quận Bình Thạnh, Phú Nhuận -> Phan Đăng Lưu -> Bạch Đằng -> ngã tư Hàng Xanh -> Điện Biên Phủ -> quận 1.

Phân luồng giao thông cầu Kiệu:

Lộ trình cho xe 2 bánh:

- Hướng đi từ quận Phú Nhuận -> quận 1: Phan Đình Phùng -> hẻm 41 Phan Đình Phùng -> Trường Sa -> cầu tạm 1 -> Hoàng Sa -> hẻm 475 Hai Bà Trưng -> Hai Bà Trưng.

- Hướng đi từ quận 1 -> quận Phú Nhuận: Hai Bà Trưng -> Trần Quang Khải -> Nguyễn Văn Nguyễn -> hẻm 241 Nguyễn Văn Nguyễn -> Hoàng Sa -> cầu tạm 2 -> Trường Sa -> Phan Đình Phùng.

Lộ trình thay thế cho ô tô đi từ quận 1, quận 3 -> quận Phú Nhuận:

- Lộ trình 1: Quận 1, 3 -> Hai Bà Trưng -> Trần Quang Khải -> cầu Hoàng Hoa Thám -> Phan Xích Long -> Phan Đăng Lưu -> quận Phú Nhuận.

- Lộ trình 2: Quận 1, 3 -> Hai Bà Trưng -> Trần Quang Khải -> Nguyễn Huy Tự -> cầu Bùi Hữu Nghĩa -> Bùi Hữu Nghĩa -> Bạch Đằng -> quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận.

- Lộ trình 3: Quận 1, 3 -> Hai Bà Trưng -> Võ Thị Sáu (hoặc Trần Quốc Toản) -> Nam Kỳ Khởi Nghĩa -> Huỳnh Văn Bánh -> Phan Đình Phùng -> Phan Đăng Lưu -> quận Phú Nhuận.

- Lộ trình 4: dành cho ô tô con hạn chế tải trọng cầu Trần Khánh Dư: Quận 1, 3 -> Hai Bà Trưng -> Trần Quang Khải -> Trần Khắc Chân -> cầu Trần Khánh Dư -> Nguyễn Công Hoan -> Phan Xích Long -> Phan Đăng Lưu -> quận Phú Nhuận.

Phân luồng giao thông cầu Lê Văn Sỹ:

- Hướng lưu thông từ quận Phú Nhuận -> quận 3: Lê Văn Sỹ -> Trường Sa -> cầu số 9 -> Hoàng Sa -> hẻm 173 -> Trần Quốc Thảo.

- Hướng lưu thông từ quận 3 -> quận Phú Nhuận: Trần Quốc Thảo -> Trường Sa -> cầu tạm -> Hoàng Sa -> Lê Văn Sỹ.

Phân luồng giao thông cầu Hậu Giang:

Xe khách trên 16 chỗ, xe có trọng lượng trên 3,5 tấn lưu thông theo lộ trình sau:

- Lộ trình 1: Hậu Giang -> Nguyễn Văn Luông -> Hồng Bàng -> Minh Phụng -> Hậu Giang và ngược lại.

- Lộ trình 2: Hậu Giang -> Nguyễn Văn Luông -> Phạm Văn Chí -> Bình Tiên -> Minh Phụng -> Hậu Giang và ngược lại.

- Lộ trình 3: Kinh Dương Vương -> Hồ Học Lãm (An Dương Vương) -> Võ Văn Kiệt -> Bình Tiên -> Minh Phụng -> Hậu Giang và ngược lại.

Theo Ánh Nguyệt (Người Lao Động)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI