Đồng bào Việt Bắc tiếc thương Người

11/10/2013 - 17:27

PNO - PN - Đã mấy đêm rồi, giữa thủ đô kháng chiến - ATK Định Hóa (Thái Nguyên), hàng vạn đồng bào ngủ không trọn giấc. Những trái tim quặn thắt. Những giọt nước mắt nghẹn ngào. Những niềm tiếc thương vô hạn khi hay tin Đại tướng...

edf40wrjww2tblPage:Content

BÁC VĂN RẤT GẦN GŨI VÀ NHÂN HẬU

Những người chúng tôi trò chuyện về Đại tướng ở thủ đô kháng chiến đều đã khóc rất nhiều trước thông tin Đại tướng qua đời.

Ông Mông Đức Ngô, 84 tuổi, ở xóm Pa Trò, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) kể, trong những năm từ 1947-1954, nhiều lần ông được gần gũi với Đại tướng khi tham gia bảo vệ cơ quan của Trung ương Đảng ở xã Phú Đình. Đặc biệt, năm 1954, tại mặt trận Điện Biên Phủ, ông Ngô là trung đội trưởng trung đội thông tin, người trực tiếp truyền lệnh của Đại tướng cho các quân, binh chủng tại mặt trận bằng tiếng Tày.

Trong suốt cuộc chuyện trò với chúng tôi, nhiều lần người lính già Mông Đức Ngô phải rút khăn tay lau nước mắt. Ông cho biết, ông nhận được tin Đại tướng qua đời lúc 1g sáng ngày 5/10, từ đại tá Nguyễn Huyên - người trợ lý của Đại tướng. “Tôi đã lặng đi một hồi lâu. Trái tim tôi thắt lại. Suốt đêm đó tôi không chợp mắt được. Cứ bồi hồi, xúc động, nghẹn ngào”.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Ngô còn nhiều lần được gặp Đại tướng tại Định Hóa và tại nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Ông Ngô bảo: Đại tướng coi tôi và đồng bào Định Hóa như người thân trong nhà, coi Định Hóa là quê hương thứ hai của mình. Lần nào tôi xuống thăm, anh Văn cũng nói chuyện với tôi bằng tiếng Tày vùng Định Hóa. Đại tướng hỏi thăm về những cụ già ai còn, ai mất; cuộc sống của đồng bào ấm no không và cho Đại tướng gửi lời thăm hỏi.

 Đại tướng luôn căn dặn các cán bộ của Định Hóa mỗi lần họ xuống thăm Đại tướng là phải chăm lo tốt cho dân. Nhiều lần được tiếp xúc, được ngồi ăn cùng vị chỉ huy cao nhất của quân đội, trong tâm trí của ông Ngô, Đại tướng như người anh rất gần gũi và giản dị. Đại tướng thương anh em chiến sĩ lắm, đi tới đơn vị nào Người cũng hỏi hôm nay anh em ăn gì? Có thiếu thốn gì không? Ông Ngô kể: Nhớ hôm đơn vị của tôi đi kiểm tra đường dây, có một đồng chí bị mảnh đạn pháo găm vào đầu, được khiêng về lán chỉ huy. Lúc đó là sáng sớm, Đại tướng lập tức đến thăm, bảo anh em nhà bếp mang lên một ít xôi để chút nữa cậu ấy ăn cho ấm bụng. Thế nhưng, cậu chiến sĩ ấy chưa kịp ăn thì đã hy sinh, ai nấy đều lặng đi, Đại tướng cũng rơi nước mắt.

Tuy là người lãnh đạo tối cao của quân đội, bận trăm công ngàn việc nhưng Đại tướng rất nhớ và quan tâm đến hoàn cảnh của anh em. Ông Ngô nhớ lại: Năm 1954, tôi bị thương khi phụ trách đơn vị thông tin tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó được về địa phương. Năm 1972, cả nước thực hiện lệnh tổng động viên cho chiến trường miền Nam, tôi xung phong tái ngũ và hành quân về Hà Nội. Tại đó, tôi được gặp lại Đại tướng. Đã gần 20 năm nhưng Người vẫn nhận ra tôi. Người bảo, chú là thương binh, lại là con một nên ở lại hậu phương, lao động sản xuất để chi viện cho tiền tuyến cũng quan trọng như trực tiếp cầm súng đánh giặc.

Dong bao Viet Bac tiec thuong Nguoi

Ông Nông Văn Tình treo dải băng tang lên di ảnh Đại tướng để tỏ lòng tiếc thương - Ảnh: Nguyễn Thế

Vâng lời Đại tướng, ông Ngô trở về địa phương, làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp rồi giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương.

“Tài sản quý giá nhất còn lại của đời tôi là những kỷ niệm với Đại tướng và những tấm ảnh tôi được chụp cùng Người” - ông Ngô chia sẻ.

Còn các mế vùng chiến khu xưa, vẫn không ai muốn tin là Đại tướng đã qua đời. Trong quán nước nhỏ trên đỉnh đèo De ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa, những người già kể mãi chuyện về Đại tướng, về cái tình, cái nghĩa Đại tướng đã dành cho đồng bào Việt Bắc.

“Khi nghe tin bác Văn mất, từ người già đến người trẻ ở đây đều rất tiếc, thương” - bà Lường Thị Nhận, dân tộc Tày ở xã Phú Đình, giàn giụa nước mắt nói.

Nhấc từng bước chân khó nhọc lên đồi Pụ Đồn - đồi “Phong tướng”, bà Nguyễn Thị Vân, ở thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình, đã khóc ngất vì sự ra đi của Đại tướng: “Bác ơi! Bây giờ nhân dân ở đây không thấy Bác ở đâu nữa. Ai cũng nhớ. Ai cũng thương. Bác ơi!”.

TIẾC THƯƠNG KHÔN NGUÔI…

Ngay khi nghe tin Đại tướng qua đời, những bô lão ở xã Tam Kim đã chống gậy lên UBND xã để hỏi về những việc chính quyền sẽ làm để tưởng nhớ Đại tướng. Họ mong muốn được về Hà Nội để lần cuối tiễn biệt Người.

Ông Nông Ngọc Minh, 75 tuổi, ở xóm Phai Khắt, xã Tam Kim, kể là mấy đêm nay ông không ngủ được. Ông nhớ về Đại tướng như nhớ người cha thân yêu của mình: “Đại tướng thương yêu dân, lo cho dân và sống rất bình dị. Bác rất hay xúc động. Mỗi khi nói chuyện với đồng bào, hỏi thăm về cuộc sống của bà con, tôi thấy Bác thường như muốn khóc”.

Tại nhà ông Nông Văn Tình ở thôn Phai Khắt, treo trang trọng giữa phòng khách là tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phủ lên di ảnh là một dải băng đen để tang Người. “Tôi đã không thể ngủ được từ khi hay tin Bác Giáp qua đời. Chúng tôi đau đớn và nhớ Bác vô cùng. Bác không chỉ là vị tướng giỏi của dân tộc và thế giới mà còn là người ông, người cha vô cùng tốt bụng của nhân dân Tam Kim chúng tôi” - ông Tình nói. Ông Tình kể thêm, bố ông là đồng đội hoạt động cách mạng tại Tam Kim cùng với Đại tướng trong thời gian Người ở Tam Kim. Tấm ảnh của Đại tướng là do anh Võ Hồng Nam - con trai út của Đại tướng tặng gia đình ông khi anh lên thăm Tam Kim vào đầu năm 2013.

Cả xã Tam Kim này chỉ sáu gia đình có được ảnh của Người - ông Nông Ngọc Minh nói: “Ai cũng muốn có ảnh của Người để thờ trong nhà. Đại tướng như là cha, là ông trong nhà chúng tôi. Nhưng giờ không biết kiếm ảnh ở đâu”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Đình Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tam Kim, cho biết: Thể theo tâm nguyện của đồng bào các dân tộc ở xã Tam Kim, ngày 8/10, UBND xã đã lập bàn thờ Đại tướng tại khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi cách đây 69 năm, Đại tướng đã chủ trì buổi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. “Chúng tôi lập bàn thờ để tưởng nhớ Đại tướng, vị tướng quân vĩ đại của dân tộc chúng ta. Tình cảm của đồng bào Tam Kim chúng tôi với Người sâu nặng không thể kể xiết. Từ nay, nhân dân và du khách mỗi khi đến thăm khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo có thể vào để thắp hương và tưởng nhớ Người” - ông Hải bày tỏ.

Triệu triệu tấm lòng của đồng bào Việt Bắc đang hướng về Hà Nội để tiễn đưa Người với niềm tiếc thương vô hạn…

 NGUYỄN THẾ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI