Đổi giấy phép lái xe mới: Muốn nhanh thì qua "cò" ?

07/12/2013 - 09:18

PNO - PN - Để hoàn tất thủ tục cho một bộ hồ sơ đổi giấy phép lái xe từ vật liệu giấy sang thẻ nhựa, người cần đổi phải bỏ ra nửa ngày chờ đợi. Tuy nhiên, với 500.000 - 700.000đ, thời gian sẽ rút ngắn xuống còn... 10 phút.

edf40wrjww2tblPage:Content

Doi giay phep lai xe moi: Muon nhanh thi qua

"Cò" hướng dẫn làm thủ tục “tận tình”

10 phút là xong

Tình trạng quá tải tại địa điểm chính (252 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3, TP.HCM) đổi giấy phép lái xe (GPLX) của Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) khiến ngay trước cửa cơ quan này lúc nào cũng có đến 20-30 “cò” hoạt động công khai đến… náo nhiệt. Những đối tượng này chặn đầu xe bất cứ người nào khi họ vừa quẹo xe vào cơ quan này nhằm chào mời “dịch vụ đổi bằng lái nhanh”.

Trong vai người đi đổi GPLX mới, tôi vừa quẹo vào địa chỉ trên, ngay lập tức bốn, năm người đàn ông ùa ra chặn đầu xe hỏi tới tấp: “Đổi hay làm bằng lái vậy anh? Tụi em làm cho, nhanh lắm, 700.000đ, 10 phút có biên lai”. Trong khi đó, giá chính thức chỉ có 135.000đ. Người đàn ông dáng người gầy, nước da hơi đen nói thêm: “Bên trong làm mất cả buổi mới xong. Anh đưa em làm thì đảm bảo có biên lai ngay. Anh viết đơn và ký rồi em dẫn anh đi làm, khỏi cần khám sức khỏe. Một tuần sau có bằng lái mới”. Lúc này là 10g30, tại bàn bốc số thứ tự và hướng dẫn làm hồ sơ có khoảng hơn 10 người đang đứng vây quanh. Sang phòng khám sức khỏe, nơi này có khoảng 10 người đang chờ khám. Lên lầu một, nơi nhận hồ sơ thì hầu như không còn ghế trống để ngồi chờ.

Người đàn ông lúc nãy vẫn chưa bỏ cuộc. Anh ta theo tôi đến tận cửa và đứng chờ, mặc dù bảo vệ của Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX đứng ngay đó. Thấy tôi đi ra, anh này tiếp tục chèo kéo: “Anh thấy chưa, đông lắm. Hôm nay không làm được đâu. Anh làm bình thường, tổng các khoản cũng mất hơn 200.000đ rồi. Tụi em còn phải bôi trơn, chung chi mới làm được nhanh chứ đâu có ăn hết một mình đâu?”. “Làm bằng hai bánh thì bao nhiêu?”, tôi hỏi. Người đàn ông hạ giá 500.000đ. Sau khi thỏa thuận xong, anh ta dắt tôi đi chụp hình thẻ để dán vào đơn và đưa cho tôi giấy khám sức khỏe đã được đóng dấu sẵn để điền thông tin. Trong khi đó, anh ta gọi điện thoại cho ai đó để thông báo tên của tôi. Sau đó, anh ta hướng dẫn tôi lên lầu một làm thủ tục. Lên lầu một chờ khoảng năm phút thì nghe gọi tên qua loa phát thanh, mặc dù lúc này trong phòng có đến 20 người đang chờ gọi tên. Tôi vào chụp hình (để in trực tiếp lên GPLX mới) và không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Sau đó, tôi nhận giấy hẹn một tuần sau lên lấy GPLX mới.

Sau khi làm GPLX hai bánh chỉ trong vòng chưa tới 10 phút, người đàn ông tự giới thiệu tên là Vũ cho tôi số điện thoại di động để liên hệ đổi GPLX ô tô mà tôi nói để quên ở nhà. Vũ cho rằng, không nên đổi gộp hai bằng lái (ô tô và xe máy) vì lỡ bị cảnh sát giao thông giam bằng thì phiền phức lắm. Theo anh này, nếu người dân đi đổi bình thường thì sẽ bị gộp chung, nhưng nếu qua anh ta thì hoàn toàn có thể tách riêng. “Bằng lái ô tô hết hạn ba năm rồi anh đổi được không?”, tôi hỏi. “Hết hạn dưới một năm thì bốn triệu, trên một năm thì năm triệu. Em bao lý thuyết”, Vũ nói. Anh này cho biết thêm, trước đây, mỗi ngày anh kiếm được năm đến bảy triệu đồng từ việc đổi GPLX, tuy nhiên hiện nay chỉ còn khoảng một, hai triệu đồng vì người làm “dịch vụ” này đông quá. Ngay cả xe ôm cũng quy tụ về đây để làm, nên cạnh tranh ghê lắm.

Doi giay phep lai xe moi: Muon nhanh thi qua

"Cò" hoạt động công khai ngay trước cổng ra vào Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX TP.HCM

Bó tay?

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ về tình trạng này, ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX cho biết, ông cũng rất bức xúc và đã nhiều lần gửi công văn đến UBND P.9, Q.3 nhờ can thiệp nhưng chưa thấy vào cuộc. Ông Nhân thừa nhận, tình trạng cán bộ của Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX cấu kết với “cò” là có thật. “Nếu có chứng cứ, chúng tôi sẵn sàng cho cán bộ vi phạm nghỉ việc ngay”, ông Nhân nói. Tuy nhiên, để bắt tận tay là rất khó bởi đường dây này hoạt động rất kín kẽ, tinh vi và luôn thay đổi phương pháp để đối phó. Bên cạnh đó, với trên 500 hồ sơ xin đổi bằng lái từ vật liệu giấy sang thẻ nhựa mỗi ngày khiến việc kiểm tra, kiểm soát không được sát sao.

Theo ông Nhân, mới đây, để hạn chế cán bộ móc ngoặc với “cò”, Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX quy định mỗi ngày chỉ nhận 500 hồ sơ, những hồ sơ phát sinh (không bốc số thứ tự) phải được lãnh đạo đồng ý, nếu không, cán bộ làm hồ sơ sẽ bị xử lý. Ngay lập tức, “cò” cũng đổi cách hoạt động và yêu cầu người đi đổi GPLX vào bốc số, sau đó quay ra nhận “ám hiệu” để nộp hồ sơ nhanh. Chẳng hạn khi làm cho tôi, Vũ dặn kỹ: “Anh lên lầu một, ngồi chờ ở bàn số năm, khi nào bàn số bảy vắng, anh lại đưa hồ sơ và nói: bằng của em cũ rồi, chị đổi bằng mới giúp em. Cứ nói vậy là người ta hiểu. Có nghe gọi số cũng không lên, nghe không. Người ta bảo đóng tiền, thì cứ đóng, xuống em trừ ra”.

Ngoài địa điểm chính tại 252 Lý Chính Thắng, hiện Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX còn có ba điểm khác thực hiện nhiệm vụ đổi GPLX thẻ nhựa cho người dân tại số 8 Nguyễn Ảnh Thủ (P.Trung Mỹ Tây, Q.12), số 111 Tân Sơn Nhì (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) và số 4-6 Nguyễn Tri Phương (P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức). Mặc dù, những địa điểm này được bố trí khá hợp lý, song trên thực tế, nhu cầu của người dân tại các địa điểm tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX đã có sự mất cân đối khá lớn. Chẳng hạn như lượng hồ sơ đăng ký tại 252 Lý Chính Thắng hiện hơn ba điểm kia cộng lại. Việc này đã khiến cơ sở 252 Lý Chính Thắng luôn ở tình trạng quá tải, trong khi đó những điểm còn lại không có việc để làm.

Ông Nhân cho biết, trước mắt, từ đầu năm 2014, người nước ngoài sẽ đổi GPLX tại 252 Lý Chính Thắng, người có hộ khẩu ở địa phương khác sẽ đổi ở ba điểm còn lại. Bên cạnh đó, cơ quan này đang chuẩn bị mở thêm bốn điểm mới ở Q.9, Nhà Bè, Bình Tân và Tân Bình nhằm giải tỏa tình trạng quá tải.

 Ca Hảo

Giấy phép lái xe mới chỉ sử dụng tại Việt Nam

“Mục đích chính của GPLX bằng thẻ nhựa là để sử dụng ở trong nước. Giấy phép này có thêm phần tiếng Anh không có nghĩa là có thể sử dụng được ở nước ngoài. Có thể một số nước trong khối Asean chấp nhận GPLX của Việt Nam, tuy nhiên đó là quan điểm của riêng họ chứ chưa có một quy ước nào cụ thể giữa Việt Nam với các nước về vấn đề này".

Ông Võ Trọng Nhân (Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI