Doanh nhân băn khoăn về “bộ máy” của chính quyền đô thị TP.HCM

03/09/2013 - 15:35

PNO - PNO – Góp ý cho đề án chính quyền đô thị, đại diện giới doanh nhân TP.HCM băn khoăn: Có vẻ như bộ máy vẫn cồng kềnh; nói là giảm nhân sự, nhưng chỉ giảm ở quận huyện, còn ở cấp TP thì phình to ra, vậy liệu có hiệu quả không?

edf40wrjww2tblPage:Content

 Sáng 3/9, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị doanh nhân TP.HCM góp ý đề án chính quyền đô thị TP.HCM. Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội nghị.

Nhiều đại biểu cho rằng, khi triển khai mô hình chính quyền đô thị thì phải bảo đảm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Doanh nhan ban khoan ve “bo may” cua chinh quyen do thi TP.HCM

Đại diện giới doanh nhân TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM bày tỏ quan điểm ủng hộ mô hình đưa ra; cho đây là mô hình phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Tuy nhiên, ông cho rằng có 3 mục tiêu chính cần nắm chắc khi thực hiện, đó là tăng cường năng lực cạnh tranh của TP.HCM trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay; đời sống và phúc lợi của dân phải ngày càng cao; tổ chức Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải cải tiến mạnh mẽ. Ông cũng cho rằng, đối với các vấn đề liên quan về đất đai, thuế, ngân sách, đặc biệt là các chính sách đối với doanh nghiệp…phải có cơ chế thích hợp để giải quyết, nếu không sẽ rất khó khăn.

Ông Lương Công Huỳnh, Tổng thư ký Hội Dây và Cáp điện TP.HCM thẳng thắn góp ý: “Thực ra chính quyền đô thị không phải là mô hình quá mới đối với TP.HCM. Mười mấy năm nay, TP quản lý theo mô hình đô thị rồi. Vấn đề bây giờ là làm sao khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì phải quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn, “sắc sảo” hơn cái cũ thôi”.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: “Càng đi sâu vào đề án, tôi càng cảm thấy tổ chức bộ máy mình quá phức tạp, khiến người dân thấy khó hiểu. Hiệu quả đề án chưa thấy như thế nào nhưng tôi thấy bộ máy nó phình to ra. Nói là giảm nhân sự, nhưng chỉ giảm ở quận huyện thôi, còn ở cấp TP thì phình to ra, vậy liệu có hiệu quả không?”.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, giảm bớt bộ máy sát với dân là mục tiêu của đề án nhưng trong đề án thì thấy giảm chưa rõ rệt, chỉ giảm được vài quận nhưng phình ở các thành phố, còn phường cũng giữ nguyên. “Bất cập lớn nhất hiện nay là tất cả mọi việc dồn về phường, từ phường mới triển khai đến dân. Hiện nay có phường vài ngàn dân rồi, giải quyết thủ tục chậm, rườm rà. Vậy giờ dồn hết về phường, liệu có kham nổi hay không, các công việc làm sao giải quyết cho hết. TP cần nghiên cứu rõ hơn cơ chế giữa quận và phường, bộ máy của phường để giải quyết công việc liên quan đến dân. Thủ tục nhiều phiền phức, dân mất lòng tin nên càng phải quy định rõ ràng hơn” - ông Phạm Văn Huỳnh đề xuất.

Cũng đặc biệt quan tâm đến cấp chính quyền ở cơ sở, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM - Fahasa cho rằng, phường là cấp cần được chú ý nhiều vì là cấp cơ sở, gần dân nhất, va chạm với dân nhiều nhất, nên với phường, không nên bớt người, bớt quyền mà nên tăng người, tăng quyền để giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến dân. Khi phường giải quyết tốt những yêu cầu của dân thì lên cấp quận, cấp TP sẽ đỡ hơn rất nhiều, ở những cấp này chỉ dành trọng tâm giải quyết những vấn đề vĩ mô hơn.

Ông Phạm Minh Thuận cũng bày tỏ băn khoăn, không biết chính quyền đô thị sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp. Ông nói: “Liệu có cơ chế nào hiệu quả hơn cho doanh nghiệp hoạt động không? Dù sao lâu nay doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP.HCM cũng quen đường đi nước bước rồi, nay thay đổi thì sẽ ra sao? TP.HCM luôn ưu tiên giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, do đó, khi thay đổi chính quyền thì nên chú ý đến cơ chế vận hành như thế nào để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn".

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị là người dân. Do vậy, nhất thiết phải tính toán kỹ để làm sao mang lại thuận lợi nhiều nhất cho người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách hành chính, bởi hiện nay đây là vấn đề gây bức xúc trong dân nhiều nhất.

“Muốn vậy phải quyết liệt kiến nghị Trung ương phân cấp cho TP, là đô thị đặc biệt, thì quyền hạn cho TP phải rõ. Phải có cơ chế và trao quyền cho người đứng đầu một cách thực chất, rõ rệt hơn, nhiệm vụ phải kèm theo quyền hạn. Chính quyền đô thị phải giao quyền quyết liệt hơn thì mới giúp dân được” - ông Huỳnh Văn Minh kiến nghị.

Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu doanh nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Khi được Trung ương cho phép thì khâu tổ chức thực hiện là cực kỳ quan trọng. Phải tập trung đồng bộ, có bước đi cụ thể để làm sao đảm bảo hạn chế thấp nhất sự xáo trộn, bảo đảm an dân.

Bí thư Thành ủy mong rằng, từ hoạt động thực tiễn của mình, đội ngũ doanh nhân TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phù hợp với thực tiễn TP.HCM, với sự phát triển bền vững của TP.HCM, phù hợp với bản chất của chế độ là “của dân, do dân, vì dân”; phát huy mọi khả năng vốn có, phục vụ cho sự nghiệp phát triển.

Trần Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI