Doanh nghiệp vẫn ‘chê’ sinh viên yếu kỹ năng làm việc

07/06/2014 - 14:54

PNO - PNO - Đại diện các đơn vị sử dụng lao động thừa nhận sinh viên có năng động, nắm nhiều kiến thức nhưng thiếu kỹ năng làm việc, yếu ngoại ngữ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiều 6/6, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Đào tạo nguồn nhân lực cao cho những doanh nghiệp hàng đầu" với sự tham gia của hơn 40 đơn vị đào tạo và doanh nghiệp trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, ô tô, kinh tế...

Tại hội thảo, nhiều đơn vị sử dụng lao động thừa nhận sinh viên có năng động, nắm nhiều kiến thức nhưng vẫn nặng kiến thức mà thiếu đi kỹ năng làm việc, khả năng cạnh tranh trong môi trường doanh nghiệp và nhất là khả năng ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Doanh nghiep van ‘che’ sinh vien yeu ky nang lam viec

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ông Huỳnh Tấn Thuyết, Phó Giám đốc Công ty Toyota Biên Hòa (Đồng Nai) cho rằng các trường cần xây dựng lại chương trình đào tạo để sinh viên ra trường đi làm không phải chới với. Đơn cử như ở khối ngành công nghệ kỹ thuật, các em được đào tạo rất nhiều về kiến thức cơ sở, chú trọng phần kỹ thuật, thiết kế nhiều hơn công nghệ. Học về ô tô, sinh viên được trang bị sâu về thiết kế, chế tạo máy móc cho xe nhưng lại không nắm được những công nghệ, dịch vụ tăng thêm làm tăng giá trị cho chiếc xe trong khi thế mạnh của nước ta không phải là chế tạo hay thiết kế ra nguyên chiếc ô tô.

"Sinh viên có kiến thức nhưng yếu kỹ năng làm việc thực tế. Ngay ở lĩnh vực kỹ thuật mà các em khá rành, khi gặp cái mới cũng lúng túng. Tư duy logic, phản biện cũng thiếu và hầu như các bạn sinh viên được đào tạo hệ chất lượng cao đi nữa cũng không được đào tạo kỹ năng để làm nhà quản lý, làm việc nhóm...", ông Thuyết chỉ rõ.

Sau khi tiếp nhận 30 sinh viên vào thực tập tại công ty, ông Trần Duy Vinh, Phó Giám đốc Công ty phần mềm FSOFT HCM đánh giá có khoảng 1/3 sinh viên có khả năng làm việc tương đối, có 1 em được nhận vào làm dự án của công ty ngay. Nhưng phần lớn còn lại bộc lộ những điểm yếu cơ bản khi làm việc: đó là kỹ năng viết báo cáo, trình bày, làm việc nhóm, còn thiếu chủ động trong công việc. Đặc biệt, do công ty kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm đòi hỏi trình độ tiếng Anh nhất định nên sinh viên phần lớn không đáp ứng được yêu cầu này.

Nhiều đại biểu cho rằng chương trình đào tạo ở trường đại học nên đa dạng để sinh viên và doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn. Các trường nên tận dụng nguồn giáo viên được đào tạo ở nước ngoài để đổi mới giảng dạy. Nhà trường cũng nên kết nối với các tổ chức, các doanh nghiệp để sinh viên vừa học lý thuyết vừa được thực hành, tiếp cận công nghệ và làm quen với văn hóa doanh nghiệp sớm.

Nhiều sinh viên cũng thừa nhận, việc thực hành trên những thiết bị cũ, khi xảy ra sai sót, không biết nên đổ thừa máy hỏng hay tại mình tính sai. Sinh viên mong muốn được sớm tiếp cận với đơn vị thực hành, thực tập để tích lũy kinh nghiệm làm việc sớm. Hiện suốt 2 - 3 năm đầu, họ chỉ được học lý thuyết.

Đứng ở góc độ đào tạo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM lý giải, kỹ năng mềm không phải là một môn học riêng trong trường đại học mà được trang bị tích hợp trong từng môn học, từng dự án. Trường đang cải tiến chương trình đào tạo, ngay từ năm đầu, sinh viên phải học làm dự án. Đây là kiểu học tiếp xúc, sinh viên khi làm những dự án này sẽ có những kỹ năng làm việc nhóm, trình bày... Ngoại ngữ là điểm yếu chung của sinh viên, không riêng ngành nghề nào. Nhà trường quyết liệt đặt chuẩn đầu ra là TOEIC 450, rồi thí điểm dạy bằng tiếng Anh ở nhiều môn nhưng liền bị phản ứng vì sinh viên không theo kịp. Từ đó, trường yêu cầu giảng viên làm bài giảng theo hướng song ngữ để cải thiện dần điểm yếu này.

TS Võ Viết Cường, Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao của trường đề xuất: Đòi hỏi của doanh nghiệp ngày càng cao nên các trường đưa ra mô hình đào tạo chất lượng cao, cung cấp chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người học. Sinh viên được học với giảng viên giỏi, có phương pháp tiên tiến. Người học được học với trang thiết bị hiện đại hơn, tăng cường ngoại ngữ và các kỹ năng mềm...

Vấn đề cốt lõi không phải là sinh viên thụ hưởng dịch vụ giáo dục cao hay thấp mà quan trọng là chương trình và phương thức đào tạo có đáp ứng nhu cầu thực tế hay không.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định việc phải hướng dẫn lại để sinh viên làm quen với văn hóa doanh nghiệp là tất nhiên nhưng thứ họ cần là sinh viên phải có kỹ năng làm việc, thích ứng nhanh. Trong chương trình chất lượng cao, nên cho sinh viên tiếp cận thực tế sớm, dùng phương pháp giảng dạy hiện đại thay cho lối dạy thụ động, trang thiết bị không quá tụt hậu so với thị trường và phải hướng đến việc định hướng đào tạo các em thành các nhà quản lý trong lĩnh vực.

Nếu bỏ ra số học phí cao cấp 3 - 4 lần chương trình bình thường để học chương trình chất lượng cao mà chỉ để tiếp nhận chất lượng dịch vụ cao hơn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI