Điều trị cho trẻ tự kỷ: Vẫn còn nhiều bất cập

27/05/2014 - 17:36

PNO - PNO - Điều trị thế nào để trẻ mắc chứng tự kỷ sớm hòa nhập, tránh những rối loạn nhận thức ngày càng nặng, giảm gánh nặng… là mục tiêu không chỉ của phụ huynh có con mắc bệnh, mà còn là của các đơn vị, trường học...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhằm tìm ra những giải pháp chữa trị, giúp trẻ sớm hòa nhập lại với cộng đồng, Trung tâm ATC (Liên hiệp Khoa học kinh tế-đô thị Nam bộ) vừa tổ chức buổi tọa đàm “Đồng hành cùng trẻ tự kỷ đến trường-Phát triển nhận thức và xây dựng kỹ năng sống hòa nhập”.

Giáo viên vẫn là “điểm thắt” cần tháo gỡ

Tại buổi tọa đàm, BS Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên môn tâm lý học thần kinh, tâm bệnh học phát triển, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng: việc phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ là cực kỳ quan trọng. Cha mẹ hay thầy cô giáo nên chú ý đến những mốc phát triển của trẻ nhằm phát hiện sớm và đưa trẻ đi khám để có xác định và can thiệp kịp thời.

“Phát hiện sớm và can thiệp sớm là những yếu tố quyết định quan trọng đối với quá trình của rối loạn tự kỷ. Những nghiên cứu cho thấy 75-88% trẻ em rối loạn tự kỷ có biểu hiện những dấu hiệu sớm của tình trạng này trong hai năm đầu đời, 31-55% có biểu hiện triệu chứng trong năm đầu tiên. Với những trường hợp được phát hiện sớm, khả năng điều trị thành công và hòa nhập của trẻ là rất tốt. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam lại cho thấy, việc phát hiện tình trạng bệnh của trẻ và đưa đi điều trị là tương đối chậm, phần nhiều rơi vào độ tuổi 3-4” - BS Phan Thiệu Xuân Giang nói.

Dieu tri cho tre tu ky: Van con nhieu bat cap
Chuyên viên tâm lý khám cho một trường hợp trẻ bị tự kỷ - Ảnh: T.T.D.

Theo nhiều đại biểu, công tác điều trị cho trẻ tự kỷ gặp khó không chỉ đến từ sự chủ quan của chính các bậc phụ huynh, mà nguyên nhân đến từ đội ngũ giáo viên (GV) mỏng, thiếu kinh nghiệm tại các trường Tiểu học cũng không nhỏ. Học sinh khuyết tật được hoà nhập vào môi trường bình thường ngày càng gia tăng. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, một số trẻ tự kỷ kèm theo chậm phát triển trí tuệ cũng có thể được hoà nhập. Vì thế, vai trò, kiến thức cũng như kỹ năng của giáo dục viên chuyên biệt và giáo dục viên bình thường rất quan trọng. Trong thực tế, hoàn cảnh Việt Nam, một số trẻ khi học ở trường chuyên biệt thấy có tiến bộ thì giáo viên gợi ý để cha mẹ chuyển trẻ ra trường bình thường. Tuy nhiên, nhiều nơi giáo viên ở trường bình thường không được trang bị tốt kiến thức về trẻ khuyết tật, số trẻ trong lớp lại đông nên trẻ được giáo dục hoà nhập không được chú ý nhiều.

Đánh giá về thực trạng này, PGS.TS Trần Tuấn Lộ - Trưởng khoa tâm lý Trường ĐH Văn Hiến nhìn nhận: Trình độ chuyên môn của GV các trường chuyên biệt hay các trung tâm can thiệp hiện không đồng đều. Có nơi dùng những nhân viên không được đào tạo chuyên nghiệp, đội ngũ GV không ổn định do đây là công việc nặng nề, khó khăn, đòi hỏi phải có kỹ năng và yêu nghề, yêu trẻ. Có những nơi lại chạy theo lợi nhuận mà quên mất chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Thực tế trên đặt ra vấn đề, đã đến lúc các trường Sư Phạm có đào tạo GV chuyên biệt phải gắn việc đào tạo với dự báo của địa phương nhằm tháo nút thắt thiếu GV chuyên biệt”.

Ông Trần Văn Dương - Giám đốc Trung tâm ATC chia sẻ: Việc hoà nhập và dạy nghề cho trẻ lớn là vấn đề lo lắng của nhiều phụ huynh ở Việt Nam. Hiện tại chưa có trung tâm nào chuyên về vấn đề này, chính sách của nhà nước để hỗ trợ trẻ khuyết tật, đặc biệt là tự kỷ ở độ tuổi lớn được hoà nhập làm việc theo những mô hình đặc biệt là chưa có. Vì thế, thời gian qua phụ huynh bất đắc dĩ là những người tiên phong trong lãnh vực này. Thực tế đào tạo tại các nhà trường hiện nay cũng cho thấy, việc thực hành có bài bản, thực tế đối với các sinh viên trong ngành giáo dục chuyên biệt ở Việt Nam còn chưa mạnh, đa số các sinh viên phải “ tự bơi” sau khi ra trường và phải lăn lộn, chịu khó nhiều năm tự học mới có được kinh nghiệm thực tế. Chính vì thế, công tác “tiếp nối” trong điều trị, hòa nhập cho trẻ gặp khó.

Cần xây dựng mô hình lớp tiền học đường

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Thúy Vân, Trưởng nhóm Tiền học đường -Trung tâm ATC cho biết: Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù theo quy định của Bộ GD&ĐT về giáo dục hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật, mọi trẻ đều có quyền được đến trường. Tuy nhiên, thực tế tỉ lệ trẻ tự kỷ đi học ở trường mầm non khá thấp, nhiều trường mẫu giáo, mầm non từ chối nhận trẻ tự kỷ, thậm chí từ chối cả những trẻ tự kỷ nhẹ làm các trẻ này mất cơ hội được hòa nhập.

Hiện nay hoạt động giáo dục hòa nhập đã và đang được thực hiện tại một số nơi như TPHCM, Hà Nội, Nha Trang… nhưng chủ yếu là được thực hiện trong các trường Mầm non thực hành, một số trường chuyên biệt. Hoạt động giáo dục hòa nhập hướng các trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ vào bậc Tiểu học và THCS còn khá ít. Một phần do các trường chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản về hoạt động giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, giáo viên lúng túng khi tiếp xúc với trẻ. Một nguyên nhân khác nữa đến từ chính những phụ huynh có con phát triển bình thường (họ rất ngại việc cho con em mình học cùng các trẻ tự kỷ vì cho rằng những trẻ này có thể ảnh hưởng không tốt tới con họ).

Những điều trên đã cản trở trẻ tự kỷ hòa nhập.Vì vậy, cần thiết phải xây dựng mô hình lớp học tiền học đường (lớp nhóm có học sinh bình thường) nhằm giúp trẻ tự kỷ có điều kiện thích nghi, hòa nhập. “Nhóm có vai trò rất quan trọng với trẻ em trong việc hình thành những khái niệm về các nhóm xã hội, hiểu được sự tương quan giữa mọi người với nhau, việc hiểu và tuân thủ các quy tắc khi ở trong một nhóm… Vậy, đối với trẻ tự kỷ việc tương tác nhóm cũng quan trọng không kém. Tất cả những trẻ này đều có vấn đề về mặt tương tác xã hội, và không hiểu được những quy tắc. Việc tham gia nhóm nói chung và nhóm hòa nhập nói riêng sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc phát triển nhận thức” - chuyên viên Thúy Vân nói.

Luật gia, chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ cũng đồng tình: Việc xây dựng môi trường hòa nhập sau điều trị cho trẻ tự kỷ đóng một vai trò rất quan trọng trong cả quá trình điều trị. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều trường mẫu giáo và tiểu học vẫn từ chối không nhận trẻ tự kỷ, thậm chí chối bỏ cả những em bị tự kỷ nhẹ, khiến cho trẻ tự kỷ mất cơ hội được hòa nhập. Do đó, việc xây dựng những trường, trung tâm thực hiện chức năng “chuyển tiếp” sau điều trị, giúp trẻ hòa nhập là công việc hết sức cấp thiết. Bởi nếu sau điều trị hiệu quả, trẻ lại thiếu môi trường học tập, hòa nhập thì cả quá trình điều trị trước cũng không còn tác dụng sau một thời gian.

Chuyên viên tâm lý, bác sĩ Hoàng Dương (Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) cho rằng: việc sớm nhận biết những dấu hiệu bất thường nơi trẻ tự kỷ để được tham vấn, điều trị là rất quan trọng. Nhưng việc quan trọng nhất mà ngành giáo dục cần tháo gỡ (ngoài đội ngũ GV) thì bước đệm về môi trường, điều kiện để trẻ tự kỷ học tập sau điều trị cần phải thực hiện ngay. Bởi khi trẻ có được môi trường “bình đẳng”, không kỳ thị, có cơ hội được thường xuyên tiếp nhận và lĩnh hội các giao tiếp cơ bản của cuộc sống với trẻ đồng trang lứa, nhận thức và khả năng tư duy chắc chắn sẽ thay đổi và giúp trẻ dần trở lại cuộc sống bình thường.

TIẾN NGUYỄN

Theo thống kê của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, số trẻ mắc bệnh tự kỷ mới ngày càng gia tăng. Hàng năm,khoa Nhi của bệnh viện này tiếp nhận trên 3.000 lượt trẻ bị bệnh bại não và tự kỷ đến điều trị.

Ứớc tính theo tỉ lệ tham chiếu quốc tế, với 83 triệu dân, Việt Nam hiện có khoảng 16.000 trẻ mắc chứng tự kỷ.


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI