Điều động giáo viên "tiếp khách" cấp trên: "Bộ trưởng nói rất là lý thuyết!"

15/11/2016 - 11:35

PNO - "Bộ trưởng chưa nhìn thấy tính mất cân bằng quyền lực trong việc điều động này. Bộ trưởng chỉ nhìn thấy việc mình sai thì mình phản đối, tố cáo - về lý thuyết là như vậy".

Đó là ý kiến của một giám đốc trung tâm hoạt động về bình đẳng giới và bạo lực giới nhận định về phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bên hành lang Quốc hội sáng ngày 14/11 về việc lãnh đạo Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thường xuyên điều động giáo viên đi "tiếp khách".

Câu hỏi cho lãnh đạo Thị xã Hồng Lĩnh

Vị giám đốc kể: "Trong ngành giáo dục, để vào biên chế không phải là điều dễ dàng. Công việc là thứ cơm - áo - gạo - tiền, để trụ được trong ngành thì phải làm cả những việc "không thuộc về nghề". Có tâm sự của một nữ giáo viên nói rằng chứng kiến một người đồng nghiệp phản đối quyết định điều động đi tiếp khách của cấp trên và cuối cùng phải chịu cảnh mất việc.

Nếu làm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì "chờ được vạ thì má đã sưng". Chắc chắn không một người giáo viên nào muốn mất việc. Bộ trưởng nói, người giáo viên biết là sai trái mà vẫn đi thì phải kiểm điểm người giáo viên đó đầu tiên thì ngay cả Bộ trưởng cũng chưa nhìn thấy tính mất cân bằng quyền lực trong việc điều động này. Bộ trưởng chỉ nhìn thấy việc mình sai thì mình phản đối, tố cáo - về lý thuyết là như vậy".

Dieu dong giao vien
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng ngày 14/11 (Ảnh Zing.vn).

Nữ giám đốc này cảm thấy lo lắng khi cán bộ thị xã Hồng Lĩnh coi việc điều động nữ giáo viên là điều bình thường, thậm chí là vinh dự. "Họ không ân hận bởi việc điều động cấp trên mà chỉ ân hận: Tại sao văn bản điều động lại lọt ra ngoài, để báo chí vào cuộc phản ánh, dư luận lên án gay gắt?" - vị giám đốc phân tích.

Trước ý kiến của ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh cho rằng, những giáo viên được điều động đi "tiếp" cấp trên là vinh dự, tự hào của mỗi cá nhân, nữ giám đốc đặt luôn câu hỏi mong muốn ông Hổ trả lời:

"Nếu người giáo viên được điều động đi "tiếp" cấp trên là vợ, con gái của anh thì anh có cảm thấy vui vẻ không? Anh cảm thấy chuyện này có xâm phạm đến quyền con người, cũng như là hạnh phúc cá nhân và mong muốn của vợ, con gái anh không?".

Có biểu hiện bạo hành?

Nữ giám đốc khẳng định, việc điều động giáo viên đi "tiếp khách", có sử dụng bia rượu là một hành vi bạo hành. Khi đã dựa vào quyền lực cấp trên để điều động người khác đi với yêu cầu trẻ và đẹp thì đó là một hành vi bạo lực. 

"Không thể coi người phụ nữ là phương tiện để phục vụ cho nhu cầu không nằm trong nghề nghiệp của họ, đặc biệt là phục vụ nhu cầu giải trí. Đây là sự xúc phạm vì trong giải trí còn có thể có hành vi sàm sỡ bằng lời nói hoặc bằng đụng chạm mà khiến cho các nữ giáo viên cảm thấy không thoải mái, không hài lòng" - nữ giám đốc hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng và bạo lực giới nói.

Dieu dong giao vien
Phòng GD&ĐT Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh (Ảnh Báo Đất Việt).

TS. Dương Kim Anh - Trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng: "Việc điều động giáo viên tham gia phục vụ cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh là có thể chấp nhận được khi cần nhân sự, nếu việc điều động này không ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy của các nhà trường liên quan, không ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình của các giáo viên".

Theo bà Anh, nếu các giáo viên chỉ tham gia phục vụ cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh thì có thể coi đây là vinh dự, bởi họ có cơ hội được đóng góp cho việc bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể của địa phương. Tuy nhiên việc phải (hoặc bị ép) uống rượu bia tiếp khách, hát karaoke phục vụ khách là đi ngược lại với nguyên tắc bình đẳng giới "nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới".

Việc giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ phải uống rượu, hát karaoke chiều khách thì đã đi xa so với mục đích lễ tân ban đầu, đi quá xa với nhiệm vụ của họ và không thể xem đây là một vinh dự, đặc ân, mà là sự ép buộc, phân biệt đối xử.

Từ đó, TS. Dương Kinh Anh nhận định: "Quan điểm của chính quyền Thị xã Hồng Lĩnh còn mang tính chủ quan, thiếu nhạy cảm giới. Đây là thể hiện của tư tưởng phụ quyền, quan điểm ban phát quyền lực của cấp trên đối với cấp dưới, vô tình tạo ra sự phân biệt đối xử. Việc nữ giáo viên phải (hoặc bị ép) uống rượu bia tiếp khách, hát karaoke phục vụ khách là đi ngược lại với nguyên tắc bình đẳng giới "nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới".

Đông Tẩu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI