Diện mạo mới của vùng ngoại thành

12/04/2014 - 11:33

PNO - PN - Nếu như trước đây những con đường ở các xã thuộc huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh (TP.HCM) phần lớn là đường đất, đá đỏ lởm chởm; điện, nước thiếu thốn… thì nay, những nơi này đang “thay da đổi thịt”, cuộc sống...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dien mao moi cua vung ngoai thanh

Chỉ vài tháng nữa, cầu Hiệp Phước xây xong, người dân ấp 3, xã Hiệp Phước sẽ không còn cảnh phải "luỵ" đò qua sông

Vẽ lại hình hài nông thôn

Ngày trước, để đi từ ấp 4, xã Tân Nhựt sang thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), người dân phải đi đò sang sông Chợ Đệm. Từ tờ mờ sáng, hai đầu bến đò luôn chật kín phụ huynh đưa con đi học và nông dân xếp hàng chờ qua đò đi làm. Chị Hà Thị Tiếu (nhà ở ấp 4, xã Tân Nhựt) nhớ lại: “Nhiều lúc vợ chồng tui đi làm về tối, trời mưa tầm tã, đò ngang ngưng đưa, phải bơi qua con sông rộng gần 60m”. Bao năm như vậy, người dân nơi đây như không tin vào mắt mình khi thấy sà lan, xe cẩu, vật liệu xây dựng được đưa về chuẩn bị cho việc xây cầu. Chưa đầy sáu tháng sau, cầu treo Cái Tâm hoàn tất, người dân đã thoát khỏi cảnh “lụy đò”.

Tiếp đó, bến đò Kênh Xáng cũng bị “xóa sổ”. Người dân ấp 1 và ấp 2, xã Tân Nhựt trước đó phải đi lại bằng những chuyến đò ngang qua Kênh Xáng. Chỉ hơn ba tháng sau, cây cầu được đưa vào lưu thông. Có cầu, bà con hai ấp đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện...

Nhìn con đường trước nhà, anh Trần Văn Giàu (đường Ổ Cu Kiến Vàng, ấp 4, xã Tân Nhựt) xuýt xoa: “Trước đây con đường chỉ to hơn đường bờ mẫu một chút. Mùa mưa sình lầy, tụi nhỏ đi học té lên té xuống. Bây giờ, xe hơi có thể vô tận nhà”. Ngoài ra, hơn 30 con đường nông thôn khác được “tân trang” từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới.

Dien mao moi cua vung ngoai thanh

Cầu treo Cái Tâm ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Những ai có dịp đến các xã nông thôn mới của huyện Nhà Bè đều không khỏi “lác mắt” trước những con đường ở đây. Không như ở nội thành, đường sá chật chội, hẻm chỉ rộng vài mét, tại đây, đường rộng thênh thang, đường hẻm thì tất cả ô tô lớn, nhỏ đều có thể ra vào. Nhiều đường rộng đến 12m, trải nhựa bóng láng, vỉa hè lát đá, cây xanh rợp bóng. Ông Võ Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho biết: “Ban đầu vận động bà con hiến đất khó lắm, vì họ không tin mình sẽ làm đường sá ngon lành như vậy. Nhưng khi thấy vài con đường làm xong, không cần vận động bà con cũng xung phong hiến đất".

Xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, dù chương trình xây dựng nông thôn mới được TP phê duyệt chưa được một năm, nhưng nhiều công trình đang được thi công rầm rộ. Hàng loạt con đường đất hoặc chỉ có đá đỏ lởm chởm trước đây đang được nâng cấp rộng và đẹp hơn. Dự kiến chỉ vài tháng nữa, cầu Hiệp Phước sẽ khánh thành, giúp hơn 500 hộ dân sống ở cù lao ấp 3 thuận tiện đi lại. Nhìn cây cầu sắp hoàn thành những nhịp cuối cùng, ông Nguyễn Văn Sinh (80 tuổi, ở ấp 3) cười móm mém: “Bao đời nay người dân cù lao sống gần như biệt lập dù là người thành phố. Cuộc sống người dân sẽ đổi thay nhiều nhờ chiếc cầu này”.

Dien mao moi cua vung ngoai thanh

Đường Ổ Cu Kiến Vàng ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh trước đây chỉ rộng bằng đường bờ mẫu, nay đã khang trang, sạch đẹp

Diện mạo mới

Không chỉ xây dựng cầu, đường, vùng nông thôn mới còn “lột xác” với hàng loạt công trình khác. Nếu như trước đây, huyện Nhà Bè từng “nổi tiếng” với tình trạng thiếu nước triền miên, đặc biệt ở các xã nông thôn, thì nay mọi chuyện đã khác. Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, đường đi đến đâu, ống nước được đưa đến đó, bà con không còn phải lo cảnh thiếu nước. Theo UBND huyện Nhà Bè, hiện toàn huyện đã có gần 90% hộ dân đã được gắn đồng hồ nước. Số còn lại do ở khu vực quá thưa dân cư nên chưa thể kéo đường ống cấp nước đến, nhưng tại đây đều có bồn cấp nước nông thôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sạch cho bà con. Tương tự, tại hầu hết các xã nông thôn mới hiện nay, nguồn điện đều được kéo đến tận nhà.

Tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, trạm y tế xã ngày nào xuống cấp trầm trọng nay được sửa sang khang trang. Trạm có thể tiếp nhận đến 100 bệnh nhân điều trị cùng lúc. Tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), trạm y tế của xã cũng vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia với bảy y, bác sĩ, hàng năm khám và điều trị gần 20.000 lượt bệnh nhân.

Theo ông Lữ Văn Bảy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt, trước đây, học sinh xã Tân Nhựt đi học khổ cực, phòng ốc chật chội, xuống cấp. Hiện nay, các trường đã được mở rộng, học sinh đi học có xe đưa rước tận nhà.

Nếu như trước đây, người dân xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè muốn đưa con đi chơi các trò chơi phải vào tận trung tâm TP thì nay đã có Trung tâm văn hóa thể thao xã Nhơn Đức với nhiều trò chơi hấp dẫn. Hàng ngày, từ khoảng 16g, hàng trăm người tập trung tại đây. Trẻ em thỏa thích vui đùa với các trò chơi. Riêng đối với người không thích không khí ồn ào thì Nhà văn hóa ấp, xã luôn có nhiều sách phục vụ miễn phí cho bà con.

 Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI