Diễn đàn hội viên: góp ý xây dựng Hội phụ nữ vững mạnh

23/09/2014 - 22:55

PNO - PN - Từ ngày 18/9, nhiều cơ sở Hội đồng loạt tổ chức diễn đàn hội viên (HV) với các chủ đề xoay quanh việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội. Nhiều ý kiến hay, thiết thực đã được đưa ra tại các diễn đàn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dien dan hoi vien: gop y xay dung Hoi phu nu vung manh

Cô Dương Thị Mỹ Dung - Chi hội trưởng KP.3 phát biểu tại diễn đàn

Giảm họp hội, chăm lo hội viên

Xoay quanh việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội và các mô hình thu hút HV, diễn đàn HV của Hội LHPN P.12, Q.4 thu hút hàng trăm cán bộ, HV tham dự. Buổi thảo luận thân tình, cởi mở ngay từ đầu khi chị Dương Thị Mỹ Dung - Chi hội trưởng KP.3 khơi mào: “Phải làm gì để thu hút HV tham gia nhiều hoạt động Hội? Chi hội dự định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ (PN) năng động trong đợt 20/10 để giúp giải quyết việc làm cho chị em khó khăn. Từ đó các chị có điều kiện kinh tế, không có thời gian tham gia sinh hoạt Hội sẽ đóng góp được cho phong trào”.

Các HV, PN đều cho rằng, tình hình kinh tế chung ảnh hưởng đến đời sống chị em. Hội cần tạo điều kiện để giúp những đối tượng này mở tiệm làm tóc, tiệm may để tạo việc làm, kiếm thêm thu nhập. Các buổi sinh hoạt Hội cần lồng ghép truyền thông về sức khỏe, giáo dục con cái nhiều hơn.

Vấn đề thời gian để sinh hoạt Hội là chuyện đau đầu của nhiều chi-tổ Hội. Chị Đặng Thị Thới Như, Tổ trưởng tổ 14, chi hội KP.2, P.12, Q.4 hiến kế: “HV, PN nào cũng nặng gánh gia đình, công việc riêng tư, không có thời gian hội họp. Vì vậy, nên lồng ghép sinh hoạt tổ dân phố với tổ Hội: sau họp tổ dân phố thì có thể dành 15 phút để tuyên truyền các chuyên đề, nhất là về bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc... Thực chất, cách tuyên truyền của Hội PN rất dễ tiếp thu, nhưng nếu buộc HV đi nghe tuyên truyền hết buổi này sang buổi khác thì e không ổn” .

Chị Trần Vũ Giao Chi, HV tổ 24, KP.3, P.12, Q.4 cho rằng: “HV muốn tham gia hoạt động Hội nhiều hơn thì phải có kinh tế vững, nhưng đa phần HV, PN còn nghèo. Nếu được hỗ trợ, các chị có điều kiện kinh tế khá hơn thì Hội sẽ ngày càng thu hút nhiều người”.

Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Thị Ái Lan - HV tổ 17, KP.2 nói: “Hội cần phải có biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động. Thước đo chất lượng của Hội không phải thông qua số liệu báo cáo, các buổi sinh hoạt mà phải thông qua những việc Hội làm được và chưa làm được”.

Chị Nguyễn Thị Kim Liêng, Chi hội trưởng KP.4 đề nghị: “Chi hội cần thăm hỏi, chăm sóc ân cần HV khi bị ốm đau. Hoặc gia đình khó khăn cần vốn để làm kinh tế thì chi hội xét vay, hỗ trợ bằng nguồn vốn huy động tại chi hội”. Chị đặt vấn đề: Hội mà không sâu sát HV, làm sao HV gần Hội và tin yêu Hội? Đồng cảm với suy nghĩ này, chị Nguyễn Thị Phương Dung, Chi hội trưởng KP.1, P.Tân Phú, Q.7 chia sẻ: “Dù muốn quan tâm đời sống của từng chị em phụ nữ tại KP, nhưng thời gian và điều kiện không cho phép tôi đến “gõ cửa” từng nhà. Các cuộc họp tổ dân phố, phường, cần có đại diện của Hội PN tham gia; vừa để mọi người biết thêm về Hội, vừa tạo “chân rết” cho cán bộ Hội nắm bắt hoàn cảnh mỗi người, có sự hỗ trợ kịp thời”.

Tùy tình hình để chọn hoạt động phù hợp

Anh Nguyễn Hùng Dân, Thường trực UBND P.12, Q.4 nhận định: “Hội thành lập nhiều mô hình, CLB. Tuy nhiên, hình thức CLB quá nhiều. Thậm chí một số thường trực Hội cũng không nhớ tên CLB. Quận Hội nên củng cố đội nhóm thay vì thành lập nhiều đội nhóm. Cần có phiếu thăm dò nhu cầu, sở thích của từng đối tượng để tập hợp lại, nâng chất lượng hoạt động thay vì số lượng”. Thực tế, sự ôm đồm của Hội LHPN cấp cơ sở ở nhiều nơi đã làm phong trào “loãng” đi, trong khi thực chất mỗi chi, tổ Hội, thậm chí phường Hội đều có thế mạnh riêng.

Kinh phí hoạt động của các chi tổ hội đều eo hẹp, khó khăn. Khi muốn tổ chức hoạt động “ra tấm ra món”, các chị đều phải ưu tư, trăn trở. Chị Danh Ngọc Mai Chi, KP.3, P.Tân Phú, Q.7 nói: “Theo tôi, với tầng lớp PN nào, thì ta chọn nội dung sinh hoạt “gắn chặt” với nhu cầu, nguyện vọng của tầng lớp đó. Như P.Tân Phú, đa số là dân nhập cư, PN buôn bán nhỏ, lớn tuổi, nhàn rỗi, thì điều mà họ quan tâm nhất là việc làm để cải thiện cuộc sống. Nên muốn thu hút HV tham gia, nội dung phải “xoáy sâu” vào hỗ trợ vay vốn làm ăn; đào tạo nghề miễn phí hay giới thiệu việc làm giúp HV trút bỏ gánh nặng kinh tế, họ mới dành thời gian cho Hội được”.

Chị Phạm Thị Sen, chi hội KP.4, P.Tân Phú, Q.7 trăn trở: “Không ít các chị làm việc theo kiểu đụng đâu làm đó, tự phát về nội dung lẫn hình thức sinh hoạt… Việc “nói được nhưng chưa làm được” rất phổ biến ở nhiều chi, tổ Hội hiện nay”.

Bà Tô Hồng Phương Tâm - Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Phú cho biết: “Hiện công tác nâng cao chất lượng tại các chi, tổ Hội chưa thể thực hiện đồng bộ. Tùy vào đặc điểm, tình hình mỗi nơi mà đưa ra giải pháp phù hợp. Việc luân chuyển cán bộ thường xuyên khiến hoạt động Hội ít nhiều khó khăn khi người mới chưa kịp nắm bắt tình hình chung. Điều bất cập hiện nay tại các cấp Hội cơ sở là số PN lớn tuổi đảm nhận vai trò chủ chốt rất đông; họ có lợi thế về thời gian, nhiệt tình nhưng một số người trình độ hạn chế; trong khi đó, con đường thu hút nữ trí thức, nữ thanh niên và doanh nhân lại không rộng cửa…”.

 LÀI - PHƯƠNG - CHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI