Đi tìm giới tính cho đứa trẻ có hai bộ phận sinh dục: Xin cho con được là chính mình

24/07/2014 - 09:45

PNO - PN - Trở về TP.HCM từ Đắk Nông, nơi có đứa trẻ nghèo với giới tính không rõ ràng, chúng tôi tìm đến các bác sĩ (BS), rồi liên lạc với gia đình chị Phạm Thị Do... 4g sáng ngày 14/7, chuông điện thoại của chúng tôi đổ dồn, đầu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Niềm hy vọng của bé Trâm

Tôi giở lịch ra xem, còn hai hôm nữa mới đến ngày hẹn đưa Trâm lên thành phố khám... Trời vẫn còn tối đen, lại mưa gió vì ảnh hưởng cơn bão Rammasun; hình ảnh hai mẹ con chơ vơ giữa bến xe khiến chúng tôi không thể chần chờ, lập tức gọi nhau cùng ra bến xe đưa họ về tòa soạn.

Chuyến xe đêm không làm mẹ con chị Do mệt mỏi. Chị vừa ôm ngực thở dốc từng cơn, vừa mỉm cười: “Bây giờ tôi chỉ lo, lỡ mình chết đi mà con vẫn chưa được sống một cách bình thường...”. Căn bệnh tim đang mang khiến chị Do có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng chị không còn quan tâm đến trái tim đang đập yếu dần của mình. Ánh mắt của người đàn bà đã trải qua bao đớn đau, tủi hờn ấy chỉ ngời lên hy vọng mỗi khi nhìn đứa con bé bỏng, dị tật của mình...

Di tim gioi tinh cho dua tre co hai bo phan sinh duc: Xin cho con duoc la chinh minh

Trước đó, sau khi gặp gỡ mẹ con chị Do ở Đắk Nông, chúng tôi đã tìm đến BV Nhi Đồng 2 trình bày về hoàn cảnh thương tâm của bé Trâm, ngay lập tức không chỉ các BS BV Nhi Đồng 2, mà Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic TP.HCM cũng nhiệt tình nhập cuộc. Dù rất bận, nhưng khi nghe câu chuyện của bé Trâm, BS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic không giấu được sự xót thương, nói: “Cứ đưa cháu qua đây, chúng tôi sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thăm khám. Các bước cần phải tiến hành ban đầu là xét nghiệm tìm nhiễm sắc thể giới tính Caryotype, nội tiết tố, siêu âm bụng tìm tử cung, buồng trứng, chụp X-quang bàn tay đo độ tuổi xương...”. Lãnh đạo BV Nhi Đồng 2 thì cho biết, sẵn sàng chuẩn bị một đội ngũ tư vấn gồm các BS giàu kinh nghiệm nhất. Nhận được những lời hứa chân tình đó, chúng tôi lập tức liên lạc về Đắk Nông, hẹn gia đình đưa bé Trâm về TP.HCM khám.

Di tim gioi tinh cho dua tre co hai bo phan sinh duc: Xin cho con duoc la chinh minh

Bé Trâm được xét nghiệm máu và đo mật độ xương

Cái ngày mà một anh công an thôn đến tận nhà để chuyển lời của Báo Phụ Nữ, sẽ giúp bé Trâm tìm lại giới tính thật của mình, chị Do đã mừng đến ngất xỉu. Anh Tính loay hoay cấp cứu cho vợ nên phải hẹn... hôm sau bàn tiếp. Tỉnh dậy, nghe nói cần có giấy tờ mới làm được các thủ tục cần thiết, chị Do trở nên bấn loạn, sợ cơ hội sẽ vuột khỏi cuộc đời kém may mắn của con mình. Vì phải lưu lạc khắp nơi nên dù đã về Đắk Nông hai năm qua nhưng mọi giấy tờ, khai sinh của con, hộ khẩu của anh chị vẫn còn lưu lạc, thứ ở Vũng Tàu, thứ ở Bến Tre. May mắn cho anh chị, trong lúc bối rối, anh Hoài Phong, một người hàng xóm đã tình nguyện chở anh Tính và bé Trâm vượt mấy trăm cây số về Vũng Tàu, rồi một mình anh ngược xuống Bến Tre để tìm nốt giấy tờ cho chị. Nhìn chiếc xe gắn máy cũ kỹ của anh, chúng tôi không tin nổi nó đã ngược xuôi suốt nửa tháng qua hơn 2.000 cây số! Anh Phong cười hồn hậu: “Coi chiếc xe cà tàng vậy chứ chạy ngon ơ hà. Đi từ bữa đó tới nay chỉ bị bể bánh có một lần...”.

Anh Tính đi rồi, chị Do ở nhà chạy mượn tiền; một nửa, chị mua ít gạo và thực phẩm để dành cho ba đứa con, nửa còn lại vừa đủ để chị mua một chiếc vé xe từ Đắk Nông về bến xe miền Đông, TP.HCM. Vì chị không biết đường nên chúng tôi hẹn sẽ ra đón. Còn anh Tính cùng Trâm đi xe máy với anh Phong. Làm xe ôm tình nguyện suốt chặng đường dài, anh Hoài Phong vẫn không quên gửi gắm: “Mong Báo Phụ Nữ giúp bé Trâm, tội nghiệp cháu”. Bé Quế Trâm không giấu được niềm vui sướng, tíu tít hỏi chúng tôi: “Liệu con có được là con trai không? Con thích tên Minh, Phạm... gì Minh cũng được! Còn nếu là con gái, con lấy tên Quế Trâm...”.

Câu nói hồn nhiên của đứa bé nhỏ thó, đen nhẻm với nụ cười lấp lánh hy vọng làm trái tim chúng tôi se thắt.

Di tim gioi tinh cho dua tre co hai bo phan sinh duc: Xin cho con duoc la chinh minh

Đằng sau kết quả xét nghiệm

Tuy nhiên mọi náo nức buổi đầu Trâm đến TP.HCM lắng lại ngay trong buổi chiều 14/7. Đến tận lúc này, anh Tính, chị Do mới cảm nhận được chặng đường phía trước sẽ còn rất dài và lắm gian nan. Ngay sau khi được BS ở BV Nhi Đồng 2 tư vấn về những khả năng có thể xảy đến cho Trâm trước khi phẫu thuật, chị Do đã ngất xỉu. Suốt những cuộc di chuyển từ nhà trọ đến các bệnh viện, anh Tính lo cho con, còn phóng viên phải dìu chị Do lên xuống cầu thang, trấn an tinh thần, chị mới đủ bình tĩnh để bước tiếp.

Chính BS Phan Thanh Hải (ảnh) là người trực tiếp thực hiện khâu siêu âm tìm giới tính cho bé. Vừa siêu âm, ông vừa động viên và hỏi thăm gia đình bệnh nhân. Ông nói: “Đây là một ca hiếm nhưng BS làm được. Quan trọng là gia đình và bé phải vượt qua khó khăn”. Kết quả siêu âm bước đầu ghi nhận, bé Trâm không có tử cung, không có buồng trứng, không có tinh hoàn nhưng lại có dương vật. Còn kết quả xét nghiệm máu cho thấy, nội tiết tố nam trong cơ thể bé Trâm giống hoàn toàn nam giới với chỉ số là 255ng/dl; trong khi ở nữ giới chỉ có 14-76ng/dl.

Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - máu - nội tiết, BV Nhi Đồng 2 - người trực tiếp chỉ định xét nghiệm nội tiết tố và nhiễm sắc thể cho bé tiên lượng: “Với kết quả sơ bộ này cho thấy bé Trâm là con gái, nhưng do mắc chứng tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh khiến nội tiết tố nam phát triển quá mức nên bộ phận sinh dục bé có kiểu hình giống con trai. Riêng kết quả siêu âm chưa ghi nhận bé có buồng trứng, tử cung của nữ giới có thể do bé còn nhỏ tuổi nên chưa thấy được các bộ phận này. Tuy nhiên, để xác định chính xác giới tính của bé phải đợi kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính - Caryotype. Và dù kết quả là trai hay gái thì bé bắt buộc phải uống thuốc suốt đời để điều trị chứng tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh. Sau khi uống khoảng ba tháng, sức khỏe tạm ổn thì BS có thể tiến hành phẫu thuật tìm lại giới tính cho bé. Nếu bé có ước muốn trở thành bé trai thì không cần phải uống thuốc nội tiết tố nam; nhưng nếu bé chuyển thành bé gái, buộc phải uống thuốc nội tiết tố nữ một thời gian dài”.

Nghe kết quả này, chị Do lại ngất xỉu vì quá xót thương con. Bởi chị hiểu nỗi khao khát của con là được trở thành con trai, bởi sự hình thành sinh lý cũng như tâm lý của bé nhiều năm qua cho thấy Trâm như một cậu bé. Trong hơi thở mệt mỏi, chị vẫn gắng gượng tỏ bày cùng BS: “Tính nó đàn ông lắm. Sống quen tính nết con trai rồi BS, nên tôi vẫn mong BS giúp bé làm con trai”.

Di tim gioi tinh cho dua tre co hai bo phan sinh duc: Xin cho con duoc la chinh minh

Mẹ con bé Trâm đang được nhân viên y tế tư vấn

Không như dự tính của mọi người, loại thuốc điều trị tăng sinh tuyến thượng thận (là loại thuốc đầu tiên Trâm phải uống để chuẩn bị cho ca phẫu thuật và cũng là loại thuốc mà dù giới tính nam hay nữ, bé cũng phải uống suốt đời) bỗng dưng bị hết hàng ngay tháng 7/2014. Không có thuốc, Trâm đành trở về Đắk Nông và tiếp tục đợi chờ.

Ngày chia tay chúng tôi, đôi mắt vốn long lanh hồn nhiên của bé Trâm đã vướng những nét ưu tư. Bé kéo tay tôi: “Con muốn là con trai lắm cô à! Cô nói với BS giùm cho con nha”. Nhìn cảnh tượng đó, cả anh Tính, chị Do đều quay đi, lấy tay lau vội dòng nước mắt.

Con đường trước mặt đã định hình, nhưng để đi đến đích cuối cùng, vẫn còn nhiều khó khăn thử thách, buộc anh chị phải giải nhiều bài toán, lựa chọn cho mình phương án tối ưu mà bài toán khó nhất phải đối diện là câu hỏi: “Làm sao để đủ tiền trang trải chi phí ca mổ cho bé Trâm trong khi chính chị Do cũng đang bị những cơn đau do chứng hở van hai lá hành hạ?". Theo cảnh báo của các BS ở BV huyện Krông Nô, nỗi đau từ bệnh tật này có nguy cơ cướp đi sinh mạng của chị Do bất cứ lúc nào nếu chị không chữa bệnh cho mình kịp lúc.

NGHI ANH - VĂN THANH

Bé Trâm sẽ là nam hay nữ?

Ngày 16/7, chúng tôi đã đưa bé Trâm đến gặp PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, Trưởng khoa Thận - niệu, BV Nhi Đồng 2 - là người từng trực tiếp phẫu thuật tìm lại giới tính cho nhiều trẻ em. Cuộc đối thoại giữa BS Sơn và chị Phạm Thị Do ngắn ngủi nhưng đầy trăn trở. Dù chị Do mong muốn bé là nam theo nguyện vọng của con, nhưng theo PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn: “Với kinh nghiệm cá nhân và thăm khám ban đầu, tôi cho rằng, Trâm hoàn toàn là bé gái nhưng mắc bệnh tăng sinh tuyến thượng thận nên khiến âm vật phì đại quá mức giống dương vật. Bộ phận sinh dục của bé Trâm có khẩu hình của nam giới nhưng lại không có tinh hoàn. Khi phẫu thuật thành bé gái, BS chỉ cần thu nhỏ dương vật thành âm vật và nếu bé sẵn có buồng trứng thì có thể có con về sau. Tuy vậy, khi phẫu thuật là nữ, cháu bé sẽ phải uống nội tiết tố nữ để điều chỉnh. Với kết quả bước đầu này, nếu bé Trâm muốn chuyển thành bé trai buộc phải cắt bỏ buồng trứng (nếu có), chỉnh sửa lỗ tiểu thấp lên cao cho bé đứng tiểu được và tạo silicon thành hai tinh hoàn nhân tạo nhưng bé sẽ không thể có con về sau. Cuộc phẫu thuật sẽ làm bé đau, nhưng không đến nỗi quá kinh hoàng, vấn đề là người nhà phải chuẩn bị tâm lý trước cho con. Trước khi phẫu thuật, cháu cần uống thuốc điều trị tăng sinh tuyến thượng thận, phải ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái để giúp cháu bình tĩnh...”.

Trả lời câu hỏi của chị Do: “Vậy cháu sẽ thành con trai hay con gái, thưa BS?”, BS Lê Tấn Sơn cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thể suy đoán khả năng nào, bởi đây mới chỉ là dự tính, vì phải còn chờ kết quả xét nghiệm giới tính cuối cùng...”.

Mong bạn đọc chung tay, góp sức

Dù Báo Phụ Nữ chưa chính thức mở lời kêu gọi, nhưng ngay sau khi bài viết về hoàn cảnh bi thương của gia đình bé Phạm Thị Quế Trâm, một bạn đọc giấu tên đã gọi về Tòa soạn xin tài trợ toàn bộ chi phí ca mổ tim cho chị Phạm Thị Do, mẹ của bé Trâm. Bất ngờ vì đề nghị này, chúng tôi hỏi tại sao, anh điềm đạm đáp: “Theo tôi, nếu cứu người mẹ ấy, chúng ta sẽ cứu được cả gia đình khốn khổ này. Xin giúp tôi cứu người mẹ trước!”.

Xin cảm ơn anh. Giúp chị Do chi phí mổ tim, tìm lại nhịp thở bình thường để đủ sức khỏe, chăm sóc các con tới ngày trưởng thành là một mong ước thầm kín của chúng tôi, nhưng vì chi phí phẫu thuật và thuốc uống cho bé Trâm vẫn chưa có người hỗ trợ nên chúng tôi phải tạm gác lại. Báo Phụ Nữ hy vọng đây là một cơ hội để giúp mẹ con chị Do thoát cảnh ngặt nghèo. Rất mong bạn đọc chung tay giúp bé Trâm chi phí phẫu thuật và tiền thuốc thang điều trị.

Mọi đóng góp, xin vui lòng gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về: Báo Phụ Nữ TP.HCM, 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3, TP.HCM. Hoặc chuyển về tài khoản từ thiện: Báo Phụ Nữ TP.HCM, số 007.100.1049165 Ngân hàng Ngoại thương VN - Chi nhánh TP.HCM. Xin trân trọng cảm ơn!

Báo Phụ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI