Di dời dân để cho doanh nghiệp thuê đất giá bèo

10/04/2015 - 09:50

PNO - PN - Gần một tuần nay, hàng chục hộ dân sống tại khu tái định cư Đông Nam Thủy An, phường An Đông, TP. Huế đã kéo đến khu đất mà người dân bị di dời để phản đối việc chính quyền địa phương cho một doanh nghiệp mở nhà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Di doi dan de cho doanh nghiep thue dat gia beo

Khu vực bờ kè sông An Cựu chưa được làm, nhưng phường An Đông đã đứng ra ký hợp đồng cho Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông thuê 20 năm.

Cụ Trần Thị Phước (74 tuổi), một người dân từng sinh sống trên khu đất mà doanh nghiệp đang xây dựng ngôi nhà kiên cố để mở quán cà phê bức xúc cho hay, trước đây, chính quyền địa phương thông báo với dân là di dời để xây dựng bờ kè, xây dựng một công viên tại đây để chỉnh trang, tạo cảnh quan cho bờ sông An Cựu.

Khi dân về khu tái định cư sinh sống, đường sá thì chưa làm xong, trong khi đa số bà con chỉ dựa vào buôn bán. Nhưng khi thấy trên khu đất dân từng sống lại mọc lên một ngôi nhà kiên cố, nghe mở bán cà phê thì dân rất bức xúc.

“Tại sao chính quyền lại di dời chúng tôi để lấy đất cho doanh nghiệp thuê làm nơi kinh doanh, trong khi công viên, bờ kè không thấy làm?”.

Cũng bức xúc như bà Trần Thị Phước, chị Lê Thị Thác (51 tuổi ) nói: “Lúc trước nhà tôi ở đây, tôi mở quán bán hàng cũng có đồng ra đồng vô. Tại sao không cho chúng tôi kinh doanh mà di dời chúng tôi để lấy đất cho doanh nghiệp thuê như vậy, trong khi bờ kè, công viên không thấy đâu?”.

Di doi dan de cho doanh nghiep thue dat gia beo

Việc Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông xây quán cà phê tại điểm xanh bên sông An Cựu không được người dân đồng tình.

Ông Tôn Thất Tú, chuyên viên phòng Kế hoạch, Ban đầu tư xây dựng TP. Huế, cho biết, để thực hiện dự án chỉnh trang, xây dựng bờ kè sông An Cựu, 113 trường hợp sống dọc bờ sông An Cựu, đường Đặng Văn Ngữ, phường An Đông đã được di dời về khu tái định cư Đông Nam Thủy An.

Công việc di dời các hộ dân hoàn thành vào tháng 9/2014 với kinh phí 37,394 tỉ đồng. Hiện nay, bờ kè vẫn chưa được xây dựng do thiếu nguồn vốn, còn khu đất người dân di dời thì đã giao cho phường An Đông quản lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay khu đất mà 113 trường hợp bị di dời đã được UBND phường An Đông cho Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông thuê kinh doanh. Hiện tại, doanh nghiệp này đã trồng cây xanh, xây dựng một tòa nhà hai tầng để kinh doanh cà phê, nhà hàng, chuẩn bị khai trương.

Ông Lê Trung Long, Phó chủ tịch UBND phường An Đông, lý giải: sau khi dự án giải tỏa, chỉnh trang và xây dựng bờ kè hoàn thành công đoạn di dời thì khu vực này rất ngổn ngang, rất mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội, nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm. Trong khi đó, ngân sách của TP. Huế và tỉnh có hạn nên chưa đầu tư xây dựng công viên cây xanh. Vì vậy, sau khi san ủi mặt bằng, UBND phường An Đông đã đề xuất với UBND TP. Huế xin chủ trương xã hội hóa, xây dựng một điểm xanh tại khu đất này.

“Kế hoạch giải tỏa khu vực này đã có gần 20 năm nay nhưng gần đây mới thực hiện được. Sau khi giải tỏa, cả thành phố lẫn tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết nên phường xin chủ trương kêu gọi đầu tư” - ông Long nói.

Theo ông Long, sau khi được sự đồng ý của UBND TP. Huế, phường An Đông đã đứng ra ký hợp đồng với Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông về việc xây dựng một điểm xanh tại đây với thời hạn 20 năm trên diện tích khoảng 9.000 m2.

Di doi dan de cho doanh nghiep thue dat gia beo

Người dân bức xúc trình bày sự việc với các phóng viên báo đài.

Theo điều khoản hợp đồng, sau 20 năm, tất cả cơ sở vật chất do doanh nghiệp đầu tư trên dự án này đều được chuyển cho UBND phường An Đông quản lý, sử dụng để phục vụ người dân. Hằng năm, phía chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền gần 40 triệu đồng cho ngân sách phường, vừa mang tính chất phúc lợi vừa để cho địa phương có nguồn thu. Kinh phí ban đầu xây dựng công trình trên theo báo cáo của doanh nghiệp là 6,5 tỉ đồng, kể cả khu nhà rường 2 tầng và 2 trường lang.

Hiện, phía chủ đầu tư sắp hoàn thành dự án với các hạng mục như xây dựng căn nhà bán cà phê, nước giải khát, đường đi bộ, trung tâm cây xanh với hàng ngàn loại cây cảnh có giá trị, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối tháng này.

“Quán chỉ được phép bán cà phê, giải khát và hoạt động như một công viên để người dân thoải mái vào ra” - ông Long khẳng định.

Tuy nhiên, người dân cho rằng, công trình này là tiền của DN bỏ ra đầu tư với quy mô lớn, nhiều xây xanh giá trị và để khai thác kinh doanh thì e rằng người dân muốn vào đây để tập thể dục, hoặc vui chơi mà không uống nước giải khát thì “hơi bị khó”.

Điều đáng nói, mặc dù công trình khai thác dọc bờ sông An Cựu đã được xây dựng gần 2 tháng nay, trong đó có nhà rường 2 tầng kiên cố, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng.

Có ý kiến cho rằng, công trình nhà rường 2 tầng mọc lên giữa bờ sông An Cựu có vị trí hơi cao, choán mặt tiền bờ sông, không phù hợp với thẩm mỹ kiến trúc.

Tạm dừng việc thi công công viên cây xanh dọc bờ sông An Cựu

Chiều 9/4, UBND TP. Huế đã có công văn thông báo việc tạm dừng ngay việc thi công công trình công viên cây xanh dọc bờ sông An Cựu, phường An Đông. Công văn do ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế ký. Theo đó, UBND TP. Huế khẳng định việc xây dựng công viên này nhằm thực hiện chủ trương của Ban thường vụ Thành ủy Huế và do UBND phường An Đông phối hợp với Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông triển khai.

Tuy nhiên, hiện dự án nhận được thông tin phản ánh từ báo chí và ý kiến của người dân nên ngày 9/4, UBND TP. Huế đã yêu cầu UBND phường An Đông tạm dừng ngay việc thi công công trình.

Công văn cũng yêu cầu UBND phường An Đông khẩn trương kiểm tra, rà soát lại thủ tục hồ sơ dự án, trong đó gồm hồ sơ pháp lý, hồ sơ quản lý chất lượng, quy mô và kết cấu - kiến trúc của công trình, điều kiện khởi công công trình…
Theo công văn, các đơn vị nêu trên phải có văn bản riêng báo cáo cho UBND TP Huế trước ngày 25/4.

THUẬN HÓA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI