Đề xuất cho phép kết hôn đồng tính, mang thai hộ

17/04/2013 - 10:16

PNO - PN - Ngày 16/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực...

Kết hôn đồng tính - Quyền con người

Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình quy định những trường hợp cấm kết hôn, trong đó khoản 5 quy định cấm kết hôn “giữa những người cùng giới tính”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đặt vấn đề, tại sao pháp luật lại quy định như vậy? Đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn… có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội.

De xuat cho phep ket hon dong tinh, mang thai ho

Một đám cưới của người đồng giới ở Đài Loan. Nguồn: Internet

Hiện nay chưa có nghiên cứu chính xác về số lượng người đồng tính tại Việt Nam. Đồng tính vẫn chưa được xã hội và pháp luật Việt Nam thừa nhận. Do vậy, rất nhiều người đồng tính thường không công khai giới tính thực của mình vì họ sợ kỳ thị, xa lánh từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) về người đồng tính nam, 90% người đồng tính cảm thấy xã hội có thái độ tiêu cực với người đồng tính, từ đó có đến 86% trong số họ phải che giấu chuyện tính dục của mình với mọi người xung quanh. Hầu hết họ gặp phải sự định kiến và kỳ thị của gia đình và bạn bè. Trong 1.800 người tham gia trả lời, vì việc họ đồng tính mà có 20% số người đó nói họ đã mất bạn, 15% bị gia đình la mắng, 6,5% mất việc, 4,5% bị đánh và 4,1% bị đuổi ra khỏi nhà. Ngoài ra, họ còn có thể bị bạo lực thể xác, bạo lực tâm lý, bạo lực tình dục và các hình thức ép người đồng tính đi chữa bệnh tâm thần.

Theo dẫn chứng của Bộ Y tế, tính đến ngày 15/6/2012, trên thế giới đã có 11 quốc gia, 10 vùng lãnh thổ hợp thức hóa hôn nhân đồng giới; 21 quốc gia, 19 lãnh thổ thừa nhận kết hợp dân sự giữa những người đồng tính và ba quốc gia công nhận việc chung sống không đăng ký giữa những người cùng giới tính.

“Vấn đề kết hôn giữa những người đồng tính là một vấn đề thực tế diễn ra phổ biến, công khai hiện nay. Việc quy định cho phép kết hôn hay không cần phải được tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá, cân nhắc để có đủ cơ sở khoa học khi đưa vào luật. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc, đánh giá các yếu tố xã hội khi quy định nội dung này vào trong luật. Cho phép kết hôn đồng tính vì nó là quyền được sống thực với gì mình có - đó là quyền con người” - ông Tiến nói.

Mang thai hộ: vấn đề nhân văn

Tại khoản 1 điều 6 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP quy định, nghiêm cấm mang thai hộ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì bệnh lý (dị tật bẩm sinh - không có tử cung, u xơ tử cung, suy tim, suy gan, suy thận, tai biến sản khoa cắt tử cung…). Những trường hợp này hoặc không thể có con, hoặc không đủ sức khỏe để mang thai, nhưng họ vẫn có noãn và mong muốn được hưởng quyền làm mẹ.

Cũng theo Bộ Y tế, cho phép “mang thai hộ” không phải là cho phép “đẻ thuê”. Cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để bảo đảm quyền làm mẹ chính đáng của mọi phụ nữ và người mang thai hộ không vì mục đích lợi nhuận. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn vì là một sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ. Mặt khác, dưới phương diện sinh học thì trong trường hợp mang thai hộ, đứa bé ra đời từ mang thai hộ mang gien di truyền của người phụ nữ có trứng thụ tinh chứ không phải của người mang thai.

Phía Bộ Y tế đề xuất, nên quy định cho phép mang thai hộ trong một số trường hợp nhưng phải bảo đảm các điều kiện: không vì mục đích thương mại (nghiêm cấm đẻ thuê); chỉ cho phép với những người cùng trong dòng họ hoặc chứng minh có họ hàng ba đời bên nhà chồng. Quy định nghiêm các điều kiện để tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh sau này như: điều kiện của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ (tuổi, sức khỏe, số lần mang thai…); quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong đó có trường hợp tai biến sản khoa đối với người nhờ mang thai hộ (nếu có), trách nhiệm của các bên trong trường hợp đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, dị tật; thủ tục hành chính; biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Trúc Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI