Đề nghị chuyển tội danh và khởi tố người đứng đầu chuyên án

08/07/2014 - 14:58

PNO - PNO - Trong phiên tòa phúc thẩm vụ 5 công an ở Phú Yên dùng nhục hình làm tử vong anh Ngô Thanh Kiều, diễn ra sáng 8/7, trưởng ban chuyên án lần đầu có mặt tại tòa và bị đề nghị khởi tố.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáng 8/7, TAND tỉnh Phú Yên mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ 5 công an dùng nhục hình làm Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) tử vong.

Phiên tòa do thẩm phán Võ Nguyên Tùng làm chủ tọa, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên giữ quyền công tố là KSV Huỳnh Văn Tám. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị hại là luật sư Võ An Đôn (Đoàn Luật sư Phú Yên); người bào chữa cho Nguyễn Thân Thảo Thành - bị cáo nhận mức án cao nhất trong số 5 bị cáo - là luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội).

De nghi chuyen toi danh va khoi to nguoi dung dau chuyen an

5 cựu sĩ quan công an trước vành móng ngựa sáng nay

Tây Hòa, vợ, hai con cùng cha, anh chị người bị hại Ngô Thanh Kiều đến tòa khá sớm, mang theo những bức ảnh được phóng to, cho thấy nạn nhân bị gây thương tích rất nhiều trước khi tử vong. Đầu chít khăn tang, hai đứa trẻ con anh Ngô Thanh Kiều hồn nhiên vui đùa trước khi phiên tòa khai mạc, còn nỗi đau thì hiện rõ trong đôi mắt những người thân của hai đứa trẻ.

15 trong số 23 nhân chứng được triệu tập có mặt tại phiên tòa phúc thẩm, trong đó lần đầu tiên có mặt tại tòa là ông Lê Đức Hoàn - Phó công an TP Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án; Lê Hải Phú (cán bộ Công an TP Tuy Hòa); Ngô Thanh Sơn và Trần Minh Cường - hai bị án trong vụ trộm cắp tài sản mà Ngô Thanh Kiều là nghi can.

Gầy đi rất nhiều so với lần xuất hiện tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy) được dẫn giải đến tòa phúc thẩm sau khi 4 bị cáo được tại ngoại đã có mặt, gồm: Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 - Công an Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy) và Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, đều là cán bộ Công an TP Tuy Hòa). Vẻ căng thẳng hiện rõ trên gương mặt các bị cáo.

Tiếp tục kêu oan

Người bị xét hỏi đầu tiên là Nguyễn Thân Thảo Thành. Bị cáo này tiếp tục kêu oan, khẳng định mình chỉ giơ dùi cui dọa đánh anh Kiều. Nghe người bị bắt kêu la và van xin “đừng đánh nữa, hồi sáng giờ bị đánh bầm dập hết rồi”, Thành bỏ dùi cui xuống, không đánh. Lúc đó, Thành thấy Ngô Thanh Kiều người đẫm mồ hôi, ngồi xoay mặt về hướng tây, hai tay bị còng, đầu hơi cúi xuống.

Thảo Thành khai: Khoảng 11g30 ngày 13/5/2012, Thành vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp, thấy Nguyễn Tấn Quang đứng đối diện, dùng chân đạp vào còng tay Ngô Thanh Kiều và cầm dùi cui đánh vào người nghi can. Kiều kêu la. Lúc đó trong phòng có Quyền, Mẫn và Hà Văn Đại.

Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành canh giữ Kiều trong khoảng thời gian từ 12g30 đến hơn 13g00. Thấy Nguyễn Minh Quyền vào cầm dùi cui đánh Kiều, Thành bỏ ra ngoài. Khoảng 13g30, Thành trở vào phòng, thấy Kiều đã ngã xuống đất, mặt xoay hướng tây nam, ghế cũng ngã theo.

Theo bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại mâu thuẫn, không trung thực, khách quan. Lúc đầu, Đại khai ngồi trong phòng, thấy Thành đánh Kiều, sau đó Đại lại khai đi ra ngoài và ngoái lại thấy Thành đánh Kiều.

De nghi chuyen toi danh va khoi to nguoi dung dau chuyen an

Ông Lê Đức Hoàn - Phó công an TP Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án (hàng đầu, thứ hai
từ trái qua) lần đầu có mặt tại tòa

Trước đó, trong phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành đề nghị HĐXX triệu tập hai nhân chứng tên Minh và Tự - những người có mặt trong căn phòng đối diện với phòng làm việc của Đội Điều tra tổng hợp ngày hôm đó, đồng thời triệu tập thêm nhân chứng tên Phương ở Phòng PC45 Công an Phú Yên.

“Đánh người là sai trái”

Bị cáo Nguyễn Tấn Quang khai nhận đã dùng gậy cao su đánh vào chân anh Ngô Thanh Kiều (gậy cao su được để trên bàn trước đó). Thời điểm ấy, trong phòng có Quyền và Mẫn. Cũng theo lời khai của Quang, khoảng 13g30 cùng ngày, Quang vào phòng, thấy Ngô Thanh Kiều nằm dưới đất, còn Thành thì lúng túng. Quang bảo Thành lấy khăn nhúng nước lau mặt cho Kiều rồi đi ra tiền sảnh. Quang khai nhìn thấy Mẫn và Quyền đánh vào chân Kiều trong khoảng thời gian từ 11g00 đến 11g30.

Bị cáo Nguyễn Minh Quyền khai do Kiều không khai nhận tham gia trộm cắp tài sản cùng Sơn và Cường, Quyền nóng giận và đã cầm dùi cui đánh vào cẳng chân Kiều 4-5 cái. Quyền thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Quyền khai cũng nhìn thấy Quang, Mẫn và Huy đánh Ngô Thanh Kiều.

Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn thừa nhận việc mình làm là sai trái. Khi xét hỏi, thấy Kiều không hợp tác, bị cáo bực tức nên cầm dùi cui đánh vào chân người bị bắt 4-5 cái. Ngoài Mẫn, còn có Quyền, Quang và Huy đánh Kiều, đều vào vùng chân.

Khi Mẫn đi ăn cơm thì Nguyễn Thân Thảo Thành vào canh giữ người bị bắt. Theo lời Mẫn, lúc đó Ngô Thanh Kiều vẫn ngồi trên ghế bình thường. Trong thời gian ăn cơm, Mẫn nghe tiếng la phát ra từ phòng có Ngô Thanh Kiều đang bị canh giữ.

Bị cáo Đỗ Như Huy khai: Được ông Lê Đức Hoàn phân công vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp để đối chiếu lời khai Ngô Thanh Sơn, Huy thấy Mẫn và Quyền xét hỏi nhưng không có biên bản. Huy hỏi Kiều về vụ trộm; Kiều không khai, chỉ ngước nhìn. Huy cầm dùi cui gõ vào chân người bị bắt 1-2 cái. Sau đó Huy bỏ đi ra ngoài. Theo bị cáo Huy, đó là hành vi tự phát, độc lập và diễn ra trong một thời gian ngắn, Huy không bàn bạc trao đổi với ai.

Đề nghị khởi tố người đứng đầu chuyên án

Trái ngược với vẻ rụt rè của em dâu (chị Trần Thị Tâm - vợ anh Ngô Thanh Kiều), bà Ngô Thị Tuyết - chị ruột nạn nhân - bày tỏ sự bức xúc trước cái chết của em trai và yêu cầu những người gây ra cái chết đó phải lãnh hình phạt nghiêm khắc. Bà Tuyết đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng chuyển tội danh, từ tội dùng nhục hình sang tội giết người.

Người chị của Ngô Thanh Kiều khóc nghẹn khi đề nghị cơ quan chức năng khởi tố ông Lê Đức Hoàn về 3 tội: bắt giữ người trái pháp luật, giết người (vai trò đồng phạm) và thiếu trách nhiệm gây hâu quả nghiêm trọng, đồng thời đề nghị khởi tố Lê Hải Phú (cán bộ Công an tỉnh Phú Yên). Về bồi thường, bà Tuyết yêu cầu áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước chứ không bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Theo hồ sơ vụ án, do nghi ngờ Ngô Thanh Kiều tham gia trộm cắp tài sản, khoảng 3g15 ngày 13/5/2012, Công an TP Tuy Hòa phối hợp với Công an huyện Tây Hòa và Công an xã Hòa Đồng đến nhà Kiều, còng tay chở về Công an xã Hòa Đồng, sau đó đưa về Công an TP Tuy Hòa. Từ sáng đến trưa ngày hôm đó, trong quá trình lấy lời khai, 5 cán bộ công an trên đã dùng dùi cui đánh, làm Ngô Thanh Kiều tử vong. Tại bản Giám định pháp y số 91 ngày 20/6/2012, Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên kết luận: Ngô Thanh Kiều chết do chấn thương sọ não.

Tại phiên tòa sơ thẩm kéo dài từ ngày 26/3 đến 3/4/2014, TAND TP Tuy Hòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành 5 năm tù; Nguyễn Minh Quyền 2 năm tù; Phạm Ngọc Mẫn 1 năm 6 tháng tù; Nguyễn Tấn Quang 1 năm 3 tháng tù, cho hưởng án treo; Đỗ Như Huy: 1 năm tù, cho hưởng án treo.

Gia đình người bị hại kháng cáo toàn bộ bản án; bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành kháng cáo kêu oan; hai bị cáo Nguyễn Minh Quyền và Phạm Ngọc Mẫn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 29/4, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Yên Nguyễn Hữu Phúc ký quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm ngày 3/4 của TAND TP Tuy Hòa, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 24/6, TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm vụ án này. Tuy nhiên, phiên tòa hôm đó đã bị hoãn do vắng đến 12 trong tổng số 23 nhân chứng được tòa triệu tập, hầu hết là cán bộ Công an TP Tuy Hòa và Công an Phú Yên, trong đó có ông Lê Đức Hoàn - Phó công an TP Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án. Hai nhân chứng Ngô Thanh Sơn và Trần Minh Cường cũng không được trích xuất đến tòa.
 


Việt An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI