Dạy thêm - học thêm “đón đầu” năm học mới

14/08/2013 - 19:28

PNO - PN - Bằng việc thành lập chi nhánh ngay tại các trường tiểu học, các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ đã mời giáo viên của chính các trường tham gia giảng dạy. Hiện các trung tâm này đang quảng bá, chiêu sinh cho năm học mới,...

Day them - hoc them  “don dau” nam hoc moi

Bảng quảng cáo cho Chi nhánh Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ
đặt trước cổng Trường tiểu học Trương Quyền (Q.3)

HỢP PHÁP HÓA DẠY THÊM - HỌC THÊM

Một phụ huynh (PH) Trường Tiểu học (TH) Lương Thế Vinh (Q.1) bức xúc: “Lớp 50 học sinh (HS) thì hơn 40 em đã tham gia vào lớp học thêm tại trường”. Làm việc với chúng tôi, thầy Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường TH Lương Thế Vinh thừa nhận: có trường hợp như thế, nhưng do PH đăng ký cho con học tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ (TT BDVHNG) Trí Vinh đặt chi nhánh tại trường chứ nhà trường không tổ chức dạy thêm - học thêm, cũng không ép buộc HS phải học bồi dưỡng. TT BDVHNG Trí Vinh xin giấy phép và thuê mặt bằng đặt chi nhánh hoạt động tại trường, giáo viên (GV) của trường thỏa thuận dạy cho TT với thù lao là 80% số học phí thu được. HS được đăng ký học với bất cứ thầy cô giáo nào mà các em thích, học phí từ 400.000- 500.000đ/tháng cho ba buổi học.

Tương tự, các trường TH khác như Trương Quyền, Nguyễn Thái Sơn (Q.3), Chương Dương, Nguyễn Thái Bình (Q.1)… cũng cho các TT BDVHNG đặt chi nhánh. Một HS lớp 4 Trường TH Trương Quyền kể: “Con học ba môn toán, tiếng Việt và Anh văn. Hai môn toán và tiếng Việt do cô chủ nhiệm con dạy, học phí 350.000đ; nếu ít HS thì ghép lớp. Môn tiếng Anh cũng do một thầy trong trường dạy, học phí 350.000đ”.

Cô Phan Thị Yến - Hiệu trưởng Trường TH Trương Quyền, ước tính, có khoảng 50% GV của trường tham gia dạy cho chi nhánh TT BDVHNG Quyền Bút đặt tại trường. Nhiều GV của trường cho rằng, có thể đến hơn 80% GV của trường tham gia. Về tỷ lệ HS theo học, “tùy khối lớp, nhưng số lượng khá ổn, khoảng 20 - 25HS/lớp trở lên tham gia”- một thầy giáo tại Trường TH Trương Quyền cho biết. Số GV và HS tham gia vào chương trình tại Trường TH Lương Thế Vinh được nhà trường ước tính cũng vào khoảng 50%.

Giá cho thuê phòng mỗi trường mỗi khác. Cụ thể, tại Trường TH Nguyễn Thái Sơn (Q.3) là 350.000đ/phòng/tháng, tại Trường TH Trương Quyền là 500.000-600.000đ/phòng/tháng, Trường TH Lương Thế Vinh là một triệu đồng/phòng/tháng.

Vấn đề nằm ở chỗ liệu đây có phải là một hoạt động dạy thêm - học thêm? Cô Phan Thị Yến nói: “Trường không mượn TT để dạy thêm - học thêm. Trường cũng hoàn toàn không ép buộc HS. PH nào có nhu cầu thì đăng ký, TT sẽ xếp lớp và giao cho GV. Vì là TT BDVHNG nên HS ở ngoài đăng ký vào học cũng được”. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Lợi- Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Sơn, lại thẳng thắn: “Đã dạy và học cả ngày ở trường rồi, sau giờ lại dạy và học tại TT thì là dạy thêm - học thêm!”.

Với câu hỏi thứ hai của chúng tôi “Sao các trường không tự tổ chức việc giảng dạy ngoài giờ?”, hiệu trưởng các trường đều khẳng định: “Không thể, chủ trương không cho phép”. Một vị hiệu trưởng còn cho biết: “Trước đây, sau giờ học buổi chiều, trường để GV tự tổ chức lớp học thêm ngay tại lớp của mình. Sau khi có quy định cấm dạy thêm - học thêm, GV phải chạy thuê phòng bên ngoài để duy trì lớp, rất khổ. Trường mở TT BDVHNG cũng là để hợp thức hóa việc dạy thêm - học thêm”.

Về nội dung và phương pháp giảng dạy trong các lớp bồi dưỡng, theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng là những nội dung và phương pháp mà GV giảng dạy trong các lớp dạy thêm - học thêm của mình: ôn lại bài cũ và giải quyết các bài tập trong ngày.

Day them - hoc them  “don dau” nam hoc moi

Rất nhiều trường tiểu học được các Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ chọn làm chi nhánh.
Giáo viên của các trường tham gia giảng dạy và học sinh của các trường cũng theo học tại các trung tâm này

VÒNG LUẨN QUẨN

Dù Bộ GD-ĐT đã ra nhiều văn bản cấm, nhưng dạy thêm - học thêm vẫn tồn tại phổ biến. Ở Trường TH Lương Thế Vinh, tỷ lệ GV tham gia dạy và HS theo học tại TT BDVHNG Trí Vinh được Ban giám hiệu ước tính là 50%, chưa kể không ít GV vẫn tự tổ chức lớp dạy riêng, một số HS khác của trường thì chọn học thêm ở những TT có uy tín khác. Hiệu phó phụ trách chuyên môn của một trường TH thừa nhận, anh không tham gia dạy cho TT BDVHNG tại trường mình nhưng có dạy ngoài giờ cho một TT nổi tiếng khác. Thầy Nguyễn Văn Lợi phân tích: thành phố có rất nhiều TT BDVHNG, hoạt động dạy và học ở những TT này suy cho cùng cũng là dạy thêm - học thêm. Dạy thêm - học thêm vẫn tồn tại vì PH có nhu cầu thực sự. Nếu trường không tổ chức, không có chi nhánh TT BDVHNG Quyền Bút thì PH cũng cho con về nhà GV hoặc đi học tại các TT khác. Cho nên, việc đặt TT BDVHNG tại trường thuận tiện hơn cho PH HS.

Cũng theo thầy Lợi, HS học hai buổi, ra về từ 16-16g30 chiều, trong khi giờ này nhiều PH là công chức chưa thể đón con. Đó là lý do họ muốn cho con vào lớp dạy thêm - học thêm. “Đúng là cả ngày học tại trường rồi, ra về lại vào lớp dạy thêm - học thêm là không hay, nhưng nếu dùng thời gian đó để giải quyết mọi thứ trong ngày thì cũng tốt. Quan trọng là việc tổ chức và làm sao để tránh tiêu cực”- thầy Lợi nói.

Tuy nhiên, nhiều trường đã kiên quyết từ chối mở TT BDVHNG. Thầy Từ Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường TH Lương Định Của (Q.3) nói: “Vì nhiều lý do nên chưa thể cấm được việc dạy thêm - học thêm, nhưng chúng tôi thấy, nếu cho đặt TT BDVHNG tại trường thì chẳng khác nào cho dạy thêm - học thêm một cách hợp pháp tràn lan”.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau giờ lên lớp, GV không được dạy thêm cho HS mình đang giảng dạy chính khóa (trừ khi có sự đồng ý của hiệu trưởng). Ai có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký, trong đó cam kết hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ giảng dạy ở trường, thực hiện nghiêm các quy định dạy thêm, học thêm.

Còn PH muốn cho con học thêm các môn cho phép phải viết đơn xin học. Hiệu trưởng sau khi tiếp nhận đơn phải phân nhóm HS theo học lực, phân công GV phụ trách môn học. Các lớp học thêm phải đảm bảo học lực của HS tương đương nhau. Tuy nhiên, GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra dạy thêm, học thêm nhưng lại có thể tham gia giảng dạy ở các TT, do vậy, Bộ cũng tạo điều kiện cho nhà trường “lách luật”.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI