“Đầu tàu” của phụ nữ nghèo

31/08/2013 - 13:56

PNO - PN - Kể về chuyện trở thành cán bộ Hội Phụ nữ (PN), chị Võ Thị Thảo (41 tuổi), Chi hội trưởng chi hội PN ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ, TP.HCM cho đó là nhờ duyên.Bởi, mục đích của chị là làm sao giúp được nhiều PN...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ TP.HCM, chạy xe máy hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đến ấp An Lộc, nhưng tìm gặp chị Thảo không dễ vì những người dân bảo chị đang bận “đi tìm việc làm”. Chờ quá trưa mới thấy chị chạy xe đạp về, mồ hôi ướt đẫm áo. Chị cười tươi rói: “Mình tìm việc làm cho PN trong ấp. Mừng quá, vừa có thêm cơ sở đồng ý đặt hàng may mũi giày cho ấp với số lượng lớn, hợp đồng dài hạn, chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho lao động nữ tại địa phương mình”.

Vốn là cán bộ tín dụng ngân hàng, thường xuyên tiếp xúc, hướng dẫn chị em cách thức vay vốn, phương án sử dụng vốn vay hiệu quả, chị luôn đau đáu: “PN quê mình còn nghèo quá, làm gì để giúp họ đây?”. Nỗi trăn trở ấy thôi thúc chị phải tìm hướng ra cho chị em. "Nghiệp” Hội cũng vận vào chị từ đó.

“Cứ mỗi lần đến các hộ gia đình khảo sát, tôi đều để ý cuộc sống của họ như thế nào, họ cần gì. Mỗi trường hợp mình đều ghi vào sổ tay cụ thể. Do nhu cầu công việc, mình được đi nhiều nơi, thấy nơi nào có việc làm phù hợp là tìm cách học hỏi rồi giới thiệu, hướng dẫn cho PN ở địa phương mình học theo” - chị bộc bạch. PN ở ấp An Lộc chủ yếu sống bằng nghề nuôi gia cầm, thủy hải sản, mò cua bắt ốc. Năm 2004, nhiều người điêu đứng vì dịch bệnh, tôm cá, vịt gà chết hàng loạt. Một công việc đơn giản, thời gian học nghề ngắn, PN có thể vừa làm tại nhà vừa chăm sóc gia đình chính là "nghề" chị Thảo muốn tìm cho PN ở đây.

“Dau tau”  cua phu nu ngheo

Chị Thảo (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn chị em may mũi giày

Chị Thảo hướng dẫn chúng tôi đến thăm một nhóm may mũi giày với hơn chục chị, tất cả đều lớn tuổi, chưa có việc làm. Tận mắt chứng kiến chị cầm tay chỉ việc cho những chị mới vô nghề mới thấy hết sự tận tâm của người cán bộ Hội này. Chị Lê Thị Bé (50 tuổi) chân tình: “Tui được hướng dẫn qua một lần là có thể làm được. Từ ngày làm nghề, trung bình mỗi ngày tui có thêm thu nhập từ 30.000-50.000đ. Mừng lắm cô à”. Cách đó mấy căn nhà, hơn chục chị khác hướng dẫn nhau đan lưới, kết cườm… Tất cả đều do chị Thảo “môi giới”!

Tạo được việc làm cho PN, chị Thảo vẫn chưa yên tâm. Chị luôn theo sát từng hộ gia đình, nhất là những gia đình nghèo, gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”. Những trường hợp chồng đánh vợ, con không nghe lời cha mẹ… luôn được chị can thiệp kịp thời. Chị Thảo tâm tư: “Tất cả cũng do thất nghiệp, hoàn cảnh quá khó khăn mà ra. Vì thế, tôi không chỉ tìm việc cho các chị mà còn giới thiệu luôn việc làm cho các ông chồng khi họ có nhu cầu. Bên cạnh đó, con của hội viên còn được tặng học bổng, hỗ trợ miễn giảm học phí…”.

Trong những buổi họp tổ Hội của PN ấp An Lộc, hội viên PN rất hứng thú với cách tổ chức ngắn gọn, không báo cáo thành tích dài dòng mà cán bộ Hội vào thẳng vấn đề đang được hội viên quan tâm. Chị em mạnh dạn kiến nghị, đề xuất tâm tư nguyện vọng. Lồng ghép vào đó, cán bộ Hội tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Là thành viên tư vấn pháp luật của tổ tư vấn cộng đồng, chị Thảo không ngừng tìm tòi, bổ sung kiến thức về pháp luật để giải đáp được những thắc mắc của chị em. Chị bảo, chồng chị là luật sư nên trường hợp nào “bí” chị đều nhờ anh hỗ trợ. Chị tâm sự: “Tôi may mắn có chồng luôn ủng hộ, giúp đỡ vợ trong công tác Hội, hai con gái chăm ngoan, học giỏi. Những động lực tinh thần đó đã hỗ trợ tôi làm việc Hội ngày càng tốt hơn”.

 Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI