Đất chín rồng đang... biến dạng

09/09/2016 - 06:00

PNO - Đồng bằng sông Cửu Long đang biến dạng và tổn thương nghiêm trọng. Mà nguyên nhân không phải từ trên trời đột ngột giáng xuống.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang biến dạng và tổn thương nghiêm trọng. Biển xâm thực, đất lở, rừng mất, dân táo tác chạy, mà nguyên nhân không phải từ trên trời đột ngột giáng xuống. nhưng tiếng kêu cứu đó bao năm qua như lọt thỏm giữa sóng dữ, để nhiều khi đi tìm địa danh đã mất, chỉ còn mơ hồ trên bản đồ, và bao phận người chỉ trở về quê xứ trong ký ức…

Đê bị nuốt, rừng biến mất

Đứng trước những ngọn sóng đang ngày đêm hùng hổ đập vào bờ, ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang trầm giọng, lo lắng: “Hồi tôi còn nhỏ, cả gia đình sống ở đây, chỉ đánh bắt ven biển là đủ ăn đủ mặc; gần đây khi chuyển qua canh tác, nuôi sò, nghêu… cũng không thấy đất bị sạt lở dữ dội như bây giờ. Hàng chục hộ ở đây cứ phải sống như dân du mục, cất cái chòi tạm một thời gian là bị sóng ngoạm mất”.

Giống như ông Thắng, hàng trăm hộ dân vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang đang “đứng ngồi không yên” với nguy cơ sạt lở. Không chỉ “nuốt” đi đất đai, tài sản của người dân, xâm thực biển và sạt lở đất còn xóa sổ nhiều rừng phòng hộ ven biển.

Theo người dân địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn, xâm thực biển đã cuốn trôi hàng trăm héc-ta nuôi trồng thủy sản gần bờ và rừng phòng hộ.

Tại ấp Mười Biển, xã Thuận Hòa, sóng biển mỗi ngày lại liếm sâu vào đất rừng ven biển khiến các lòng chảo cũng xuất hiện nhiều hơn. Có vùng, nước biển ăn sâu vào đất liền vài trăm mét, khiến hàng chục hộ dân mất hoàn toàn diện tích rừng nhận khoán và phải di chuyển nhà cửa tới nơi ở mới.

Thống kê cho thấy, từ 2009 đến nay có đến 37/200km bờ biển bị sạt lở. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tha thiết: “Chúng tôi rất mong Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm quan tâm, bố trí vốn xây dựng hệ thống đê biển, kè chống sạt lở ở những vùng rừng phòng hộ để gây bồi tạo bãi, đảm bảo sinh kế cho người dân, đảm bảo hệ thống đê quốc phòng”.

Thảm nạn đó cũng không buông tha tỉnh Cà Mau. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Cà Mau có 80% đường bờ biển, kể cả biển phía Đông và phía Tây bị sạt lở khiến hơn 300ha rừng phòng hộ biến mất. Trong đó, ở biển Tây có ba đoạn sạt lở ở cấp độ nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 32km thuộc hai huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Dat chin rong dang... bien dang
Nhiều điểm trên đê biển Tây -Cà Mau đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, một người dân bám trụ lâu năm ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời lắc đầu: “Hàng ngày, sống trên bờ biển Tây này, chứng kiến những đợt sóng dữ cào xé đất liền, lòng nghe xót quá”.

Trước tình hình này, Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau đã gấp rút thi công nhiều công trình kè ngầm hàng trăm tỷ đồng. Đầu tháng 7/2016 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất chủ trương cho triển khai xây dựng kè bảo vệ bờ biển đoạn từ cống Hương Mai đến cống Tiểu Dừa (huyện U Minh), với chiều dài 2,1km, tổng vốn đầu tư ước khoảng 450 tỷ đồng, bổ sung vào dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Trong diễn đàn về biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL tại TP.Cần Thơ ngày 30/8 vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra thống kê: dọc bờ biển các tỉnh phía Đông như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, diện tích đất lấn biển chỉ chiếm 22%, trong khi ở chiều ngược lại, có đến 48% diện tích đất liền bị biển lấn.

Riêng khu vực biển Tây thuộc vùng bán đảo Cà Mau, trước đây vốn mỗi năm đất lấn ra biển hàng chục mét thì nay có tới 70% diện tích có chiều hướng thoái lui, trung bình 12,2m/năm

Cù Lao mất dạng, bờ sông bị ngoặm trôi

Không lo sóng biển ngoạm bờ nhưng các tỉnh thành nằm ven sông Tiền và sông Hậu lại mất cồn và sạt lở bờ sông. Ở TP.Cần Thơ, nhiều người biết đến cồn (cù lao) Tân Lộc bởi sự trù phú của đất đai, sự xanh tươi của vườn tược và là nơi nổi tiếng là “miền gái đẹp”, nhưng trên dòng sông này, trước đây cũng có một cù lao tồn tại song song với cù lao Tân Lộc mà nhiều người không biết, đó là cồn Cả Đôi.

Ông Út Nghi, một người dân sống ở cồn Tân Lộc thuộc khu vực Lân Thạnh 2, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, kể: “Trước đây, giữa dòng sông Hậu này, còn có cái cồn tên Cả Đôi với diện tích hàng chục héc-ta. Những năm mới giải phóng, bà con xung quanh đây thường ra đó khai hoang, làm rẫy. Nhưng do cồn Cả Đôi không có chân nên liên tục bị xói mòn, diện tích cũng bị thu hẹp dầ n rồi biến mất, đến nay không còn dấu tích”.

Ông Lê Văn Huân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tân Lộc khẳng định, theo sổ sách ghi lại, năm 1960, cồn Cả Đôi có diện tích trên 20ha với chiều dài trên 4km, hàng năm được bồi đắp phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Do đất đai phì nhiêu, có những thời điểm người dân ở cồn Tân Lộc và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp ra cồn cắm ranh khai hoang trồng mía, ngô, lúa, mùa màng rất sung túc.

Thế nhưng, đến năm 1990, diện tích cồn Cả Đôi chỉ còn lại 6ha và sau năm 2015, cồn Cả Đôi hoàn toàn biến mất. Hiện nay, trên bản đồ địa giới hành chính phường Tân Lộc cũng như bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận Thốt Nốt, người ta vẫn sử dụng tên cồn Cả Đôi để xác định địa giới hành chính của phường Tân Lộc với các địa phương khác nằm giáp ranh trên sông Hậu ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Cồn Tân Lộc đã bị mất hàng ngàn mét đất. Nếu như năm 2010, cồn Tân Lộc có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 3.334ha, thì đến năm 2015, cồn đã mất gần 4ha do sạt lở. Phó chủ tịch UBND phường Tân Lộc, Lê Thanh Nghị cho biết, tình trạng sạt lở đất tại cồn Tân Lộc đang diễn ra khá mạnh, nhất là khu vực đầu cồn, khiến nhiều hộ dân phải di dời vào trong. Theo những người dân sinh sống ở đây, nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở mạnh thời gian qua là do khai thác cát ồ ạt, trái phép xung quanh cồn.

Bà Hồ Thị Bích Tuyền, nhà ở đầu cồn Tân Lộc cho biết, do khai thác cát, dưới lòng sông hiện có nhiều hố sâu khiến cho dòng nước ở đoạn này thay đổi, người dân gọi đoạn nước này là nước “dữ”, dòng nước cuộn tròn ngày đêm xói lở đoạn bờ này rất nghiêm trọng. Hai ao cá tra của gia đình bà Tuyền bị sông Hậu nuốt gọn mất bờ, đang dùng lưới chắn để nuôi tạm, tâm trạng lúc nào cũng thấp thỏm.

Tháng Bảy vừa qua, do bức xúc vì vấn nạn khai thác cát lậu ngày càng nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân sống trên cồn đã ngăn cản, xô xát, không cho sà lan khai thác cát ở gần cồn khiến chính quyền phải vào cuộc.

ĐBSCL đang dần biến mất. Con số ước tính của Ủy ban sông Mê Kông, bình quân mỗi năm, dòng sông này chuyển tải về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn phù sa, chủ yếu là trong những tháng mùa lũ. Hiện nay, các đập thủy điện vùng đầu nguồn giữ lại trên dưới 50% lượng phù sa này và sắp tới, khi 11 đập thủy điện trên sông Mê Kông ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động, chúng sẽ giữ lại khoảng 90% lượng phù sa rót về vùng này.

Trong một cuộc hội thảo về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đối với vùng ĐBSCL diễn ra vào tháng 7/2016, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập về môi trường thông tin:

quá trình vận chuyển phù sa từ thượng nguồn của dòng sông này về đã kiến tạo nên ĐBSCL và khoảng thời gian kiến tạo này mất khoảng 4.000 đến 6.000 năm. Tại trời cũng tại người. Vùng châu thổ trù phú đang dần tuột khỏi tay người, đồng nghĩa chuyện mưu sinh của dân ĐBSCL đang dần bế tắc và rồi sẽ trắng tay.

Mất con cá hạt lúa đã đành, mà cả một vùng văn hóa đất phương Nam với bao trầm tích sẽ chỉ còn trong ký ức, biết đến bao giờ mới tạo dựng được. Thảm họa nghiêm trọng đang bày ra đó, cảnh báo đã 10 năm rồi, nhưng sao chỉ thấy cứ họp cứ bàn, lòng người vẫn cứ dửng dưng trước cái chết đang từ từ ăn mòn cơ thể mình?

Và bây giờ, thêm một lần nữa, người ĐBSCL nước mắt chảy ngược bởi mùa lũ không về, sông trơ đáy, bụng người tóp teo vì cái ăn không có, thủy sinh trên sông hồ biến mất. Lũ không về thì người ra đi, trôi dạt bèo bọt phận áo cơm xứ người, nhớ quê chỉ biết tìm trong ký ức, lúc trở về cũng mang không ít nước mắt khổ đau, còn người ở lại cũng chẳng vui gì, chật vật èo uột qua ngày, và họ gắng gỏi chờ mong trong tuyệt vọng: bao giờ trở lại ngày xưa?

Trung - Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI