Đào tạo phi công: Đem con bỏ chợ - Kỳ 2: Sự thật mất… niềm tin

06/06/2013 - 15:42

PNO - PN - Kết thúc dự khóa bay, hầu hết học viên khóa K20 trở về không có lấy một chứng chỉ lận lưng. Sau nhiều tháng chán nản, thất vọng, họ khổ sở xây dựng lại tương lai mà chính mình từng từ bỏ bằng cách đăng ký thi đại học,...

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 2: Su that mat… niem tin

Trung tâm huấn luyện bay (FTC)

CON KIẾN LEO CÀNH CỤT

Đưa cho tôi xem thẻ phi công dự khóa (Cadet Pilot) do FTC cấp, D. (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM), học viên khóa K20 (khóa 7 tại Trung tâm huấn luyện Nha Trang) cho biết: “Tương lai các học viên chưa có câu trả lời chính thức bằng văn bản nào của FTC, nhưng thẻ này đã hết hạn từ tháng 12… năm ngoái”. Theo lời D., khóa K20 có 60 học viên đã vượt qua các vòng sát hạch để có mặt tại Trung tâm huấn luyện không quân Nha Trang vào tháng 8/2011. Trước đó, D. theo học khoa Ngữ văn Pháp tại Đại học Sư phạm TP.HCM. Tình cờ đọc được thông tin tuyển dụng của VNA trên mạng, D. mạnh dạn rời bỏ giảng đường để đến với giấc mơ chinh phục bầu trời. “Cũng may mà lúc đó có người bạn nhắc em nên cẩn thận xin bảo lưu kết quả chứ nếu không bây giờ quay về có khi phải đi thi đại học”, D. cho biết.

Giọng nói rắn rỏi, D. kể gia đình cậu khá khó khăn, mẹ phải may vá cật lực hơn 10 tiếng một ngày để có tiền nuôi hai anh em ăn học. Chính vì thế, trước khi thấy thông báo miễn phí 100% học phí của VNA, D. chưa bao giờ dám mơ sẽ theo đuổi nghề phi công. “Khi biết em bỏ học đại học đăng ký dự tuyển, mẹ em lo lắng rất nhiều vì nghe nói muốn đi học phi công phải là con nhà giàu, chi phí tốn kém. Sau nhiều ngày động viên mẹ và cũng nghĩ đây là cơ hội để mình góp phần lo được cho gia đình một cuộc sống ổn định hơn về sau nên em quyết định đăng ký dự tuyển và nỗ lực hết sức trong suốt quá trình học”, D. chia sẻ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình dự khóa, D. và các bạn học không nhận được bất kỳ chứng chỉ nào của FTC.

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 2: Su that mat… niem tin

Thẻ học viên của FTC đã hết hạn từ cuối năm 2012

L. cùng là học viên khóa K20 tuy may mắn hơn D. vì đã hoàn thành chương trình đại học nhưng cũng lâm vào tình trạng chán nản vì đợi câu trả lời từ FTC. Năm 2010, L. ra trường và làm việc ở một công ty chuyển phát nhanh quốc tế tại Q.Tân Bình. Thu nhập bảy triệu đồng/tháng đối với sinh viên mới ra trường như L. khi đó khiến gia đình cảm thấy rất hài lòng. Nhưng cũng vì đam mê được làm phi công, L. xin nghỉ việc để đến với FTC. Tháng 3/2012, sau khi hoàn tất cả hai chương trình học tại Nha Trang và TP.HCM, L. trở về nhà khấp khởi đợi sát hạch để tiếp tục giấc mơ. “Hơn một năm sau, FTC vẫn chưa có thông báo chính thức nào khiến em ngày một khủng hoảng vì suy nghĩ: “Nếu bây giờ xin việc đi làm thì FTC gọi tập trung bất ngờ làm sao có mặt được?”. Nhưng sau quá nhiều lần hẹn rồi hủy của họ, em đã mạnh dạn từ bỏ để đi tìm việc. Thực tế là, các chứng chỉ của FTC với em đã không còn quan trọng do các ngành nghề khác không ai tuyển dụng nhân sự với chứng chỉ dự khóa bay”.

T.A., một học viên dự khóa bay khác lại trở về với xuất phát điểm thấp hơn tất cả các học viên cùng khóa vì A. chỉ mới tốt nghiệp THPT. Đợi hơn một năm, gia đình T.A. quyết định động viên con ôn tập chuẩn bị thi kỳ thi đại học 2013. Ng., một học viên quê Tây Ninh cho biết vẫn nuôi hy vọng được thử sức trong kỳ sát hạch dù… khó diễn ra nên hiện chưa xin việc. Tuy nhiên, bức xúc vì cách đào tạo của FTC, Ng. nói: “Em dự định xin rút hồ sơ từ FTC sang công ty cổ phần đào tạo Bay Việt nhưng cũng lo lắng vì không biết sau khi hoàn thành khóa học ở nước ngoài trở về thì sẽ làm việc cho ai. Số tiền đầu tư mà gia đình bỏ ra thì quá lớn, trong đó còn phải vay mượn khá nhiều”.

TƯƠNG LAI LỤY “TIN ĐỒN” ?

Một học viên dự khóa bay tại FTC cho biết, học viên này được lãnh đạo FTC thông báo miệng với nội dung, các khóa trước khóa 20, sẽ được đào tạo ở nước ngoài từ phi công cơ bản cho đến lúc có kinh nghiệm sẽ được VNA đài thọ 100%. Tuy nhiên, từ khóa 20 trở đi (khóa K20, K21 và K22) chính sách của VNA đối với học viên phi công sẽ thay đổi. Cụ thể, VNA không đài thọ 100% học phí như trước kia nữa mà sẽ thực hiện xã hội hóa. Có nghĩa là học viên sẽ phải đóng các khoản tiền khám sức khỏe đầu vào; nếu đạt, học viên sẽ đóng tiếp các khoản tiền học ở Nha Trang và FTC (thời gian khoảng năm tháng rưỡi) bao gồm tiền ăn, ở, tiền đồng phục ở Nha Trang và FTC.

Sau khi học, học viên sẽ được phỏng vấn đi nước ngoài, nếu đạt sẽ ra nước ngoài học. Tuy nhiên, VNA sẽ chỉ đài thọ tiền học cơ bản, còn tiền ăn và tiền ở học viên sẽ tự lo. Thay đổi thứ hai theo học viên này cho biết, đó là từ khóa 20 tất cả học viên sẽ đều phải học chứng chỉ ATPL ở Việt Nam và chi phí học là tự túc. Thông báo không chính thức này đã xuất hiện trên diễn đàn hàng không từ cuối năm 2012 và không hề có thông tin phản hồi chính thức cho các học viên dự khóa bay từ phía FTC.

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 2: Su that mat… niem tin

Các học viên dự khóa bay tại FTC

Bà T. (54 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), phụ huynh một học viên dự khóa bay bức xúc: “Tôi thấy đào tạo như vậy là thiếu trách nhiệm. Con trai tôi đã bỏ công việc hiện tại của nó với mức lương hơn chục triệu một tháng để theo đuổi nghề phi công sau khi thấy VNA thông báo tuyển dụng. Nó chờ đợi gần một năm nay rồi. Cách đây không lâu, một người đàn ông tên Nghĩa tự xưng là quản lý học viên của FTC gọi điện đến số điện thoại bàn gia đình tôi thông báo tập trung, nhưng sau đó tôi lại nghe cháu báo lại là FTC đã hủy buổi tập trung đó”.

Tìm hiểu thông tin về các chương trình huấn luyện phi công, chúng tôi được biết, nhiều dự án đào tạo phi công liên kết với các trường tại Pháp, Mỹ thực sự không xem trọng chương trình dự khóa bay mà chỉ xác định đây là một bước đệm mang tính chất “bập bẹ”. Thực tế đã có những chương trình đào tạo phi công không cần thời gian dự khóa bay. Tuy nhiên, chính thông báo tài trợ 100% học phí và cách hành xử không minh bạch của FTC trong thời gian dài đã khiến việc dự khóa bay trở thành một phần “quan trọng”.

Bổ sung cho nghịch lý thiếu nhân lực nhưng chậm đào tạo đã xảy ra đối với trường hợp của FTC. Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết, đây không phải lần đầu tiên có hiện tượng “trắc trở” trong công tác đào tạo phi công tại nước ta. Từ năm 1995, Dự án nâng cấp Trường Hàng không Việt Nam, trong đó có Trung tâm đào tạo phi công được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Pháp viện trợ theo nghị định thư giữa hai nước đã được ký kết, giá trị dự án tính theo tỷ giá hiện nay vào khoảng gần sáu triệu USD. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án bị kẹt suốt 15 năm và khởi động lại vào năm 2008 khi gói tài trợ 850.000 EUR của Hãng Airbus được trao thông qua Học viện hàng không Esma (Pháp), dự án mới hồi sinh.

 VINH QUỐC - CA HẢO 

Kỳ tới: Giảm gánh nặng, tăng hệ lụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI