Đào tạo nghề cho hội viên: Vì sao chưa hiệu quả?

25/05/2014 - 09:36

PNO - PN - Chủ động khảo sát nhu cầu của hội viên phụ nữ (HV PN) trên địa bàn, thuê người hướng dẫn, vận động HV học miễn phí… Tất cả những việc làm ấy của Hội PN nhằm mục đích trang bị cho chị em một nghề phù hợp để mưu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Học cho... vui!

Những khóa hướng dẫn trồng rau mầm của Hội LHPN P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM luôn thu hút rất đông cán bộ, HV PN tham gia. Khóa học kéo dài một tháng (một buổi/tuần) với những nội dung học khá đơn giản như: cách làm giá thể cho rau mầm, cách bón phân, thời gian thu hoạch… Gần như sau khóa học, học viên nào cũng làm được. Nhưng sau ngày vui với những sản phẩm thành công ấy, gần như không một học viên nào áp dụng việc trồng rau mầm để mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Bảy (40 tuổi, ngụ đường Phan Đăng Lưu) bày tỏ: “Thứ nhất là nhà mình không có nơi trồng với quy mô lớn để nghĩ đến chuyện bán; thứ hai là khâu trồng, chăm sóc khá tốn kém, do đó bán ra ngoài giá cao hơn rau thường nên không ai mua. Vì vậy, chủ yếu mình học cho vui, nếu thích thì trồng để phục vụ trong gia đình”.

Lớp học nấu ăn, làm bánh, bắt bông kem… cũng được rất nhiều Hội PN cơ sở chọn và giới thiệu học viên đến học. Tuy nhiên, có mặt tại các lớp học này, chúng tôi nhận thấy cách dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Chị Vũ Thanh (30 tuổi, Q.Tân Bình) bộc bạch: “Nghe Hội có lớp dạy nấu ăn, tôi rất háo hức nên sắp xếp thời gian theo học. Mục đích muốn mở cửa hàng ăn nho nhỏ, hoặc kêu gọi chị em thành lập nhóm nấu ăn. Nhưng theo gần cả tháng mà tôi chẳng nâng cao tay nghề được chút nào. Theo tôi, học nấu ăn là phải được “cầm tay chỉ việc”, được thực hành. Còn dạy và học theo phong trào như thế này vừa mất thời gian, tốn tiền của Hội”.

Nhiều ngành nghề khác như làm trang sức pha lê, làm hoa voan, hoa vải… cũng chung phận hẩm hiu. Đơn cử như năm 2012, Hội PN P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM) lập tổ kết cườm với 10 thành viên là PN khó khăn, khuyết tật. Đến nay tổ là nơi sinh hoạt, tạo việc làm cho hơn 30 chị. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Tuy mẫu mã đa dạng, phong phú nhưng các chị ít vốn và không có điều kiện tiếp thị nên chỉ bán lẻ tại nhà. Bà Phạm Thị Ngọc Chi - tổ phó tổ kết cườm cho biết: “Hoạt động dạy nghề không thu hút nhiều lao động nữ vì chưa đủ kinh phí hỗ trợ toàn diện. Ngoài ra, địa phương cũng không có khả năng tìm đầu ra cho sản phẩm, buộc họ phải “tự bơi”. Vì vậy, họ thích chọn những công việc phổ thông như bán nước giải khát, phục vụ… để mưu sinh”.

Dao tao nghe cho hoi vien: Vì sao chua hiẹu quả?

Chương trình dạy trồng rau mầm, rau sạch của Hội PN chủ yếu phục vụ nhu cầu cá nhân chứ không thể làm nghề để mưu sinh.

Để không lãng phí

Lý giải nguyên nhân một số ngành nghề do Hội PN hướng dẫn đang không phát huy được hiệu quả, không giúp thêm gì cho HV trên bước đường mưu sinh, bà Đỗ Thị Minh Quân - Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Đa số những lớp nghề không đạt hiệu quả là do Hội PN cấp phường, khu phố triển khai. Quận Hội luôn quán triệt các cấp Hội cơ sở trước khi mở lớp nghề đều nhằm mục đích tạo việc làm, thêm thu nhập cho HV. Những lớp nghề “phong trào” không những gây lãng phí tiền bạc của Hội mà còn làm mất thời gian, công sức của HV”.

Bà Trần Thị Cẩm Thúy - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ: “Các ngành nghề như kết cườm, tỉa rau củ, nấu ăn… học viên sau khi học nghề đều tự lo đầu ra nên nhiều chị không đủ khả năng. Huyện Hội đang tìm cách hỗ trợ HV bằng cách hình thành các tổ liên kết, tổ hợp tác ngành nghề để có thể tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, hỗ trợ HV vay vốn, mở các lớp nâng cao tay nghề cho HV”.

“Uyển chuyển đổi nghề chính là cách làm Hội LHPN Q.10, TP.HCM đang áp dụng” - bà Trần Thị Ngọc Thanh - Phó chủ tịch Quận Hội cho biết. Theo bà Thanh, mỗi HV luôn được Hội PN trang bị nhiều nghề, để “mùa nào nghề nấy”.

Khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm của 5.000 lao động nữ tại 24 quận, huyện cho thấy, 50,6% lao động nữ có nhu cầu đào tạo và giới thiệu việc làm.

Trong hội nghị tổng kết 5 năm của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội LHPN TP, bà Trần Thị Bích Thủy - Phó chủ tịch thường trực Thành Hội cho biết: “Do kinh phí đào tạo nghề hạn chế nên các cấp Hội chỉ tập trung những ngành nghề thời vụ, dịch vụ; đối tượng học chủ yếu là lao động trình độ thấp, PN khó khăn, PN lớn tuổi. Tiêu chí mở lớp của Hội là chọn những nghề dễ học, dễ làm; các lớp học đều hoàn toàn miễn phí. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng để lựa chọn nghề phù hợp với năng lực của chị em và thực tế địa phương”.

 Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI