Đạo đức suy đồi nên cần có biện pháp cấp bách

30/10/2013 - 07:48

PNO - Chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Vấn đề xuống cấp về đạo đức, văn hóa, lối sống được nhiều người đặt ra.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dao duc suy doi nen can co bien phap cap bach

Đại biểu Nguyễn Văn Minh, đoàn TP.HCM - Ảnh: MAI HƯƠNG

 Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) phản ánh: Đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, những mâu thuẫn trong gia đình cũng gây nên án mạng. Ở Quảng Nam có trường hợp cháu gái 17-18 tuổi không có tiền chơi game đã rủ rê bạn về đánh thuốc mê bà để lấy trộm tiền đi chơi.

Đạo đức suy đồi nên cần có biện pháp cấp bách. Ngành giáo dục, ngành y tế, hội phụ nữ, đoàn thanh niên phải có chương trình hành động gì trong giáo dục, vận động lối sống lành mạnh, văn hóa. Nếu để một mình ngành công an đơn độc trong cuộc đấu tranh này thì rất khó đạt được hiệu quả.

Ông Dân đề xuất: Bên cạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý các hành vi phạm tội. Ví dụ hành vi trộm chó người dân rất bức xúc, ở một số nơi đã có tình trạng người trộm chó bị đánh chết. Con chó vài trăm nghìn mà ăn trộm bị đánh chết thì xót xa quá. Tuy vậy, theo quy định của pháp luật thì trộm chó chỉ bị xử lý hành chính thôi, khó xử lý hình sự.

Muốn xử lý hình sự kẻ trộm chó thì phải xử lý hành chính lần thứ nhất, tái phạm lần thứ hai và phải chứng minh được người bị hại thì mới xử lý hình sự được.

Đại biểu Thạch Dư (Trà Vinh) lo lắng: Thời gian qua nổi lên nhiều vụ án giết người rất dã man, tàn bạo, chỉ từ những mâu thuẫn rất nhỏ gây bức xúc, hoang mang cho xã hội. Chồng giết vợ, vợ giết chồng, con giết cha. Rồi bạo lực ở học đường, bạo lực trong thanh niên. Báo động về đạo đức suy đồi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm pháp luật và tội phạm.

“Chúng ta cần xem xét lại hệ thống giáo dục, từ gia đình đến nhà trường. Dường như chúng ta chỉ đạo chú trọng dạy kiến thức mà lại buông lỏng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục về lòng nhân ái, tình thương yêu giữa con người và con người. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng Chính phủ cần đánh giá rõ tình trạng này, đi sâu vào phân tích hệ thống giáo dục xem còn khiếm khuyết gì trong giáo dục nhân cách. Cần xây dựng chuẩn mực đạo đức, có quy định khuôn mẫu cụ thể để xây dựng nhân cách thế hệ trẻ VN. Tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang buông lỏng trong việc giáo dục nhân cách con người” - ông Dư đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đặt thẳng vấn đề: “Tôi không tin con số tội phạm là giảm - nếu có giảm thì giảm về số vụ nhưng tính chất, mức độ, quy mô là tăng. Tôi rất lo lắng khi tỷ lệ thanh niên nhiễm ma túy tăng 5,4% - đây cũng vẫn là con số ẩn. Còn mại dâm bây giờ gần như là công khai, từ khi ta chuyển sang chỉ phạt hành chính. Tôi là một trong những người bỏ phiếu không đồng ý chuyện này. Bây giờ Quốc hội đã quuyết rồi nhưng tình hình thực tế hiện nay đặt ra như vậy thì Quốc hội phải tính”.

Theo ông Minh, chuyện tội phạm tăng không hể đổ do nguyên nhân kinh tế. “Nói kinh tế khó khăn mà án tăng là chưa thỏa đáng. Như án ma túy, mại dâm chẳng hạn. Khi kinh tế khá hơn, giàu hơn có khi càng gia tăng nhiều lần” - ông Minh nói.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) kể: "Có cử tri suốt ngày cứ đến gặp tôi phản ánh chuyện ông con rể cứ đến nhà kêu ông già ra chửi, đánh, nhưng đánh lần nào cũng không đủ thương tích 10% để xử phạt. Có thể thấy dù không gây thương tích nhiều nhưng động cơ là lớn. Xã hội ta hiện nay hành vi của tội phạm ngày càng man rợ, có vụ vì 100.000 đồng mà giết người, cảnh sát chặn xe thì cán cả cảnh sát".

"Báo cáo toàn phân tích hiện tượng chứ chưa có 1 lý giải nào phân tích theo tội phạm học. Ta đang xem nặng về kết quả để trừng trị chứ nhẹ về phân tích nguyên nhân động cơ phạm tội. Đây là vấn đề lớn, ngành luật Việt Nam phải quan tâm" - ông Lịch đề xuất.

Theo MAI HƯƠNG - LÊ KIÊN - V.V.THÀNH (Tuổi Trẻ Online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI