Cuốn “nhật ký tử thần” của người đàn ông 35 năm vớt xác trên sông Hậu

27/08/2015 - 07:23

PNO - Những vụ cứu người, vớt xác, ông đều ghi lại thông tin trong những cuốn sổ mà ông gọi là “nhật ký tử thần”.

Từ năm 1980 tới nay, ông đã cứu vớt rất nhiều nạn nhân của các vụ lật ghe thuyền trên sông Hậu, đặc biệt là từ khi cầu Cần Thơ khánh thành. Tất cả những vụ cứu người, vớt xác, ông đều ghi lại thông tin trong những cuốn sổ mà ông gọi là “nhật ký tử thần”.

35 năm “cướp cơm Hà Bá” trên sông Hậu

Đến chân cầu Cần Thơ, phía thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, chỉ cần hỏi thăm tên ông Dương Công To, hay cái tên thân mật dân dã hơn là “Tư Hài”, “Tư cứu người” thì ai cũng biết. Nhà ông Tư Hài ở ngay gần chân cầu Cần Thơ thuộc ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh.

Cuon “nhat ky tu than” cua nguoi dan ong 35 nam vot xac tren song Hau
Ông Dương Công To lật giở cuốn “nhật ký tử thần” chia sẻ với PV

Ông To năm nay 75 tuổi, quê gốc ở xã Cái Ngang, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Sau khi học xong trung học kỹ thuật, năm 1963, ông tham gia phong trào đấu tranh trong sinh viên, học sinh.

Trong những năm tham gia phong trào, ông bị địch bắt tù đày. Trong chốn lao tù, ông đã gặp được nửa kia của mình.

Vợ ông là bà Bùi Thị Hài, năm nay 74 tuổi. Năm 1969, hai người nên duyên vợ chồng rồi sinh sống ngay tại quê hương của bà Hài ở ấp Mỹ Hưng 2 từ đó đến nay. Hàng ngày, ông To mưu sinh bằng nghề đóng đáy trên sông Hậu.

Lúc bấy giờ, giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân chủ yếu sử dụng ghe tàu làm phương tiện đi lại và buôn bán hàng hóa.

Mỗi lần có vụ lật ghe thuyền, ông To đều bất chấp nguy hiểm chèo thuyền ra cứu người, vớt xác. Nhiều khi, vì mải cứu người mà ông quên luôn công việc mình đang làm. Do tai nạn đường thủy liên tục xảy ra, một mình ông không thể vừa cứu người vừa đánh bắt cá, nên ông To nảy ra ý tưởng thành lập đội cứu hộ - cứu nạn trên sông.

Cuon “nhat ky tu than” cua nguoi dan ong 35 nam vot xac tren song Hau
Ông To được tặng huân chương vì góp phần tham gia xây dựng giao thông ngày một tốt đẹp.

Đội cứu hộ của ông To với cái tên đầy đủ là Đội dân phòng đường thủy ra đời với 16 thành viên do ông To làm đội trưởng, ngoài ra còn có 3 đội phó và các thành viên. Hiện tại đội chỉ còn 12 thành viên do một số người đã già yếu.

Những cuốn “nhật ký tử thần”

Sau mỗi lần cứu người hay vớt xác, ông To đều ghi lại những thông tin tên tuổi, địa chỉ của nạn nhân, ngày giờ gặp nạn, thời gian cứu vớt được và cả nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Mỗi vụ việc ông viết vào một trang giấy, vậy mà đến nay hai cuốn sổ dầy cộp đã gần như kín chỗ. Cuốn sổ này ông To gọi là “nhật ký tử thần”.

Đặc biệt, từ khi cây cầu Cần Thơ nối hai bờ sông Hậu khánh thành, nhiều người lại chọn nơi đây thành nơi tự kết liễu cuộc đời mình. Theo thống kê của ông To, từ ngày cầu Cần Thơ khánh thành tới nay, ông đã cứu vớt được 34 trường hợp nhảy cầu tự tử, trong đó có 8 người (4 nam, 4 nữ) được cứu sống.

Ông To chia sẻ: “Đa phần những người nhảy cầu tự tử vì buồn chuyện tình cảm, gia đình hoặc làm ăn thất bại, cuộc sống khó khăn. Tuy nhiên, người chết hay sống đều có điểm chung là da trên cơ thể đều bị lột ra vì sức ép của nước quá mạnh. Có trường hợp được cứu sống nhưng cũng phải sống trong cảnh tật nguyền vì bị dập gan, lá lách, gãy xương”.

Cuon “nhat ky tu than” cua nguoi dan ong 35 nam vot xac tren song Hau
Cầu Cần Thơ nơi có hàng chục vụ nhảy cầu tự tử

Ông To còn nhớ rất rõ, trường hợp nhảy cầu Cần Thơ đầu tiên là một đôi nam nữ yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm. Khi đó, cầu mới khánh thành được 4 ngày, đôi nam nữ chạy xe đến và cùng nhau tự tử. Khi nam thanh niên lao xuống nước thì cô bạn gái bất ngờ ngất xỉu do hoảng sợ nên may mắn sống sót. Thi thể nam thanh niên mấy ngày sau mới tìm thấy.

Trường hợp sau đó được ông cứu sống là 2 thanh niên nắm tay nhau nhảy xuống sông tự tử. Rất may, do nhảy trúng vào đám lục bình lớn trôi trên sông nên cả hai thoát chết.

“Tôi vừa đưa chúng nó tới bờ, chưa kịp hỏi nguyên nhân vì sao làm chuyện dại dột như thế, chúng đã nhanh chân chạy mất, không nói một lời cảm ơn” - ông To kể lại.

Có vụ cứu người xong, nạn nhân hứa cho ông cả trăm triệu nhưng rồi cuối cùng cũng biến mất.

Cuon “nhat ky tu than” cua nguoi dan ong 35 nam vot xac tren song Hau
Bằng khen, danh hiệu ông To được phong tặng.

Ông To chia sẻ: “Việc tôi cứu người không phải là vì mong người ta trả ơn. Chỉ đơn giản là bởi, tôi đã từng trải qua chiến tranh loạn lạc, bị địch bắt tù đày nên tôi hiểu được giá trị quý giá của sự sống”.

Ngoài việc cứu người trên sông, ông To còn tham gia đội săn bắt cướp giúp chính quyền địa phương ổn định tình hình trật tự. Ông đã 4 lần được mời ra Hà Nội nhận bằng khen của các cơ quan ban ngành Trung ương.

Văn Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI