Cúm gia cầm đe dọa

04/02/2014 - 08:24

PNO - Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2014, cả nước đã có 2 ca tử vong do nhiễm cúm gia cầm H5N1. Cùng với đó, virus cúm A/H7N9 cũng đang rình rập xâm nhập nước ta khi số người mắc cúm A/H7N9 tại một địa phương của Trung Quốc giáp với...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Đáng lo hơn, thời tiết cả nước đang vào mùa đông xuân và là thời điểm nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao khiến nguy cơ loại virus cúm nguy hiểm từ gia cầm lây lan sang người và bùng phát rất cao.

Trong bùng phát, ngoài rình rập

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lo lắng cho biết, ca tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 trong những ngày nghỉ tết 28-1 là một phụ nữ 60 tuổi (ở xã Tân Long, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp). Qua điều tra dịch tễ cho thấy, trước khi phát bệnh, nữ bệnh nhân có tiếp xúc với gia cầm. Đây là ca tử vong thứ 2 do virus cúm A/H5N1 gây ra tại nước ta trong tháng đầu tiên của năm 2014.

Trước đó, một người đàn ông 52 tuổi (ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước) cũng đã tử vong do nhiễm virus H5N1 sau khi giết mổ và ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc.

Cum gia cam de doa
Giết mổ gia cầm, thủy cầm tràn lan làm gia tăng nguy cơ nhiễm cúm H5N1.

Không chỉ ghi nhận 2 ca tử vong do cúm gia cầm mà gần đây nhiều bệnh viện cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân mắc cúm thông thường và nghi ngờ “dính” cúm A/H5N1.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ (39 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng suy hô hấp nặng, sức khỏe rất nguy kịch, có dấu hiệu của nhiễm cúm A/H5N1. Đáng lưu ý, qua điều tra bệnh nhân này dù không giết mổ hay ăn thịt gia cầm, nhưng trong gia đình bệnh nhân có hiện tượng gà chết.

Cùng với đó, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận một ổ dịch cúm tại Trường THPT Trí Đức (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) với hơn 20 học sinh mắc phải nhập viện điều trị. Rất may, toàn bộ số học sinh trong ổ dịch cúm này qua xét nghiệm cho thấy chỉ là nhiễm cúm mùa thông thường.

Đáng lo hơn, TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, cùng với nguy cơ virus cúm A/H5N1 ở trong nước bùng phát và lan rộng thì nguy cơ xâm nhập của cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn. Bởi lẽ, hiện nay, số bệnh nhân nhiễm và tử vong do cúm A/H7N9 ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Đặc biệt 70% bệnh nhân phơi nhiễm cúm A/H7N9 ở quốc gia này là do lây từ gia cầm sang.

Không chỉ có vậy, tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cúm A/H7N9 đang bùng phát mạnh mà đây lại là địa phương giáp với biên giới Việt Nam nên có lượng người qua lại giữa hai nước rất lớn, làm gia tăng nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta.

Nguy cơ biến chủng

Chỉ trong một thời gian ngắn cả nước đã liên tiếp ghi nhận 2 trường hợp tử vong do nhiễm cúm gia cầm H5N1, cùng với số bệnh nhân mắc bệnh cúm mùa thông thường như cúm B, cúm H3N2, H1N1 gia tăng khiến người dân rất lo lắng.

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, qua các nghiên cứu cho thấy đến thời điểm này chưa phát hiện sự thay đổi về độc lực của virus cúm, cũng như chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 nào lây từ người sang người. Tuy nhiên, trước việc nhiều chủng cúm đang lưu hành ở trong nước và nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập khiến các chủng virus cúm kết hợp với nhau hoặc biến chủng thành virus mới có độc lực cao hơn là điều không thể loại trừ và xem nhẹ được.

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà cũng lo ngại khi hiện nay tỷ lệ tử vong do cúm A/H5N1 gây ra vẫn rất cao, chiếm trên 50% số ca mắc, trong khi việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn nếu như bệnh nhân mắc phát hiện bệnh muộn.

Trước nguy cơ dịch cúm bùng phát và lan rộng, Bộ Y tế đã yêu cầu hệ thống y tế dự phòng trên toàn quốc và tăng cường giám sát nhằm đảm bảo phát hiện sớm các trường hợp mắc để kịp thời khoanh vùng và khống chế ổ dịch. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị và phòng cách ly, sẵn sàng cho việc điều trị bệnh nhân cúm, đặc biệt là bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 và H7N9. Ngoài ra, các bệnh viện và nhân viên y tế phải tăng cường phòng chống và kiểm soát lây nhiễm, theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, bệnh nhân nhiễm cúm thường có các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính nên khi cơ thể có triệu chứng sốt, ho, khó thở nên tới ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Đặc biệt, người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa như: tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, ăn các thực phẩm phải nấu chín. Khi đến các chợ gia cầm sống nên sử dụng thiết bị bảo hộ đúng cách.

Theo Cục Y tế dự phòng, qua giám sát trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn) cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc dịch sốt phát ban nghi sởi. Trong đó nổi lên là tại 2 xã Chiềng Ân và Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La), ghi nhận 80 người bị sốt phát ban nghi sởi, còn tại xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn, Yên Bái) cũng có tới 65 người mắc.

Theo QUỐC LẬP (Sài Gòn Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI