Còn một quê hương

01/05/2015 - 08:18

PNO - PN - Tháng Tư, thành phố chuyển mùa. Ai quen với những lúc nắng lúc mưa ào ạt bất chợt của trời đất nơi này thì khá ung dung, nhưng ai chưa một lần biết, hoặc đã xa cách lâu ngày, thì băn khoăn lo lắng: sao đang nắng tưng bừng bỗng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh chị tôi định cư ở nước ngoài, về lại Sài Gòn sau bốn chục năm xa cách. Cả nhà kéo ra sân bay đón. Đối với bao nhiêu gia đình khác, những người thân đã trở về từ lâu, phút giây trùng phùng đã có thể trở thành kỷ niệm. Riêng đối với gia đình tôi, đây là lần đầu tiên anh chị trở về. Bao nhiêu điện thoại, bao nhiêu đợi chờ, bao nhiêu chuyện kể lể đã diễn ra cả mấy năm mấy tháng nay rồi, tưởng anh chị tôi chắc đã hình dung quê hương rõ ràng hơn một chút, nhưng sao trông như anh chị vẫn quá ngỡ ngàng.

Con  mot que huong

Ảnh: Ngọc Hồ.

Chao ôi mới đó mà đã bốn chục năm. Thời gian đã bỏ mặc anh chị tôi nơi góc biển chân trời xa xôi nào đó, cách biệt với ba mẹ, cách biệt với anh chị em, không chỉ bằng khoảng cách không gian, mà bằng cả những nỗi e ngại, sợ hãi, dè chừng, nhớ thương mà âu lo khắc khoải… Tất cả những bức tường dựng nên trong tâm thức ấy, hôm nay đã lần lượt nối nhau nghiêng đổ theo những bước ngỡ ngàng gặp lại quê hương.

Chị hỏi, xích lô máy còn không? Cái xích lô máy chạy ồn ào qua giấc mơ buổi sáng của mấy chị em tôi, nay đã biến mất. Vắng chuỗi âm thanh giòn giã đặc trưng đó, dù thành phố vẫn ồn ào đón anh chị bằng hàng ngàn âm thanh khác, nhưng chị vẫn thấy như chưa gặp lại một người bạn thuở thiếu thời, vẫn phải hỏi.

Chị bảo em quay kính xe, để mọi người đón nắng gió, bụi đường và âm thanh ồn ã của phố phường. Bao nhiêu năm vắng lặng ở trời Tây, chị thèm cái ồn ào náo nhiệt của quê hương mình. Bao nhiêu đêm khắc khoải chờ nghe tiếng xích lô máy tràn qua không gian tranh tối tranh sáng của căn nhà nhỏ, chị đã khóc vì nhớ cha mẹ, nhớ anh em bạn bè…

Chị bảo Sài Gòn khác xưa nhiều quá. Em có hơi lo lắng chị sẽ buồn, sẽ thấy hụt hẫng khi đi tìm và không thấy dãy phố xưa, con hẻm sâu ánh đèn neon lấp loáng trên những vũng nước sau cơn mưa đêm tầm tã. Nhưng em thở phào nhẹ nhõm, khi cùng anh chị băng qua những con đường xưa, nghe chị nhắc hồi đó ở đây là cái này cái nọ, một trụ đèn, quán nhỏ có ly cà phê đá, bà Sáu bán bánh bao, bà Chín bán cóc ổi.

Họ lặng lẽ đứng nhìn phố, nắm lấy tay nhau, tìm trong mắt nhau những bóng dáng hẹn hò xưa, những con người từng quen biết, những góc phố đã đi qua. Và em hiểu có một Sài Gòn xưa riêng tư trong mắt anh chị. Cuộc trở về với thành phố hôm nay đã làm sống lại một Sài Gòn xưa như thế, riêng tư và thuộc sở hữu của từng tâm hồn. Sài Gòn có một trái tim đập từ trong kỷ niệm của mỗi người. Nhưng Sài Gòn sống bằng thân thể đã được tái sinh, tái tạo, tươi mới, căng tràn ồn ã sức sống và niềm vui.

Hỏi chị có yêu thành phố trong diện mạo mới không. Chị cười, ngập ngừng, từ ngày đầu tiên cho đến hơn tháng sau đó, vào cái ngày chia tay thành phố, chị mới nói ra một câu trả lời dè dặt: chị thấy Sài Gòn - là thành phố mới bây giờ đó, thay đổi nhiều nhưng vẫn đẹp, vẫn rất hay. Chị bảo thành phố có cái “hay” của một sinh thể sống động.

Chị bắt đầu yêu bởi có thành phố hôm nay để nhớ Sài Gòn xưa của chị, để ký ức sống động thêm trong sự đối sánh hình hài. Chị yêu thành phố vì đó là nơi chị sẽ trở về, anh sẽ trở về. Anh chị hẹn sang năm. Cuộc chia tay lúc ra đi hồ hởi ước hẹn và nặng trĩu bao nhiêu nấm khô, bánh tráng, tương ớt, mắm ruốc, nếp Bắc và đậu mè… Lại đùm đùm gói gói mang đi, những gói những bọc sản vật quê nhà như nỗi nhớ đã thành hình hài. Anh chị sẽ trở về.

Chiếc neo của con tàu xa xứ chính là đây: còn lại một quê hương. Tháng Tư đã trở thành một hẹn hò chứ không còn là một cột mốc chia ly hay một ám ảnh. Chị yêu thành phố vì đó là nơi chốn để trở về. Nhìn bọn trẻ con hân hoan chơi giỡn trên những thảm cỏ của khu vườn xanh, mà em gọi là Tao Đàn còn anh chị vẫn gọi là Vườn ông Thượng, chị bảo trời ơi bốn mươi năm, có bao nhiêu thế hệ trẻ con đã ra đời trên đất nước này.

Bọn trẻ lớn lên với thành phố hôm nay, trong khi chị mang trong lòng mình một Sài Gòn riêng tư đi qua một xứ nào xa lắc. Cháu mình đó chớ ai đâu. Được rồi, chị sẽ mang Sài Gòn ấy trở về, hòa chung với những tháng ngày hiện tại của thành phố. Cho và nhận là như thế, dì và cháu sẽ trao đổi những thành phố của nhau, thành phố của người ở xa, của người ở gần, của những người trẻ, người già… cùng chung một quê hương.

 HOÀNG YÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI