Có thể xin nghỉ không lương ba tháng?

19/10/2016 - 18:48

PNO - Vợ tôi có làm đơn xin nghỉ việc không lương trong thời gian ba tháng nhưng cơ quan không đồng ý vì vị trí công việc cần phải có người khác thay thế và yêu cầu vợ tôi nếu muốn nghỉ thì viết đơn xin nghỉ việc.

* Vợ tôi đang làm nhân viên văn phòng tại một trường học tư, gần đây bị bệnh nên sức khỏe giảm sút, không thể làm việc được, bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi và điều trị. Vợ tôi có làm đơn xin nghỉ việc không lương trong thời gian ba tháng nhưng cơ quan không đồng ý vì vị trí công việc cần phải có người khác thay thế và yêu cầu vợ tôi nếu muốn nghỉ thì viết đơn xin nghỉ việc. Xin hỏi, trường làm vậy có đúng không?

Trần Tuấn Minh (Q.9)

Co the xin nghi khong luong ba thang?
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet

- Điều 116 Bộ luật Lao động quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau :

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ ba ngày;

b) Con kết hôn: nghỉ một ngày;

c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ ba ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương một ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”. Như vậy, pháp luật không điều chỉnh cụ thể về thời gian nghỉ không hưởng lương theo khoản 3, điều 116 Bộ luật Lao động nên việc giải quyết cho người lao động xin nghỉ việc hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Ngoài ra, nếu nghỉ ốm đau thì phải theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH): thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần được quy định như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Theo đó, Luật Lao động không quy định thời gian tối đa được nghỉ không hưởng lương của người lao động nên việc vợ bạn có được nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian ba tháng phụ thuộc vào sự thỏa thuận với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu vợ bạn thuộc trường hợp ốm đau thì có thể xin nghỉ hưởng chế độ ốm đau theo Luật BHXH.

LS  Lê Nguyễn Thuyền Quyên (Đoàn LS TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI