Cơ quan quản lý “hụt hơi” với ca nô, tàu cánh ngầm

04/08/2013 - 23:27

PNO - PN - Vụ chìm ca nô tại vùng biển Cần Giờ tối 2/8 làm chín người chết và mất tích không phải là tai nạn đầu tiên do tàu cao tốc gây ra trên vùng biển TP.HCM và các tỉnh lân cận. Thế nhưng, thực tế việc quản lý phương tiện này...

Co quan quan ly “hut hoi” voi ca no, tau canh ngam

 Bất an từ tàu cánh ngầm đến dịch vụ cho thuê ca nô

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, hiện toàn TP có 38 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng tàu cánh ngầm. Theo quy định, tất cả các phương tiện đều phải đăng kiểm định kỳ; trước khi xuất bến phải có giấy phép của cảng vụ đường thủy nội địa. Tuy nhiên, những phương tiện này vẫn không ngừng gây ra sự cố “đứng tim” cho hành khách.

Cách nay khoảng 10 ngày, tàu cánh ngầm Greenlines 9 thuộc Công ty (CT) cổ phần Dòng Sông Xanh chở gần trăm hành khách khi lưu thông đến khu vực sông Lòng Tàu (TP.HCM) bất ngờ “chết đứng” giữa sông. Sau đó, tàu tiếp tục va vào cọc tiêu, nước tràn vào. Sự cố khiến hành khách trên tàu bị “giam” hơn một giờ đồng hồ. Đến khi lực lượng cứu hộ có mặt, hành khách mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Đây không phải là sự cố đầu tiên đối với hãng tàu này.

Trước đó không lâu, trên đường đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu, khi đến vùng biển Vũng Tàu, một tàu cánh ngầm của hãng này đã bị sóng đánh vỡ kính. Nước biển tràn vào khiến hàng chục hành khách hốt hoảng. Kinh hoàng hơn, cuối năm 2009, một tàu cánh ngầm của hãng này khởi hành từ TP.HCM đi Vũng Tàu, khi đến khu vực cầu Phú Mỹ (Q.7) thì bất ngờ đâm vào tàu của hãng Petro Express. Tai nạn khiến tám hành khách bị thương.

Hiện nay, không chỉ có tàu cánh ngầm, các dịch vụ cho thuê ca nô đang nở rộ nhiều nơi, từ các CT du lịch đến các dịch vụ tư nhân tự phát. Chỉ cần bỏ ra từ 1,6-3 triệu đồng/giờ là hành khách có thể vi vu trên các ca nô tham quan sông nước. Trong vai hành khách, chúng tôi đến liên hệ CT du lịch A.L. thuê ca nô đi từ bến Bạch Đằng đến Củ Chi. Theo nhân viên của CT, ca nô có sức chở tối đa 12 người (bao gồm cả người lái), giá 2,3 triệu đồng/giờ. Khách muốn thuê bao nhiêu chiếc cũng có. Chúng tôi tỏ ý muốn “nhét” 14 người, nhân viên CT đề nghị trả thêm một triệu đồng.

Trong khi đó, đối với các dịch vụ cho thuê ca nô không chuyên thì giá cao hơn, khoảng từ 2,5-3 triệu đồng, nhưng nếu khách hàng biết lái, chủ phương tiện sẵn sàng giao ca nô cho khách. Anh T. (ở Q.Bình Thạnh) cho biết, đây là phương tiện gia đình anh mua để sử dụng, nay cho thuê kiếm thêm thu nhập. Ca nô có sức chứa tối đa 12 người, giá 2,7 triệu đồng/giờ. Nếu chủ phương tiện lái thì không ký hợp đồng, nhưng nếu khách hàng tự lái thì hai bên sẽ ký kết hợp đồng ràng buộc một số điều khoản.

Co quan quan ly “hut hoi” voi ca no, tau canh ngam

Những phương tiện như tàu cánh ngầm, ca nô không ngừng gây ra sự cố, tai nạn cho hành khách

Quy định vừa yếu, vừa thiếu

Ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu thừa nhận, thời gian qua, tình trạng xảy ra sự cố, va chạm trên biển của các tàu cánh ngầm quá nhiều cho thấy an toàn giao thông đường thủy đang trong tình trạng báo động. Trong khi đó, các tàu cánh ngầm chở khách đi lại giữa TP.HCM và Vũng Tàu hiện nay đều không được trang bị ra-đa nên người lái phải quan sát bằng mắt thường. Vì vậy, nếu phương tiện xuất bến vào buổi tối, lại gặp thời tiết xấu, sóng lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Thượng tá Nguyễn Long Bào - Đồn trưởng Đồn biên phòng Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) cho biết: “Mỗi khi xảy ra tai nạn, việc xác định vị trí của phương tiện gặp nạn trên biển gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là vụ chìm ca nô trên vùng biển Cần Giờ. Chúng tôi đã huy động 70 cán bộ, chiến sĩ lên sáu tàu cứu hộ ngụp lặn giữa biển nhiều giờ mới có thể tìm được. Tất cả nhờ vào kinh nghiệm và quan sát qua ống nhòm trong cự ly năm hải lý (khoảng 9km), do phương tiện gặp nạn không thể phát tín hiệu”.

Theo ông Cao Kim Phụng - nguyên Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, hiện nay phương tiện đường thủy nội địa phát triển rất mạnh so với những năm trước đây. Trong khi các phương tiện trang bị còn thô sơ, thiếu các thiết bị hỗ trợ hành trình như máy đo độ sâu, hải bàn, ra-đa, thiết bị định vị. Vì vậy, cần có quy định từng loại phương tiện cụ thể, chở người hay chở hàng để bắt buộc trang bị cho phù hợp.

Đề cập vấn đề đăng kiểm, ông Nguyễn Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa TP.HCM nhận định, ý thức đăng kiểm của các chủ phương tiện hiện nay quá thấp. Hiện trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận chỉ khoảng 70-80 lượt phương tiện đến đăng kiểm nhưng trong đó chỉ khoảng 40% số phương tiện quay lại khi hết hạn đăng kiểm. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định niên hạn sử dụng đối với tàu cánh ngầm, ca nô, dẫn đến nhiều phương tiện cũ kỹ vẫn hoạt động.

Một đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, vừa qua, Sở đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện tàu cao tốc cánh ngầm khi khai thác vận tải hành khách. Đồng thời chấp thuận chủ trương không phát triển thêm về số lượng tàu cao tốc cánh ngầm có tuổi thọ trên 10 năm. Hạn chế đưa tàu có một động cơ vào hoạt động, vì rất nguy hiểm nếu động cơ “chết” giữa hành trình.

 PHAN TRÍ - QUỐC QUANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI