“Có ai giàu mà đi làm công nhân vệ sinh đâu?”

22/04/2016 - 15:50

PNO - Tai nạn thảm khốc cuốn phăng hết thảy, lời hẹn “cưới vợ”, giấc mơ “xây cho mẹ cái nhà”, hơn hết là điểm tựa sau cùng của người đàn bà cơ cực.

Dẫu vì tình, nhưng cái trớ trêu của phận người “áo rách” trong tai nạn ở hầm Thủ Thiêm đêm 19/4 như lại vang lên thống thiết trong câu nói buông thõng giữa phòng bệnh của chị Lâm Thị Sanh, vợ nạn nhân Trần Văn Hùng: “có ai giàu mà đi làm công nhân vệ sinh đâu?”.

Cái đêm “lật đật xoay tiền, rồi lao đi”

Nằm trên giường bệnh với nhiều vết thương ở mặt, ở cổ, Lê Minh Tiến (SN 1991) cười nhẹ , trấn an chị dâu: “Thôi không sao đâu, có công ty lo giùm viện phí rồi, chị rầu làm gì!”. Chị Huỳnh Thị Cẩm Yên - chị dâu Tiến mếu máo: “Cứ tưởng tượng cảnh nó có mệnh hệ gì mà tui run sợ quá”.

Là con út trong gia đình có hai anh em, ba mẹ sớm bệnh tật, mất sức lao động, từ ngày anh trai Lê Minh Tuấn lập gia đình, Tiến trở thành trụ cột. Căn nhà được xây trên mảnh đất ruộng (P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là nơi cư trú của đại gia đình, xung quanh trũng nước. Cách đây hai năm, mỗi ngày, gia đình anh vẫn phải gửi xe cách cả cây số rồi… lội nước về nhà. Mỗi tháng vài con nước, lúc cạn lúc sâu, nhưng việc Tiến “lội nước tới bụng” để về nhà mỗi chiều là chuyện thường. Chỉ học tới lớp 4, Tiến “ra trường” phụ mẹ bắt cá, trồng rau. Cá bữa có bữa không, rau cũng khó trồng vì nắng nóng, nước nhiễm phèn.

Gần một giờ sáng ngày 20/4, sau cuộc gọi nức nở của chồng, chị Yên vội vã chở mẹ chồng phóng ra đường, bỏ lại tiếng ú ớ trong cơn lên huyết áp của ông Lê Minh Phước (ba Tiến). Đến bệnh viện, vừa thấy Tiến nằm trong phòng cấp cứu, máu me khắp mặt, chị Yên thêm bàng hoàng khi một nhân viên y tế đưa hóa đơn hai triệu đồng, giục: “Đi đóng liền rồi nhập viện!”.

Tiến bị nặng nhất trong bốn đồng nghiệp sống sót, nhưng ba mẹ con lục sạch túi cũng chỉ được phân nửa số tiền cần đóng để nhập viện. Mẹ chồng nàng dâu ôm nhau khóc nức nở. Gọi điện cùng khắp cũng không xoay đủ tiền, lại gặp lúc đêm hôm, ba mẹ con bà Tám phải ngồi chờ trong bất lực, cho đến khi đại diện Công ty CP kỹ thuật Đông Phương đến, Tiến mới có tiền để được nhập viện.

“Co ai giau ma di lam cong nhan ve sinh dau?”
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn - Ảnh: Báo Công lý

Tự nhận mình “khá hơn” Tiến, nhưng trò chuyện nửa chừng, anh Châu Ngọc Hạnh (SN 1986) cũng không giấu được nước mắt khi nghe nhắc đến hai đứa cháu mỗi tháng vẫn chờ cậu cho tiền đóng học phí. Sống cùng người mẹ 68 tuổi, mắc đủ chứng bệnh, lại phải lo cho hai đứa con của người chị bại liệt, chỉ học đến lớp 9, anh Hạnh đã phải nghỉ ngang để kiếm sống.

Quanh năm làm ca đêm, xong việc về nhà, anh lại bao phen mất ngủ khi cứ dăm hôm lại chứng kiến mẹ mình không thể đứng lên được vì bệnh khớp quá nặng. Nghe kể bệnh mình, bà Ngô Thị Vi cười xòa: “Hổm rày tui… mất hết bịnh, nghe nó vô viện, tui lật đật xoay tiền rồi chạy vô chăm nó”. Cái đêm “lật đật xoay tiền rồi chạy đi” ấy cũng ám ảnh chị Lâm Thị Sanh, khi lòng như lửa đốt vẫn phải chạy sang đập cửa các em, chỉ để mượn tiền.

"Tui còn ai đâu?"

Đêm ấy, nghe tin con bị tai nạn, bà Nguyễn Thị Cẩm Hậu (SN 1960, mẹ nạn nhân Phạm Thanh Phong) vội vàng cùng đứa cháu lao đi theo lời chỉ dẫn của người báo tin. Vừa đến cầu Cá Trê, đồng nghiệp của Phong gọi lại, báo: “Phong mất rồi!”. Cuộc gọi chưa dứt, bà Hậu đã buông thõng điện thoại, úp mặt vào lưng người cháu, gào khóc giữa đường đêm. 35 năm trôi qua, cơn đau xưa cũ ập đến với bà, lần này đớn đau gấp bội.

Lần sinh Phong, bà bất lực nhìn người chồng quay lưng, tìm hạnh phúc mới. Hơn 30 năm hai mẹ con phải sống nhờ nhà ngoại, bởi lương công nhân của bà Hậu không đủ trả tiền thuê trọ. Ngày Phong vào làm đêm ở Công ty CP kỹ thuật Đông Phương, thấy đoạn đường từ Nhà Bè xuống hầm Thủ Thiêm quá xa, lo con bị tai nạn giao thông, bà Hậu chuyển xuống Thanh Đa, ở nhờ nhà người em gái.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI