Có 6 anh chị em, vẫn là con 'duy nhất'!

05/06/2014 - 07:10

PNO - PN - Dù trong gia đình có đến sáu anh chị em nhưng một người vẫn được phòng công chứng chứng nhận là con "duy nhất" để chiếm hữu di sản thừa kế.

edf40wrjww2tblPage:Content

Co 6 anh chi em, van la con 'duy nhat'!

Bà Nguyễn Thị Thơi được các con gái đưa đi nghỉ dưỡng liên tục suốt từ tháng 3 đến tháng 5/2014, vậy ai đã ký văn bản ở VPCC thay bà?

LÒNG THAM

Ngày 26/5, bà Trần Thị Bích Hợp, Việt kiều Đức, đã đến Báo Phụ Nữ nhờ giúp đỡ. Bà Hợp trình bày: “Gia đình tôi có sáu anh chị em, gồm chị Thất, chị Đật, anh Lậc, chị Chất (chị), chị Chất (em) và tôi. Năm anh chị đều ở tại P.Phước Bình, Q.9, riêng tôi định cư ở Đức. Ba mẹ tôi có nhiều đất đai, đã chia cho các con, chỉ còn lại mảnh đất và căn nhà số 93/1/8/5, khu phố Bến Cát, P.Phước Bình, Q.9 do ba mẹ tôi là ông Trần Văn Xòn và bà Nguyễn Thị Thơi cùng đứng tên sở hữu.

Năm 2005, ba tôi qua đời, không để lại di chúc. Sau đó, các anh chị em đều hợp thức hóa giấy tờ, đứng tên chủ quyền phần tài sản được cho của mình. Năm 2000, khi tôi từ Đức về, căn nhà của ba mẹ cho tôi đã được chị Chất em làm sổ hồng, bít lối đi của tôi. Sau khi đại gia đình can thiệp, chị Chất em đã sang tên lại cho con mình, rồi cuối cùng tặng lại cho mẹ của chúng tôi là bà Nguyễn Thị Thơi, nay đã 97 tuổi. Thế nhưng, ngày 20/5/2014, gia đình chúng tôi tá hỏa khi nghe UBND P.Phước Bình, Q.9 thông báo chị Chất em đã đăng ký quyền sử dụng đất sau khi khai nhận là con duy nhất của ba mẹ chúng tôi để nhận di sản thừa kế”.

Theo các chứng từ do gia đình bà Hợp cung cấp, từ đầu tháng 4/2014, bà Chất em đã liên hệ với văn phòng công chứng Trung tâm (VPCCTT), 454 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TP.HCM để làm các thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Ngày 10/4/2014, VPCCTT đã gửi công văn số 84/CV-VPCCTT đề nghị UBND P. Phước Bình niêm yết thông báo di sản thừa kế trong thời gian 30 ngày, nêu rõ ông Trần Văn Xòn và bà Nguyễn Thị Thơi có một người con duy nhất là bà Trần Thị Chất (SN 1956). Dù việc niêm yết này là công khai, nhưng những anh chị em của bà Hợp đều không hề hay biết. Rất may ngày 5/5/2014, bà Bùi Thu Trân - Phó chủ tịch UBND P.Phước Bình tình cờ đọc được bản niêm yết có nội dung sai sự thật này và yêu cầu cán bộ tư pháp gỡ bỏ, làm công văn báo cáo với UBND Q.9 và VPCCTT.

Bà Hợp kể: “Khi gia đình tôi đến VPCCTT tìm hiểu thì mới biết, ngay trong thời gian niêm yết chưa hết hạn 30 ngày như văn bản gửi UBND P.Phước Bình thì ngày 28/4, nơi này đã ra bản công chứng xác nhận toàn bộ lời khai của chị Chất em, xác nhận luôn hợp đồng tặng cho quyền thừa kế di sản này của ba, mẹ tôi cho chị Chất em. Văn bản ký ngày 28/4, trong khi lúc đó mẹ tôi đang đi an dưỡng ở Long Hải, chữ ký ở đâu ra?”.

Ngày 27/5, làm việc với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Phạm Xuân Thọ - Trưởng VPCCTT khẳng định: “Văn phòng không làm gì sai, chỉ là văn bản thỏa thuận ghi theo lời khai của hai bên đương sự. Nếu gia đình phát hiện lời khai đó còn sót thì liên hệ văn phòng công chứng để khai bổ sung”. Khi được hỏi, phải chăng nếu gia đình khiếu kiện, văn bản thỏa thuận cùng hợp đồng tặng cho này sẽ không còn giá trị, ông Thọ cho biết: “Các văn bản vẫn còn giá trị. Trừ trường hợp cả hai bên đương sự có tên trong văn bản (ở đây là bà Thơi và bà Chất em) lên văn phòng xin hủy. Những người tự khai là con khác của bà Thơi lẫn công chứng viên đều không có quyền thay mặt bà Thơi để hủy văn bản (cho dù UBND P.Phước Bình đã có công văn ngăn chặn)”. Thế nhưng, cuối ngày hôm ấy, VPCCTT lại gọi điện và gửi email cho phóng viên thông báo đã hủy văn bản công chứng này vào ngày 21/5/2014 theo yêu cầu của bà Thơi và bà Chất em.

“KẼ HỞ” PHÁP LUẬT?

Bà Hợp, bà Chất chị, bà Đật, lẫn ông Lậc đều khẳng định, ngày 21/5, bà Thơi không hề ra khỏi nhà cũng như không hề có việc công chứng ngoài trụ sở, thì làm sao có thể làm thủ tục này? Khi bị bà Hợp vặn hỏi, công chứng viên Đoàn Thị Lan đã rối rít xin lỗi, cho là đã sai khi ký vào các văn bản không có mặt của bà cụ Thơi ở đó, và trấn an: “Không sao đâu, văn bản công chứng đó đã hủy rồi!”.

Không đồng tình với cách giải quyết của VPCCTT, ông Trần Văn Lậc nói: “Không thể nào hủy văn bản là xong. Các vị ấy đóng dấu mộc đỏ ban hành văn bản trước khi hết hạn niêm yết ở phường đã là gian dối. Sau khi bị phát giác, văn phòng còn yêu cầu chúng tôi lên khai và ký bổ sung vì những người đi trước đã khai sót. Thứ hai, không có mẹ tôi đi theo nhưng văn phòng này đã ra và hủy được văn bản này với đầy đủ chữ ký của mẹ tôi là sao? Nếu văn phòng công chứng nào cũng làm việc như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu gia đình khốn khổ như anh em tôi?”.

Theo luật sư Huỳnh Minh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM: “Việc làm của bà Chất em là vi phạm pháp luật. Bà đã không trung thực khi tự nhận mình là con duy nhất để hưởng thừa kế của cha. Theo quy định của pháp luật thì khai nhận di sản thừa kế cũng là một giao dịch dân sự và một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Khi ông Xòn chết (không có di chúc để lại) thì phần tài sản của ông sẽ là di sản thừa kế của vợ, con và cha mẹ ông (nếu còn sống), những người này được quyền hưởng di sản ngang bằng. Việc bà Chất em khai bỏ sót người thừa kế để hưởng di sản một mình là gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế khác.

Thứ hai, người tham gia giao dịch ở đây là bà Thơi, hoàn toàn không đến VPCC để ký kết các giao dịch khai nhận di sản thừa kế và tặng cho tài sản nên cần phải làm rõ chữ ký và điểm chỉ trong văn bản công chứng có phải của bà Thơi hay ai đó đã giả mạo. Trường hợp nếu đúng là chữ ký của bà thì cần kiểm tra xem việc công chứng ngoài trụ sở có đúng quy định chưa. Trường hợp nếu có người giả mạo chữ ký của bà Thơi thì lại có yếu tố hình sự, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những người có liên quan đến việc làm hồ sơ này. Cho dù các thủ tục công chứng có đúng pháp luật chăng nữa thì chỉ riêng việc bỏ sót người thừa kế đã là trái pháp luật và các giao dịch này là vô hiệu.

Hướng xử lý là hủy bỏ các giao dịch nói trên để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 12 Luật Công chứng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Để có thể kết luận công chứng viên có vi phạm pháp luật hay không thì phải qua các bước khiếu nại, xử lý vi phạm. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà công chứng viên bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI