Chuyện tình ở làng phong

24/12/2016 - 11:05

PNO - Những câu chuyện tình yêu vượt qua số phận đã biến ngôi làng đầy bệnh tật và đau đớn này trở thành nơi kết tinh của tình yêu, với sự xuất hiện của một thế hệ mới hoàn toàn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống.

Làng phong Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định) là nơi cư trú của gần 400 gia đình bệnh nhân phong đang được điều trị tại BV phong - da liễu trung ương Quy Hòa. Những câu chuyện tình yêu vượt qua số phận đã biến ngôi làng tưởng chừng như đầy bệnh tật và đau đớn này trở thành nơi kết tinh của tình yêu, với sự xuất hiện của một thế hệ mới hoàn toàn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống.

Tình yêu vượt qua tất cả

Làng phong Quy Hòa giờ đây đang là một điểm du lịch quen thuộc ở Bình Định, nơi du khách tìm đến để tận hưởng không khí trong lành, tham quan một quần thể kiến trúc độc đáo và đặc biệt là gặp gỡ chủ nhân của ngôi làng này để được nghe những câu chuyện tình đẹp.

Chuyen tinh o lang phong
Đường vào làng phong Quy Hòa

Sau một thời gian điều trị tại làng phong Quy Hòa, ông Trương Ngọc Bính (67 tuổi) và bà Lê Thị Sen (62 tuổi) quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Năm 1977, ông bà tình cờ cùng có mặt trên chuyến xe từ Huế vào Quy Hòa chữa bệnh. Phần vì nhớ nhà, phần vì bị xa lánh, ông bà đã trở thành hai người bạn tâm giao. Theo thời gian, tình bạn của họ chuyển thành tình yêu lúc nào chẳng hay. Lễ cưới của ông bà được các bác sĩ trong BV đứng ra tổ chức, khách tham dự là những bệnh nhân phong cùng cảnh ngộ.

“Hồi đó khi biết mình mắc bệnh, tôi vừa sợ vừa tủi vì người ngoài xa lánh đã đành, người nhà cũng e sợ. May sao tôi được một người mách nước là vào Quy Nhơn có nơi trị bệnh, nên khăn gói vào đây. Thật tình khi đi tôi cũng chẳng biết bệnh có chữa được không, nên cũng chẳng nghĩ gì nhiều. Vào đây thấy rất nhiều người bệnh tật như mình nên cũng đỡ lo. Cùng là bệnh nhân cả nên mọi người dễ gần gũi, chia sẻ. Hồi đó, người ta sợ bệnh phong lắm nên không người lạ nào dám vào trong này, chỉ có bác sĩ với người bệnh thôi. Những lần tâm sự giúp chúng tôi vơi nỗi nhớ nhà và bắt đầu phát triển các mối quan hệ…”, bà Sen nhớ lại.

“Là đồng hương nên tôi với bà ấy càng dễ bắt chuyện. Sau giờ cơm chúng tôi thường đi dạo quanh khuôn viên BV, trao đổi đủ chuyện, dần dần cảm mến nhau. Gọi là “ngày cưới” cho sang chứ thật ra đó chỉ là buổi làm chứng của bác sĩ và những người bệnh khác, BV sắm cho vài đĩa bánh ngọt đãi tiệc.

Cưới nhau đến nay đã hơn 30 năm, vợ chồng tôi sinh được một trai, một gái, đều khỏe mạnh và hiện đã có gia đình riêng, chúng tôi đã có cháu nộingoại rồi. Con dâu tôi cũng là con của một gia đình bệnh phong ở đây. Con cháu đều khỏe mạnh là niềm vui lớn nhất của gia đình tôi”, ông Bính hồ hởi.

Chuyen tinh o lang phong
Vợ chồng ông Bính, bà Sen và cô cháu gái Trương Ngọc Minh Thư trong ngôi nhà nhỏ ở làng phong chụp hình lưu niệm cùng một khách du lịch

Mối tình của Đinh Zích và K’sỏ H’veo cũng là một chuyện tình đẹp mà cư dân làng phong thường nhắc. Họ đến với nhau bằng một tình yêu chân thành, chàng trai Ba Na ấy cầu hôn chỉ bằng cặp nhẫn cưới giá… 4.000đ. Anh chị cùng quê Gia Lai, đều bị gia đình bỏ rơi khi biết họ mắc bệnh phong. Chị H’veo (30 tuổi, người dân tộc Giá Rai) là cư dân của làng phong đã gần 20 năm. Năm 11 tuổi chị được các xơ ở quê nhà đưa xuống làng phong Quy Hòa chữa bệnh. Duyên nợ của chị và anh Zích bắt đầu từ năm 2012, khi anh được đưa xuống đây điều trị.

“Lần đầu tiên thấy H’veo ở phòng bệnh là mình ưng cái bụng rồi, cứ lén nhìn mãi nhưng lúc đó người ta có để ý đến mình đâu. Mình ưng nên cứ lân la làm quen miết, mà lúc đầu người ta chỉ chịu làm bạn với mình thôi. Cuối cùng hai đứa cũng chính thức thành đôi bằng bữa tiệc ốc đồng tại nhà H’veo, sau bảy tháng yêu nhau. Ngày cưới mình cũng đi sắm nhẫn cầu hôn, nhưng tiền không có nên mua đại cặp nhẫn giả 4.000đ, rồi cầu hôn ngay trong khuôn viên BV. Người ta đồng ý là cưới luôn”, anh Zích kể.

Tương tự anh Zích, tình yêu đến với chị H’veo như thắp lên niềm hy vọng sống. Tình yêu đó đã kết tinh thành cậu con trai khỏe mạnh K’sor Quy Lơ, nay đã hơn hai tuổi. “Mình đến với Zích khi đã là bà mẹ một con. Con gái K’sor H’my là kết quả mối tình đầu. Khi biết mình bị bệnh, họ bỏ mẹ con mình mà đi. Lúc quyết định đến với Zích mình lo nhất là chuyện mình đã có con, nhưng qua từng ấy thời gian bên nhau, mình thấy Zích cũng yêu thương H’my như con ruột. Gia đình bốn người của mình thật sự rất hạnh phúc”, chị H’veo tâm sự.

Chị Huỳnh Thị Lan (SN 1963, quê Ninh Thuận) cũng bén duyên với một bệnh nhân khác khi đến nơi này. Chồng chị tuy mắc bệnh nhưng nhờ được điều trị sớm nên vẫn còn khả năng lao động. Anh chị đã có hai cậu con trai khỏe mạnh đang tuổi ăn, tuổi học. Ngoài khoản trợ cấp 170.000đ/tháng, chồng chị còn làm công nhân chăn nuôi ở khu du lịch sinh thái Gềnh Ráng.

Đổi thay ở làng phong

Buổi chiều, trên con đường đầy bông giấy dẫn vào làng phong, chúng tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng khóc cười của trẻ con, tiếng ê a đọc bài vang lên từ một căn phòng bên đường - lớp mẫu giáo của làng phong. Hơn 40 em nhỏ kháu khỉnh đang được cô giáo hướng dẫn tập đọc, đánh vần… Bọn trẻ đều là con cháu của những gia đình bệnh nhân phong ở đây.

Cô Hồ Thị Đăng Minh (40 tuổi), phụ trách lớp mẫu giáo nói: “Lớp được BV và Hội đồng bệnh nhân lập ra để tạo điều kiện cho trẻ em làng phong được học hành. Các gia đình ở đây không có khả năng đưa đón trẻ đi học ở Quy Nhơn, nên có một lớp mẫu giáo ngay tại làng là rất quý. Vì chưa được Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Quy Nhơn công nhận, nên lớp được duy trì từ hoạt động từ thiện của BV và các xơ ở giáo xứ Quy Hòa. Cô giáo đứng lớp hai buổi/ngày, hưởng lương hàng tháng”. Cô Minh thuộc thế hệ thứ hai ở đây, từng học sư phạm ngoại ngữ tại Đà Nẵng, rồi học thêm giáo dục mầm non để dạy cho các em nhỏ.

Chuyen tinh o lang phong
Lớp mẫu giáo ở làng phong

Làng phong Quy Hòa có 350 hộ gia đình với 1.000 nhân khẩu, trong đó có 435 bệnh nhân phong, còn lại là con, cháu của họ. Có nhiều gia đình đã sống ở làng phong đến thứ hệ thứ ba, thứ tư. Hạnh phúc nhất của họ là thế hệ sau không bị bệnh phong như ông bà, cha mẹ.

“Hiện làng đang có 26 em theo học đại học, 14 em học cao đẳng, trung cấp và gần 200 em học từ mẫu giáo đến phổ thông các cấp. So với 10 năm trước, nay người làng phong đã có thể hòa nhập với thế giới bên ngoài, qua cầu nối là việc các em nhỏ được đến trường. Cuộc sống ở làng phong giờ cũng đã đổi thay rất nhiều. Làng còn có xưởng may, cũng do một người bệnh lập ra để tạo việc làm cho con em trong làng. Từ khi làng có trường học, người bên ngoài vào đây cũng nhiều hơn trước, không chỉ là khách làm từ thiện mà còn có cả khách du lịch. Người dân trong làng cũng cởi mở hơn xưa. Trước đây không hề có chuyện con em làng phong có bạn ở ngoài nhưng giờ đó là chuyện bình thường. Những đứa trẻ ở đây ra Quy Nhơn học có bạn bè và đưa bạn vào làng chơi. Tuy nhiên, thực tế thì sự e ngại đối với người bệnh phong vẫn còn, nên những gia đình ở đây vẫn ngại ngùng khi chia sẻ về con cái. Ở làng phong cũng có nhiều gia đình con em thành đạt nhưng vì mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của con nên không muốn cho ai biết”, anh Trần Công Nghĩa, trưởng ban đón tiếp Hội đồng bệnh nhân phong nói.

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI