Chủ quan khiến dịch sởi bùng phát

12/02/2014 - 15:01

PNO - PNO - Bệnh sởi đang bùng phát mạnh mẽ trở lại sau 3 năm vắng bóng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân dịch sởi trở lại bất thường trên diện rộng, tại nhiều địa phương là do phụ huynh bỏ tiêm phòng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.

Chu quan khien dich soi bung phat
BS Trương Hữu Khanh

PV: Dịch Sởi đang bùng phát một cách bất thường, theo BS nguyên nhân xuất phát từ đâu?

BS Trương Hữu Khanh: Đây là dấu hiệu rất bất thường sau 3 năm chúng ta không có dịch. Tôi đã cảnh báo về nguy cơ và dấu hiệu dịch sởi quay trở lại với Viện Pasteur nhưng vẫn không thể ngăn chặn vì nhiều lý do. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do độ phủ của tiêm chủng không đồng đều và bao quát. Ngoài những yếu tố khách quan như sau khi em bé chích ngừa lúc 9 tháng tuổi (mũi đầu) phụ huynh bỏ qua rồi quên luôn. Quan niệm chích ngừa của phòng khám dịch vụ với chương trình tiêm chủng mở rộng không đồng nhất. Phòng khám dịch vụ thì người ta muốn chích ngừa cho trẻ từ 12-15 tháng, trong khi vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng chích cho trẻ thường là 9 tháng.

Bên cạnh đó, cách tham vấn chương trình tiêm chủng hiện nay vẫn chưa thật sự sát sao khi nhiều tham vấn viên (dịch vụ) kêu phụ huynh chờ trẻ đến 12-15 tháng chích luôn nên khi trẻ 4-5 tuổi (chích mũi 2) không ít phụ huynh sẽ quên. Trong khi với chương trình tiêm chủng mở rộng mũi một khi trẻ 9 tháng và mũi hai lúc trẻ 18 tháng, chính điều đó tạo cho khoảng cách miễn dịch và bảo vệ cho trẻ không thật sự hiệu quả, khiến phụ huynh băn khoăn không biết chọn lựa thế nào. Đặc biệt, hiện tượng bùng phát bệnh sởi hiện nay có nguyên nhân không nhỏ từ phía phụ huynh khi họ lo sợ những tai biến khi cho con đi tiêm chủng, khiến cho nguy cơ trẻ mắc bệnh càng cao.

Chu quan khien dich soi bung phat
BS Trương Hữu Khanh khám bệnh cho trẻ bị bệnh sởi  tại BV Nhi Đồng 1

Từ đầu năm đến giờ, BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận bao nhiêu ca trẻ bị bệnh sởi? Sau khi sinh trẻ đã được tiêm chủng ngừa (9 tháng), vậy tại sao vẫn bùng phát dịch?

- Từ giữa tháng 12 đến giờ, số ca mắc bệnh sởi nhập viện đều đều mỗi ngày khoảng 4-5 ca. Tuy nhiên, 2-3 ngày nay số ca bệnh sởi nhập viện tăng nhanh với trên 30 ca một ngày. Tính từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận và điều trị cho khoảng trên 200 ca bệnh sởi, trong đó 7 ca có diễn biến tương đối nặng (suy hô hấp, phải thở máy). Việc bùng phát dịch sởi do trẻ không được chủng ngừa vắc xin đầy đủ. Nếu phụ huynh tuân thủ việc chủng ngừa (2 mũi) một cách nghiêm túc, trẻ không thể mắc bệnh.

Việc bùng phát dịch sởi sẽ mang đến nguy cơ gì thưa BS? Biến chứng nặng của bệnh sẽ như thế nào?

- Việc bùng phát dịch sởi ngoài việc không chỉ gây ra gánh nặng cho cộng đồng, sức khỏe và sự xáo trộn trực tiếp cho từng gia đình có trẻ mắc bệnh, còn gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tiêm chủng và phòng chống bệnh của ngành y tế. Biến chứng nặng của bệnh sởi thì nhiều nhưng phổ biến nhất là hiện tượng suy hô hấp cấp và viêm não…vì ngoài việc để lại di chứng thì nguy cơ tử vong cho trẻ sẽ rất cao. Chưa kể đến hàng loạt các nguy cơ bệnh khác như lao phổi, khô giác mạc (có thể mù), suy dinh dưỡng…nếu trẻ có hệ thống miễn dịch yếu.

Hiện dịch sởi đang có dấu hiệu gia tăng, nhiều phụ huynh rất lo lắng nhưng lại ngại đưa trẻ đi chủng ngừa vì lo sợ có biến chứng. BS có lời khuyên gì cho phụ huynh?

- Việc tiêm chủng ngừa sởi nói riêng và các bệnh lý khác nói chung không chỉ đảm bảo sức khỏe cho trẻ mà còn hướng đến một thế hệ nòi giống tốt. Chính vì thế, phụ huynh không nên quá lo lắng khi cho trẻ đi tiêm chủng. Riêng với bệnh sởi, việc tiêm chủng là hoàn toàn yên tâm vì từ khi có chương trình tiêm chủng mở rộng đến nay, chưa hề có ca biến chứng nào nguy hiểm ở trẻ. Khi em bé có biểu hiện mắc bệnh sởi phụ huynh cần tránh để trẻ tiếp xúc với cộng đồng, đặc biệt với trẻ trên 9 tháng mà chưa chích ngừa sởi cần phải được chích ngay.

Chu quan khien dich soi bung phat
"Phụ huynh không nên lơ là việc tiêm ngừa bệnh nói chung, bệnh sởi nói riêng"

Xin BS cho biết biểu hiện đặc trưng của bệnh sởi và bệnh thường rơi vào trẻ ở độ tuổi nào?

- Thường khi trẻ sốt đơn thuần không kèm ho, sổ mũi thì không phải bệnh sởi. Bệnh sởi thường sốt và ho rất dữ, 3 ngày sau sẽ phát ban. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là trẻ sốt cao, bắt đầu từ khoảng 10 đến 12 ngày sau khi có phơi nhiễm với virus và kéo dài từ 4-7 ngày. Hiện tượng chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, đốm trắng nhỏ bên trong má có thể phát triển trong giai đoạn đầu. Trong khoảng ba ngày, ban lan toả, cuối cùng đến tay và bàn chân. Phát ban kéo dài 5-6 ngày và sau đó mất dần. Trung bình, phát ban xảy ra 14 ngày sau khi phơi nhiễm với virus (trong phạm vi từ 7 đến 18 ngày).

Bệnh Sởi làm cho hệ thống miễn dịch của trẻ suy giảm, khiến trẻ biếng ăn nên khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần sớm đưa đến cơ sở y tế để được điều trị nhằm tránh những biến chứng. Độ tuổi trẻ dễ mắc bệnh sởi nhất là từ 9 tháng đến 15 tháng tuổi.

BS có thể cho biết những biểu hiện của bệnh sởi có trùng lắp với biểu hiện của các bệnh lý khác không?Đây có phải là thời điểm của đỉnh dịch?

- Bệnh sởi có biểu hiện nóng sốt, kèm ho nên rất dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu cảm cúm thông thường. Khi thấy cơ thể có biểu hiện phát ban, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám ngay. Bệnh sởi thông thường, thời gian điều trị khoảng một tuần sẽ thuyên giảm nhưng với những trường hợp nặng thì người bệnh có thể gặp các biến chứng với biểu hiện sốt cao, viêm não.

Hiện nay, mới chỉ là khởi đầu của cao điểm dịch, 2 tuần tới khi thời tiết thật sự chuyển mùa các loại dịch bệnh do siêu virus tấn công cộng đồng như sởi, rubella, cúm, sốt siêu vi… sẽ vào cao điểm. Các bệnh này thường tấn công trẻ em do hệ miễn dịch của các em yếu. Đối với người lớn, vào thời điểm miễn dịch yếu cũng là dịp các bệnh này xuất hiện. Đáng chú ý, một khi người lớn bị dịch bệnh xâm nhập thì thường diễn tiến nặng, thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em.

Phụ huynh cần làm gì để phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất cho trẻ?

- Không cách phòng ngừa nào hiệu quả bằng vắc xin. Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng độ tuổi, đúng chỉ dẫn. Nếu chỉ vì sợ mà phụ huynh không cho tiêm ngừa cho trẻ trong đợt dịch này thì đợt dịch sau cũng sẽ khó tránh khỏi.

Riêng với trẻ ở vùng dịch cần cách ly người bệnh ở phòng riêng. Không cho bệnh nhân tiếp xúc với thai phụ chưa có miễn dịch. Trẻ em mắc bệnh không được đến trường và người lớn không được đến các nơi làm việc trong vòng bảy ngày sau khi mắc bệnh. Đặc biệt, cần hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sát khuẩn mũi, họng hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường như nước muối. Cần thực hiện vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng.

Xin cảm ơn BS!


TIẾN NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI