Chồng ăn lá ngón vì vợ đi thi học sinh giỏi

02/05/2013 - 14:33

PNO - PN - Thông minh, xinh đẹp, học giỏi, chăm làm, khỏe mạnh, được nhiều người yêu mến… nhưng đối với Vàng Thị Chía, đó lại là những điều không may. Chía sinh ra ở tít đỉnh núi thượng nguồn sông Mã, nơi ba bề, bốn bên là núi non...

Chong an la ngon vi vo di thi hoc sinh gioi

Sau cái chết của chồng, Vàng Thị Chía (15 tuổi) lại tiếp tục về làm vợ của cậu em chồng vừa tròn 14 tuổi

Sự giản đơn đến mông muội

Từ trung tâm thành phố Điện Biên, phải mất hơn 100km men theo sườn núi nữa mới đến được bản Phì Nhừ A, thuộc xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Bản nằm chơ vơ trên lưng núi, thưa thớt vài nóc nhà của người dân tộc thiểu số. Nhà Chía chỉ cách nhà chồng một con dốc nhỏ. Nhưng từ khi Chía bị kéo về làm vợ, con dốc đó bỗng trở nên xa lạ. Chía không thể bước chân về nhà mình, hàng đêm nhớ mẹ cha, nhớ các em chỉ biết khóc. Thầy Nguyễn Xuân Thuận, Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Điện Biên Đông nói với tôi: “Chía là một học sinh hiếm hoi trong số hàng trăm học sinh của huyện nghèo này đã lọt qua vòng thi học sinh giỏi cấp huyện. Ngày em có tên trong danh sách đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chúng tôi mừng lắm". Xã Phình Giàng nghèo nhất nhì huyện, tình trạng lạc hậu cũng đứng đầu các xã, nên việc có học sinh giỏi như Chía quả là điều không tưởng. Lãnh đạo tỉnh, huyện, chỉ thị xuống tận địa phương, yêu cầu giáo viên chuyên trách phụ đạo riêng cho Chía và các bạn học sinh giỏi của huyện, theo một chương trình riêng, đợi đến ngày đưa các bạn ấy ra tỉnh thi tài.

Trước hôm thi, mọi người có mặt đông đủ ở huyện. Có một chuyến xe riêng sẽ đưa các em ra tỉnh, nhưng còn thiếu mỗi Chía. Liên lạc với cô giáo chủ nhiệm, cô bảo: “Cứ đợi thêm, Chía đã hẹn đến thì nhất định sẽ đến”. Đợi mãi, vẫn không thấy Chía ra huyện như lời hẹn, thầy cô lặn lội xuống tận bản thì mới hay nhà Chía có đám ma. Người chết lại chính là chồng của Chía. Ai cũng ngỡ ngàng. Hóa ra Chía đã có chồng từ lúc nào! Thật đau lòng, hôm các thầy ở huyện ngóng Chía đến đỏ con mắt, thì ở Phì Nhừ A, chồng Chía lẳng lặng lên rừng, ăn lá ngón để tự tử. Anh ta muốn vợ ở nhà đi nương với mình, không được đi học nữa. Tại Chía cứ khóc lóc, van xin chồng đưa ra huyện để được lên tỉnh thi học sinh giỏi một lần duy nhất trong đời. Nhiều năm dạy học ở xứ sở nghèo nàn này, thầy Thuận đã chứng kiến biết bao nhiêu sự “ra đi” của học trò vì lá ngón. Cái chết nào cũng có nguyên nhân. Nói ra thì đau lòng, bởi không ít nguyên nhân liên quan đến nhà trường. Thỉnh thoảng ở Điện Biên Đông lại xảy ra một vụ học sinh tự tử bằng lá ngón vì các trò hục hặc với bạn cùng lớp, vì điểm kém, hay vì bố mẹ kiên quyết không cho mua điện thoại di động. Thi thoảng có em tìm đến lá ngón mà chẳng ai biết vì sao...

Chúng tôi đến đầu bản Phì Nhừ A, hỏi một già làng chăn bò trên núi về nơi ở của Chía, già làng bảo: “Chía đi nương cùng chồng mới rồi, vừa qua đây, khách có đến nhà tìm cũng không gặp nó đâu”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Chúng con tìm nhà Chía có chồng mới ăn lá ngón chết cách đây bốn ngày cơ già ạ”! Già đáp: “Đúng nó rồi, con bé đang học lớp 9 Trường THCS Phình Giàng chứ gì? Xinh và ngoan như Chía thì ai mà không biết. Nhưng đẹp để mà làm gì, đẹp rồi làm chết lũ con trai nhà đó mất thôi”. Câu nói đầy ẩn ý của già làng khiến chúng tôi hoài nghi. Có điều gì đó nhầm lẫn chăng? Tôi hy vọng thế.

Chong an la ngon vi vo di thi hoc sinh gioi

Sơn nữ Vàng Thị Chía

Mẹ chồng của Chía tên Sùng Thị Máy, mời chúng tôi ngồi trên những thân cây gỗ mục ở đầu hè. Trong nhà tối như hũ nút. Ở Phì Nhừ A, rất nhiều người không có tiền mua điện thắp sáng. Bà Máy sai thằng con út học lớp 6 chạy lên nương gọi Chía về có khách. Gương mặt Máy không có vẻ gì của sự đau khổ mất con. Tôi hỏi: “Thấy có người nói Chía lại lấy chồng mới rồi”. Bà Máy bảo: “Họ nói đúng đấy mà. Chồng của Chía là Thào A Say hái lá ngón ăn, mới chết mấy hôm rồi”. Tôi hỏi: “Mà sao Chía lại lấy chồng vội thế ạ?”. Bà Máy bảo: “Nó lại lấy thằng con thứ hai nhà tôi, kém Say hai tuổi, ít hơn Chía một tuổi, nghĩa là năm nay nó 14 tuổi, lấy vợ được rồi. Nhà tôi dự định sẽ làm đám cưới trong tháng sau cho hai chúng nó ngay, nhưng Chía đang đòi đi học nữa đấy”.

Lúc ấy, ông Thào Sông Pó, chồng của bà Máy nói chen vào: “Tao và thằng Say để ý Chía lâu rồi, nhất định không để mất nó. Qua mấy mùa xuân, thằng Say mới cướp được Chía về làm vợ đấy. Say đang đi học trường Trần Can ngoài thị trấn huyện, tao cũng bắt nó nghỉ để ở nhà canh Chía, đợi đến tết người Mông tổ chức đi kéo Chía về. Theo phong tục của bản Phì Nhừ, khi Say đã cướp được Chía đưa về nhà thì Chía trở thành con của nhà Say rồi. Chúng nó đã ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với nhau rồi, thằng con tôi chắc là yêu vợ lắm, nó không muốn vợ đi học nữa đâu”. Trong suy nghĩ của vợ chồng ông Pó, cái chết của Say là đáng tiếc, nhưng họ cho rằng nguyên nhân không phải vì Chía, cũng chẳng phải tại Say mà là tại con ma trong xó nhà ông Pó.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Vì sao ông kết luận con ma có lỗi trong cái chết của Say?”, ông Pó bảo: “Tao và Say đều nhìn thấy ma, nhưng tao tiếc tiền, muốn để dành lợn, gà làm đám cưới cho Say rồi cúng ma luôn một thể, không ngờ thằng Say đã bị con ma đó bắt đi. Con ma đòi tao phải làm lễ cúng riêng cho nó một con lợn to cơ đấy”. Tôi hỏi vợ chồng ông Pó: “Chía muốn đi học tiếp cũng là việc làm đúng, sao ông bà lại không thích?”. Ông Pó bảo: “Ừ đúng đấy, nhưng phong tục nó thế thì biết làm sao? Chía là do Say “cướp” được về làm vợ đàng hoàng rồi. Chuyện cả bản đã biết rồi, nó đi học tiếp cũng chẳng để làm gì. Nhà tao đứa nào cũng học hết cấp II là phải về đi nương, phát rẫy”.

Hằng trăm vụ tự tử mỗi năm

Chía từ nương trở về, nhìn thấy cô giáo Nga (người phụ trách ôn luyện học sinh giỏi cho Chía) là rơm rớm nước mắt. Chía đang ở tuổi trăng tròn, gương mặt ngời lên sự thông minh, lanh lẹ, nhưng ánh mắt thì đượm nỗi ưu tư. Trước mặt bố mẹ chồng, Chía đã cố gắng lắm để không buột ra trong thẳm sâu lòng mình là chỉ muốn đi học tiếp. Nghe cô giáo Nga hỏi: “Con muốn đi học nữa phải không?”. Chía gật đầu lia lịa và bật khóc: “Nhưng con đã làm vợ người ta rồi, chồng con chết mới được mấy hôm mà gia đình lại bàn đám cưới cho con với đứa em chồng chưa đầy 15 tuổi, con chẳng biết phải làm sao”. Cô giáo Nga hứa với Chía sẽ can thiệp với chính quyền địa phương để vận động gia đình ông Pó cho Chía đi học tiếp. Nhưng, từ lúc nói đến chuyện học hành, Chía chỉ dám lén nhìn sắc mặt của bố mẹ chồng. Hỏi Chía có biết thế nào là làm vợ, làm mẹ không mà đã vội lấy chồng? Chía đáp: “Làm vợ là phải ở nhà làm việc nhà, đi nương, làm rẫy chăm chỉ. Làm mẹ thì phải địu con lên nương cùng. Chía chưa muốn lấy chồng, chỉ muốn đi học tiếp thôi. Nhưng giờ phải làm vợ người ta rồi, không được mơ làm cô giáo nữa”. Câu trả lời của Chía nghe mà thương.

Chong an la ngon vi vo di thi hoc sinh gioi

Ông Thào Sông Pó và bà Sùng Thị Máy - cha mẹ chồng của Vàng Thị Chía

Có lẽ, chẳng ai cứu được Chía nếu không đem cô rời khỏi Phì Nhừ, đến một nơi nào khác. Người có tiếng nói quan trọng nhất là trưởng bản Thào Phá Sỉnh còn phải chịu nữa là. Ông Sỉnh bảo: “Hầu như tất cả những cô gái đã bị cướp về theo phong tục tập quán của người Mông, không thể làm thế nào khác được. Họ phải trở thành vợ người ta mà không cần có bất cứ một ai ngoài hai bên gia đình đồng ý. Nhà ai cũng thế, cả bản này bao đời nay đều sống như thế, trẻ con lấy vợ, lấy chồng từ thuở còn thơ. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, phổ biến rất nhiều nhưng người dân cứ sống theo cách của họ, xét cho cùng thì họ chẳng làm ảnh hưởng đến ai. Thỉnh thoảng có người chết vì lá ngón bởi người ta coi cái chết nhẹ nhàng lắm. Chết là được lên thiên đàng, nên hễ cứ gặp chuyện buồn tình, thất vọng... là người ta tìm đến cái chết”.

Nhưng, trẻ con cũng tìm đến lá ngón để chết thì thật khủng khiếp. Ngày 14/4 vừa qua, bé Sùng Thị Chong, học sinh lớp 4 A2 Trường tiểu học Háng Lia, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông vừa chết vì ăn lá ngón, khiến cả trường hoảng hốt. Mãi đến cả tuần sau cũng chẳng ai trả lời được vì sao bé Chong lại chết. Người anh trai đang học lớp 6 của Chong kể: “Hai anh em cháu đi bộ 16km từ bản đến trường rất vui vẻ. Em Chong chẳng nói gì đến chuyện buồn, cháu thấy em Chong vừa đi vừa hát và bứt lá rừng chơi. Cháu không biết em Chong ăn lá ngón lúc nào”. Theo báo cáo của nhà trường thì em Chong đến lớp trong tình trạng mệt mỏi, tưởng em đói lả nên cô giáo đưa xuống phòng y tế nằm nghỉ, đợi y tá nấu mì tôm cho ăn. Vừa nằm xuống giường thì Chong sùi bọt mép trắng xóa và mất. Nhà trường thấy trong cặp của Chong vẫn còn lại dăm chiếc lá ngón.

Riêng ba tháng đầu năm 2013, toàn huyện Điện Biên Đông đã có 22 ca tự tử bằng lá ngón được đưa đến Trung tâm y tế huyện để cứu chữa, trong đó có sáu người đã tử vong. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông cho biết, những nạn nhân ăn phải lá ngón nếu phát hiện sớm trong ba-năm phút, có thể sơ cứu bằng cách cho họ nôn ra lá ngón, sau đó đưa đến bệnh viện để rửa ruột là cứu được. Điều đáng nói là nhiều nạn nhân tìm đến cái chết vì những nguyên nhân rất đơn giản như buồn vì bị bạn nặng lời, bị bố mẹ la mắng, cãi nhau với chồng, thậm chí có người phụ nữ sau khi thoát chết đã nói với bác sĩ: “Tao muốn chết vì không được nhìn thấy thằng Ju-Mông nữa”. Hóa ra chị này thích nhân vật chính trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc chiếu trên truyền hình là Truyền thuyết Ju-Mông. Chị ta yêu nhân vật này đến mức tìm lá ngón tự kết liễu đời mình sau khi bộ phim kết thúc.

Có lẽ không một địa phương nào có số người tự tử vì lá ngón nhiều như Điện Biên Đông. Mỗi năm có đến hàng trăm ca tự tử bằng lá ngón được phát hiện, cứu sống. Cá biệt có những trường hợp tìm đến lá ngón tự kết liễu đời mình và được cứu sống không dưới hai lần. Chiến dịch tuyên truyền chống lại lá ngón đã được ưu tiên đưa vào chương trình đào tạo của nhà trường nhưng để giảm được tình trạng trên quả là rất khó khăn…

 Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI