Cho con đi du học: Tiền mất, gánh thêm nhiều hệ lụy

18/05/2016 - 09:59

PNO - Chỉ sau bốn tuần sang Mỹ du học, Nhật Nam (H.Nhà Bè, TP. HCM) bị đuổi học vì lỗi ứng xử.

Hậu quả của chuyến du học bất thành là dang dở mất một năm học và ngốn sạch gần 20.000 USD. Hệ lụy vẫn chưa dừng lại, nửa năm sau khi về nước, Nam bất ngờ nhận được giấy thông báo đòi “nợ” gần 11.000 USD cho chi phí an ninh và bệnh viện ở Mỹ.

Trầm cảm, khó hòa nhập

Phụ huynh của Nhật Nam cho biết, sau khi học xong lớp 9 trong nước, với kết quả học tập và hạnh kiểm chỉ ở mức trung bình, Nam không học tiếp lên bậc THPT mà chuyển sang học nghề tại Singapore. Tại đây, Nam học tiếng Anh và thêm 2,5 tháng chương trình dự bị (Foundation) để đủ điều kiện vào học chương trình nghề tại trường. Trong quá trình theo học, Nam thấy không phù hợp và muốn quay lại THPT để thi vào đại học ngành luật. Gia đình tìm đến Công ty TNHH Con đường Giáo dục (Edupath) để tìm hiểu và đăng ký cho con du học bậc THPT tại Mỹ.

“Chúng tôi được tư vấn du học theo chương trình giao lưu văn hóa với chi phí rẻ hơn chừng 4.000 USD, nhưng quan trọng là phía công ty tư vấn một số ưu điểm như du học sinh sẽ được ở nhà dân để mau chóng hòa nhập văn hóa, tập tính tự lập và coi đây là bước đệm xem sự thích nghi của người học với chương trình học và cuộc sống tại Mỹ… Tôi thấy tư vấn này hợp lý nên ký hợp đồng cho con tham gia khóa học chí n tháng với chi phí 10.300 USD. Khi ký hợp đồng, tôi chưa biết con mình sẽ ở bang nào và học trường nào. Sai lầm lớn của tôi là đã tin tưởng cho đứa con gái mới 16 tuổi du học khi chưa nắm rõ thông tin và hậu quả thật cay đắng”, chị Thu An, mẹ Nhật Nam chia sẻ.

Cho con di du hoc: Tien mat, ganh them nhieu he luy
Cho con đi du học theo chương trình giao lưu văn hóa, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ những quy định của chương trình để tránh mất tiền và những hệ lụy

Tháng 9/2015, Nhật Nam sang Mỹ học tại Trường Tippecanoe Valley High School (thuộc Akron, bang Indiana). Nhưng chỉ bốn tuần, gia đình nhận được điện thoại thông báo từ Công ty Edupath cho biết Nhật Nam bị đuổi học và hiện ở bệnh viện điều trị do vấn đề tâm lý và yêu cầu gia đình lập tức sang Mỹ để đón Nam về. “Thật bất ngờ khi sang Mỹ, Nhật Nam được xếp học lớp 12, trong khi cháu chỉ mới học hết lớp 9 và học lực cũng không thuộc dạng giỏi. Nhật Nam có điện thoại về cho biết không theo kịp chương trình và xin ban giám hiệu chuyển lớp nhưng chưa được đồng ý. Trong quá trình học, Nhật Nam bị nhắc nhở về các lỗi cư xử chưa phù hợp như sử dụng điện thoại, giỡn với bạn và giáo viên chưa đúng cách…

“Điều tôi không thể tin được là cách giải quyết vấn đề thiếu nhân văn với một học sinh mới 16 tuổi. Thời gian quá ngắn, đây là giai đoạn để các cháu tìm hiểu và thích nghi dần với cách học và văn hóa bản xứ thì đã bị đuổi học vì lỗi hành xử. Chưa kể, một đứa trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành bị đuổi học nhưng gia đình lại không được thông báo trước để có bước chuẩn bị tâm lý cho con. Trường trực tiếp đến tìm bé tại nhà người bản xứ thông báo đột ngột khiến bé bị sốc, suýt có hành động nông nổi. Thế là, cảnh sát đến để đưa con đi bệnh viện. Gia đình tôi phải sang đón con về Việt Nam, ngày trở về và suốt một thời gian dài bé gần như bị trầm cảm, cháu lo lắng vì làm đau lòng cha mẹ. Phải mất một thời gian, gia đình tôi mới động viên cháu hòa nhập lại với trường học. Giờ bất ngờ nhận được giấy đòi nợ chi phí bệnh viện gần 11.000 USD cho một đơn vị du học mà tôi chưa từng làm việc hay ký hợp đồng gì với họ”, chị Thu An bức xúc.

Thiếu thông tin, người học lãnh đủ

Chị Thu An băn khoăn cho biết, hầu hết các điều khoản phụ mà công ty yêu cầu cam kết đều bất lợi cho phụ huynh. Điều hết sức vô lý là con chị được xếp học lớp 12. Công ty Edupath thì khẳng định, Nhật Nam đã hoàn thành chương trình Foundation nên được tính tương đương lớp 11 và được xếp học lớp như vậy.

Sau khi xảy ra sự cố, chị Thu An tìm đến Công ty TNHH Tri Thức Toàn Cầu - đại diện chính thức chương trình học bổng giao lưu văn hóa thì được tư vấn tận tình những hạn chế của chương trình du học theo con đường giao lưu văn hóa như: học sinh có thể bị xếp lớp tăng hoặc lùi lớp; không được chọn trường và thường sẽ đưa về các vùng nông thôn để sống… “Đến lúc này, tôi biết mình không được tư vấn đàng hoàng, và đã mạo hiểm cho con đi học như thế”, chị Thu An nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI