Chìa tay ra với mình

17/09/2014 - 11:27

PNO - PN - Người ta có thể chết vì nỗi buồn hay không? Có chứ, thậm chí có thể nhanh hơn chết vì bệnh tật. Như ở An Giang, trong nửa năm qua có tới 343 người tự tử. Hay người mẹ trẻ ở Việt Trì, đang mang thai cũng đành đoạn ôm con trai...

Chia tay ra voi minh

Đoạn sông nơi thai phụ M. ôm con 3 tuổi nhảy xuống tự vẫn.

Buồn đau có vẻ giống như một bí mật, bởi lý do của nó nếu không đáng thương thì thường cũng thảm hại. Có mấy ai trên đời muốn hé lộ những đáng thương hay thảm hại của mình? Tôi không biết những người đàn ông sẽ giải quyết các bi kịch thế nào, nhưng mỗi người phụ nữ thì luôn cần một cái hố sâu để tự chôn nỗi bất hạnh của chính mình.

Hình như với đàn bà, buồn đau là kẻ đồng hành độc ác mà họ bắt buộc phải gặp không chỉ một lần trong đời. Phần nhiều trong số những đàn bà yếu đuối ấy, lại thường nghĩ rằng sự im lặng của họ là tránh cho ruột thịt khỏi phải đau lòng, để bảo toàn thể diện cho một gia đình nhìn ngoài vẫn yên ấm nhưng bên trong thực sự đã mục ruỗng. Và họ cứ nhẫn nhịn chất thêm nỗi buồn lên chuyến xe đời mình, đầy lên cho tới khi quá sức mang vác, thì chủ nhân của nỗi buồn sẽ đổ gục. Có thể, họ sẽ chấm dứt sự thua cuộc của mình bằng một phương án nhanh gọn nông nổi (và ích kỷ), là chối từ việc được sống.

Bạn gái kể với tôi, năm 27 tuổi vì một biến cố tình ái, cô trèo lên sân thượng định nhảy xuống. Cô quên bỏ điện thoại trong túi áo khoác ra, đúng lúc loay hoay trên gờ ban công thì có tiếng chuông. Chỉ là một người đòi cô trả quyển sách mượn họ đã lâu, mà họ lại đang quá cần. Cú điện thoại làm sao nhãng việc quyên sinh, sau đó cô nhìn xuống khoảng sân tối hun hút mà rùng mình khiếp sợ.

Tất nhiên, sau đó cô đã lập cập quay về phòng. Buổi đêm tan nát trong nước mắt ấy, cô đã dành thời gian để tìm quyển sách cũ: “Cuộc điện thoại như một nhát búa đánh vào đầu cho mình tỉnh hẳn. Sau cái tích tắc đó, nếu có kẻ nào cố gắng đẩy mình rơi xuống cái sân tối đen bên dưới, mình sẽ chống chọi đến cùng. Để được sống!”.

Cuộc điện thoại đòi sách ở đây có tác dụng đưa kẻ đau buồn được tức thời tạm ngắt khỏi bi kịch mà cô đang chìm đắm trong đó, vượt qua cái tích tắc quyết định việc sống - chết (đầy mê lú) ở một con người đang cùng cực yếu đuối. Như vậy, một cốc nước chanh đá, một bàn tay đặt lên vai, một lời hỏi han dịu dàng… cũng đều có thể đem đến những kết quả tích cực tương tự. Nhưng nếu không sẵn cốc nước, bàn tay và lời thủ thỉ ấy để trục vớt chúng ta ra khỏi nỗi tuyệt vọng - thì sẽ sao đây? “À, thì hãy tự chìa tay ra cho mình chứ sao! Bố mẹ cho mình một cuộc đời duy nhất, không được phép hủy hoại nó. Nếu không cứu vãn được hiện thực tồi tệ của mình, thì hãy can đảm mà rời bỏ nó để làm lại, sống lại, yêu lại từ đầu” - cô ấy kết luận, khi đã ở tuổi 35.

Hôm trước, đang rầu rĩ trên mạng thì bạn nhảy vào "chát": “Có chuyện gì mà than vãn chán đời thế? Làm tao lo”. Còn đang chưa biết nói gì, bạn đã sa sả: “Có bị cháy nhà không? Có bị bệnh nan y không? Có bị chết người không? Nếu không thì quay về mà làm việc đi! Hãy tin tao! Làm lụng là cách tồn tại có ích và đầy niềm vui. Thời gian trống giữa các quãng làm lụng, mày sẽ muốn được nghỉ ngơi cho đỡ mệt, chứ không còn hơi đâu nghĩ đến mấy chuyện tuyệt vọng vớ vẩn…”.

Bận bịu hình như đúng là cách tốt nhất để giữ chúng ta không hư hỏng và cũng không còn thời gian để mà buồn đau. Tất nhiên, như lẽ thường, chúng ta vẫn luôn thấy cuộc đời đầy trống rỗng. Ấy thế nhưng, sống lại là điều đẹp đẽ và quý giá lắm. Được sống, đó là cái gì tuyệt vời và cảm động nhất. Cho dù hành trình ấy chỉ để chúng ta khám phá bí mật trùng điệp những trống rỗng và nỗi buồn, mà ông già có tính khí khó chịu tên là Số Phận - gửi xuống cho ta. 

Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI