Chế tài lỏng, khó trị bệnh lãng phí

06/06/2013 - 22:37

PNO - PN - Chiều 6/6, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Nhiều ĐBQH cho rằng, phải có chế tài thật nghiêm mới có thể giảm được quốc nạn lãng phí.

Cho ý kiến về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho biết, nước ta nghèo nhưng lãng phí có mặt ở khắp nơi, từ sử dụng lương thực, thực phẩm tới tổ chức lễ hội, đất đai bỏ hoang, dự án treo... ĐB Thích Bảo Nghiêm nói: “Dự án đắp chiếu nằm đấy trong khi người dân không có đất canh tác. Lãnh đạo cứ lên chức lại thay xe, đồ dùng trong phòng làm việc, rất lãng phí”. ĐB Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận: “Khó nói tham nhũng hay lãng phí gây thất thoát cho đất nước nhiều hơn”.

Chưa hài lòng với dự thảo, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) dẫn chứng: “Dự luật chưa làm rõ vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Có dự án 10 năm vẫn chưa xong GPMB, gây tổn hại đến người sử dụng đất mà trực tiếp là người dân thì chế tài không thấy có trong luật. Lãng phí về nguồn lực đất đai thời gian qua là không thể tính toán hết”. Cùng quan điểm, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nói: “Tính khả thi vẫn chưa cao. Nhiều nội dung chỉ là khuyến khích, nói cách khác là kêu gọi, vận động, tuyên truyền chứ chưa ràng buộc, chế tài”.

ĐB Phạm Quang Nghị đặt vấn đề: “Tại sao ta nói nhiều mà hiệu quả không cao? Đó là do quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài rất thiếu. Ở các nước, những quy định này rất chặt chẽ, vượt quá là phải bỏ tiền túi ra bù”. Nhấn mạnh phải “ràng buộc trách nhiệm của những người gây ra lãng phí”, ĐB Phạm Quang Nghị nói: “Nếu không cụ thể, rõ ràng thì khả năng khắc phục lãng phí sẽ không cao”. Ông đề nghị, dự luật nên điều chỉnh đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức sử dụng tài sản công và tiêu dùng cá nhân.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) kiến nghị phải xử lý kịp thời, thật nghiêm minh. Ông yêu cầu, dự luật phải minh định chế tài xử lý và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra lãng phí. ĐB Đương nói: “Sếp mà lấy xe công đưa vợ về quê, đi chùa thì nói sao được cấp dưới. Phải kỷ luật nặng, nếu nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ cứ diễn mãi cảnh sáng vác ô đi, tối vác ô về, gây lãng phí là không thể chấp nhận được...”.

Cùng ngày, các ĐBQH đã nhận được danh sách năm vị bộ trưởng, trưởng ngành dự kiến sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Đó là Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, LĐ-TB-XH, VH-TT-DL, TT-TT cùng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Các ĐBQH sẽ chọn bốn trong số năm vị này để trả lời chất vấn tại hội trường trong hai ngày.

P. MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI