Chê đã, tính sau…

06/03/2015 - 17:13

PNO - PN - Một lần nói chuyện với Hoa hậu (HH) Ngọc Hân, cô kể cho tôi nghe về cú sốc không bao giờ quên được. Đó là một “rừng” những lời chê khiếm nhã về nhan sắc đổ xuống cô - khi vừa đoạt vương miện HH.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Sự ác nghiệt ấy tôi chưa từng gặp, bị chê về nhan sắc là điều khiến phụ nữ tổn thương nhất. May rằng, tôi luôn tự biết mình là ai, mình đang ở đâu, căn cốt của mình thế nào… để bình tĩnh đối diện mọi chuyện. Dư luận là cái rất bất trắc, nó nâng người ta lên mây hay nhấn xuống bùn đen đôi khi chẳng cần cơn cớ”.

Vào thời điểm Ngọc Hân đăng quang, may mà chưa có facebook. Có lẽ đến HH Kỳ Duyên mới hiểu quyền lực của đám đông có thể đáng sợ và sát thương người ta đến mức độ nào. Những cô gái trẻ như Ngọc Hân, Thùy Dung, Kỳ Duyên… chỉ có cách im lặng đi qua cơn bão của những lời chê, và đó là thái độ can đảm đúng đắn nhất. Cho đến một ngày nhìn lại thì chính đám đông lại choáng váng, nhận ra những cô gái ấy quả thật là những mỹ nhân “khuynh quốc khuynh thành”.

Sự kiện đồng phục mới của Vietnam Airlines (ảnh) dường như chẳng có gì giống câu chuyện nhan sắc của các HH, ấy vậy mà tôi lại thấy liên quan. Đó chính là gương mặt xấu xí và hể hả của đám đông. Cái gì mới xuất hiện, cứ phải chê đã, còn thật sự hay dở thế nào sẽ tính sau. Chê, là phản xạ tức thời của dư luận.

Dù là một nhan sắc vừa được tấn phong, một công trình kiến trúc mới được công bố, logo mới thay của một thương hiệu, hay bộ đồng phục… thì cư xử của đám đông vẫn là lập tức soi mói bắt bẻ, cùng hùa nhau la lên “tồi tệ lắm, xấu xí lắm” (thay vì bình tĩnh xem xét các yếu tố xung quanh, như: quan điểm và mục đích của đối tượng chủ thể, tiêu chí hướng đến, xu hướng thẩm mỹ và yếu tố đương đại…). Sự cực đoan chỉ biết mình mà không biết người; sự khư khư tẩy chay cái mới; sự kệch cỡm khi đặt mình vào vị trí kẻ có quyền được phủ nhận - chỉ cho thấy thái độ sống hẹp hòi của chính bạn.

Che da,  tinh sau…

Vấn đề đồng phục mới của Vietnam Airlines không nằm ở nhà thiết kế Minh Hạnh. Tôi tin dù có là mẫu đó, hay dăm ba mẫu khác, với nhà thiết kế khác - thì lời chê bai vẫn cất lên. Đã nhìn mãi một kiểu áo suốt 15 năm, dù từng cất lời mỉa mai kiểu áo đó như tát nước đổ đi, thì việc quen mắt cũng đã thiết lập nên một tâm lý thân thuộc dễ chịu. Nhưng không lẽ vì thân thuộc dễ chịu mà chúng ta từ chối thay đổi và không chấp nhận cái mới?

Vĩnh viễn không thể có một định nghĩa chính xác về cái đẹp, (chính xác như một cái khuôn, để ta áp vào vật nào thấy vừa - nghĩa là đẹp). Đẹp là một khái niệm mang lăng kính cá nhân đến mức cực đoan, nó thể hiện thẩm mỹ, trình độ, phông văn hóa, sở thích và quan niệm cuộc sống của chính chúng ta. Tôi thấy đẹp nhưng chưa chắc bạn thấy đẹp. Cũng như cái bạn thấy tuyệt mỹ có khi lại là cơn khó chịu đối với thẩm mỹ của tôi. Vậy đừng mang cái khuôn của mình, hăm hở đi áp vào tất cả những gì chúng ta chứng kiến, và hơn thế còn vội vã kết luận nó xấu (nếu không vừa cái khuôn ấy).

Tôi không định thuyết phục bạn cổ vũ nhà thiết kế Minh Hạnh và Vietnam Airlines. Nhiệm vụ của một doanh nghiệp và một cá nhân có thương hiệu, là họ phải thực hiện tử tế và tốt nhất sứ mệnh của mình trong khả năng có thể. Tôi chỉ thử đề nghị bạn ngồi xuống, thở sâu và bình tĩnh khi bắt gặp điều gì mới. Không chút tị hiềm và thù địch, không chút hẹp hòi định kiến, hãy dẹp bỏ khoái cảm được la lên “xấu quá xấu quá”. Cái mới có thể ví như một mầm cây, có khi phải nhìn hết cả thân rễ, quy cách sinh trưởng, độ tương thích khí hậu… chúng ta mới biết đích xác đó là giống loài có đáng quý hay không. Đừng nhìn đúng một cái lá, rồi kết luận “hoa xấu, quả vô dụng”, bạn nhé!

Cuối cùng, điều cần góp ý cho Vietnam Airlines không phải là đồng phục tiếp viên và phi công (“vì nhân viên của các anh ăn bận xấu quá, nên chúng tôi sẽ từ chối chuyến bay” - chẳng hạn thế); mà là “chúng tôi sẽ chọn hãng hàng không đúng giờ, tôn trọng cam kết với hành khách, chăm sóc chúng tôi với dịch vụ hoàn hảo và những nụ cười thân thiện nhất”.

QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI