Chảy đi, sông ơi…

30/03/2015 - 07:21

PNO - PN - Sông Đồng Nai tuần qua da diết chảy trên những mạng thông tin ngang dọc. Bao nhiêu người lên tiếng để giữ gìn sự sống của dòng sông, từ các chuyên gia môi trường, khí hậu thủy văn, đến các chuyên gia kinh tế; từ những người...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chay di, song oi…

Ảnh: Ngọc Hồ.

Vậy mà hình như tất cả những trăn trở, day dứt, những đề nghị có lý có tình ấy không ngăn cản nổi quyết định lấn sông. Những chiếc máy ủi, máy xúc tiếp tục chạy ầm ào trên bãi đất mới san phẳng. Hình thù xám xịt của khu đất lấn sông nổi bật trên bản đồ không ảnh. Dự án đã gần hoàn thiện phần cơ sở hạ tầng.

Ngày 24/3, UBND tỉnh Đồng Nai ra thông cáo báo chí khẳng định sẽ tiếp tục dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” với lý do không ảnh hưởng đến môi trường. Trên khu đất lấn sông ấy, nghe đâu dự kiến sẽ là khu đô thị Pegasus River, chủ đầu tư là một tập đoàn lớn. Đây vốn là một dự án không thuộc dạng “ưu tiên quốc gia”, nhưng chính quyền địa phương đã bật đèn xanh, và đang đi ngược lại ý kiến của cộng đồng khi tuyên bố tiếp tục cấp phép cho xây cất khu đô thị này.

Nam bộ mênh mông sông dài. Nhưng không phải vì nhiều mà có thể rẻ rúng một dòng sông, hay khai thác nó cho đến mức cạn kiệt. Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam (586km), chảy trên địa phận 12 tỉnh thành, là nguồn mạch tạo nên diện mạo hài hòa tươi nhuận trù phú của cả một vùng đất diện tích vào khoảng 38.000km2 thuộc lưu vực của nó. Dòng sông ấy đã và đang cõng trên mình bao nhiêu công trình thủy điện, đã hứng chịu những vụ xả chất thải của nhiều nhà máy, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, tự thanh tẩy dòng nước của mình để phục vụ lợi ích của con người.

Sông mang lại biết bao nguồn lợi cho cộng đồng, bởi vì sông đang chảy, bởi vì sông đang sống, cùng với nhịp sống của con người. Dự án lấn sông cũng như câu chuyện con gà mái mỗi ngày đẻ cho chủ nhân một quả trứng vàng, đến một ngày nào đó vì quá sốt ruột, người chủ đã mổ bụng con gà để xem có thể lấy tất cả trứng vàng trong đó không… Sẽ ra sao nếu từ tiền lệ là dự án này, tất cả 12 tỉnh thành trong lưu vực của dòng sông Đồng Nai rồi sẽ nghĩ, sẽ làm những điều tương tự? Sông sẽ chết dần, trước khi con người nhận lấy những cái chết như dòng sông.

Những cảnh báo của các chuyên gia rất cụ thể, nhưng hình như chưa đủ ngấm. Sinh mạng của dòng sông hình như vẫn đang bị quyết định bởi những suy nghĩ hữu hạn của con người. Cứ thử nghe một nhà khoa học nói: “Bất cứ sự can thiệp nào vào dòng chảy tự nhiên của con sông đều bị tác động ngược lại.

Đó là quy luật” (Doãn Mạnh Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu) - sẽ thấy đây không phải là một cảnh báo về biến đổi khí hậu đơn thuần, mà còn là một cảnh báo mang tầm triết học.

Chay di, song oi…

Nguồn ảnh: internet.

Những dòng sông là những sinh thể bí ẩn của vũ trụ, tự nhiên đã lồng vào đó những triết lý vĩ đại sâu sắc nhất về cuộc sống, về sự vận hành của trời đất, sự tồn sinh của con người. Mỗi một giọt nước đều được tự nhiên trao cho khả năng được tham gia vào chu trình kiến tạo, tái tạo trong mạch vận động không ngừng nghỉ của sông, của nước. Đất và Nước là hai trong những cổ mẫu xa xưa nhất của nhân loại, tiêu biểu cho hình tượng bản nguyên của sự sống.

Mỗi hạt phù sa hòa vào nước từ thượng nguồn, mải miết trôi cho đến ngày hình thành nên cù lao Phố, cho đến khi ở lại với đất, với sông bên lở bên bồi, đều là những sự chuyển vận âm thầm nhưng muôn thuở, hiền hòa nhưng hệ trọng của tự nhiên. Nay chỉ vì một mối lợi trước mắt mà thay đổi, cưỡng bức một đoạn sông, thu hẹp dòng chảy theo ý mình, con người có khi nào nghĩ đến những tác động ngược trở lại của tự nhiên, hay không biết sợ chỉ vì nó chưa xảy ra trong ngày tháng năm trước mắt? Đừng đòi hỏi ở tự nhiên những gì phi tự nhiên.

Tại buổi họp báo chiều ngày 24/3, ông Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tuyên bố: “Mỗi nhà khoa học đều có ý kiến khác nhau nhưng chúng tôi thấy vụ này không có gì ghê gớm cả. Vị trí dự án đang lấn ra sông không làm ảnh hưởng dòng chảy. Không chỉ dự án này, tỉnh Đồng Nai còn một số dự án chỉnh trị sông Đồng Nai cần phải kè lại nữa”!

Chạnh lòng nhớ gương người xưa: Nguyễn Công Trứ một đời tung hoành ngang dọc, trị thủy an dân, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn, Tiền Hải (nay vẫn là đất của các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình), nhưng nhiều người chê ông bởi một câu trong bài thơ “Chí nam nhi”, rằng “Chí những toan xẻ núi lấp sông…”, bởi con sông là ích lợi dân sinh, là bồi đắp phù sa, là nuôi cá tôm bảo bọc đời người. Người ta không lấp sông. Hùng tâm tráng chí thì ra mà lấn biển…

Tất cả những dòng sông đều chảy. Chảy đi, sông ơi…

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI