Cây thước kẻ

17/01/2015 - 06:58

PNO - PN - Một giáo viên (GV) đã phạt một học sinh (HS) lớp 6 bằng cách bắt nằm lên bàn và lấy thước kẻ đánh. Không may, HS vốn có tiền sử bệnh động kinh, cơn choáng cảm xúc xảy ra dẫn đến HS tử vong.

edf40wrjww2tblPage:Content

Em HS ấy còn quá nhỏ - mới học lớp 6. Trong những hình ảnh, người ta cũng thấy GV còn quá trẻ. Gia đình đứa bé không muốn khiếu nại, chỉ muốn bé được ra đi thanh thản. Trong đám tang bé, GV đã đến, khóc và nói lời xin lỗi dù biết muộn màng. Ông nội của bé đã bảo: “Con cứ yên tâm về đi”.

Cay thuoc ke

Chẳng biết con đường dạy học của cô giáo trẻ đó có còn tiếp tục được nữa hay không, và sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn câu chuyện này sẽ trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng không chỉ đối với cô, với dư luận, mà còn đối với những người đang cầm phấn đứng trên bục giảng hằng ngày, và hàng ngàn giáo sinh sư phạm chuẩn bị bước vào đời dạy học…

Sau vụ việc xảy ra ở Trường THCS Phan Bội Châu, phòng GD-ĐT Q.Tân Phú (TP.HCM) ra văn bản gửi tất cả các trường từ mầm non đến THCS địa bàn quận về việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS. Theo đó, nghiêm cấm mọi hình thức xử phạt HS, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể HS; xử lý kịp thời, đúng quy định đối với GV, nhân viên có hành vi vi phạm.

Văn bản có thể là rất kịp thời với sự việc vừa xảy ra, thể hiện trách nhiệm và lo lắng của những người làm quản lý. Nhưng sau văn bản ấy là một câu chuyện dài đầy băn khoăn của những người làm nghề dạy học - cái nghề được gọi là “gõ đầu trẻ”. Từ nay, trong các phương pháp sư phạm của mình, người thầy sẽ bị cấm dùng mọi hình thức xử phạt - điều này rồi có mang lại kết quả như phụ huynh và HS mong muốn, mang lại hiệu quả cho quá trình dạy và học trong nhà trường hay không?

Khen thưởng và xử phạt là hai mặt của vấn đề. Không có khen thưởng động viên, việc xử phạt trở thành bất công, áp bức. Nhưng không có xử phạt, việc khen thưởng cũng khó phát huy được tác dụng động viên của nó. Hình phạt trong xã hội con người đã thay đổi nhiều từ thời trung cổ đến nay. Những hình phạt man rợ như chặt tay kẻ ăn cắp ngay giữa chợ, ném đá, thiêu sống, treo cổ… còn gợi nhắc những ký ức kinh hoàng ảm đạm trong lịch sử nhân loại cho đến tận bây giờ.

Rõ ràng, xã hội cần có những hình thức răn đe. Nhận thức về hình phạt đã có một quá trình phát triển dài, đã điều chỉnh, tuy nhiên không hình thái xã hội nào đạt mức lý tưởng đến bỏ hẳn hình phạt. Vấn đề là mục tiêu tích cực, là hình thức phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. Người Việt có câu: “thương cho roi cho vọt”, không phải là không có lý. Chỉ có điều, vận dụng nó như thế nào để dạy trẻ nên người, để những hình phạt nhân văn hơn, có tác dụng hơn, để trẻ đừng phạm lại những lỗi sai đã được nhắc, được sửa.

Người thầy trong lớp học của mình có quyền vận dụng những phương pháp sư phạm phù hợp. Tuy nhiên, điều thường thấy là GV vào lớp hiện nay chưa có được một hệ thống thông tin đầy đủ về học trò của mình, cả thầy và nhà trường hình như cũng chưa có ý thức xây dựng hệ thống thông tin này.

Lý lịch trích ngang của HS, những hoàn cảnh đặc biệt phải lưu ý, tiền căn bệnh tật của các em… là những thông tin hoàn toàn có thể có và rất có thể là đã có, nhưng chúng nằm chết cứng đâu đó trong các tủ hồ sơ. Còn khi vào lớp, tiếp xúc với HS - với những con người nhỏ bé bằng xương bằng thịt, các thầy cô không kết nối được thông tin đã có với con người HS.

Nếu biết em bị bệnh động kinh, chắc GV sẽ không dùng những biện pháp có thể dẫn đến những sang chấn dữ dội về mặt tâm lý, tình cảm. Nếu biết em bị động kinh, GV có thể đã kịp thời sơ cấp cứu…

Hàng trăm cái “nếu” lẽ ra đã có thể giải quyết bằng việc hiểu HS hơn để có cách xử sự phù hợp, không gây ra hậu quả đau lòng này.

Ai qua thời đi học, đều có ấn tượng về cây thước kẻ của GV lớp mình. Đó có thể là cây thước dùng vẽ hình, gạch chân dòng chữ trên bảng, đánh nhịp một lượt đọc đồng thanh, gõ lên bảng lên bàn để tập trung chú ý, ổn định trật tự lớp, có thể là bàn tay nối dài của GV khi hướng dẫn bài học, và rất có thể trở thành công cụ kỷ luật.

Nhưng không ai ghét cây thước kẻ, cấm cây thước kẻ. Bởi người ta hiểu nhiệm vụ chính của cây thước ấy, cũng như mục tiêu chính của những hoạt động sư phạm trong lớp học, là nhằm giáo dục, rèn luyện con người. Khi bắt buộc phải trách phạt, thầy cần trách phạt một cách công bằng, nghiêm khắc, và đôi khi lời trách phạt cũng cần phải được tăng thêm hiệu quả bằng những hình thức khác nữa.

Khi “nghiêm cấm mọi hình thức xử phạt HS”, các nhà quản lý cũng đã xuất phát phản ứng của dư luận, nhất là với tốc độ lan truyền thông tin hiện nay.

Nhưng cách xử sự của gia đình HS trong vụ việc này đã cho thấy có thể có một cách giải quyết khác. Qua đây, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn: không biết trong những trường sư phạm có môn học nào dạy giáo sinh cách xử phạt học trò, phạt theo cách nào đạt hiệu quả sư phạm tốt nhất? Có lẽ, đó là một câu hỏi cho ngành sư phạm. Những đứa trẻ - học trò của chúng ta, ương bướng lắm nhưng cũng mong manh lắm, hãy hiểu các em trước khi muốn các em hiểu hết những điều mình dạy…

 NGUYÊN QUÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI