Cây độc được trồng vô tư khắp phố núi Đà Lạt

30/03/2015 - 10:48

PNO - PN - Cây loa kèn Đà Lạt là loài cây cùng họ và cùng chi với cây borrachero ở Colombia, loài cây có thể bào chế thành độc dược, thường gọi là “hơi thở của quỷ”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đây là loại thuốc mà tội phạm thường dùng để “xóa” trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân. Thế nhưng, thời gian gần đây, loài cây này được xem là “cây cảnh” và được trồng hầu khắp phố núi Đà Lạt.

Cay doc duoc trong vo tu khap pho nui Da Lat

Cây hoa loa kèn ở Đà Lạt.

Phố núi Đà Lạt rợp cây loa kèn

Lang thang phố núi Đà Lạt, chúng ta dễ dàng bắt gặp loại cây này trong khuôn viên trường đại học, cao đẳng; các công viên, vườn hoa; trên nhiều hè phố, điểm tham quan và ngay cả trong khuôn viên của những căn biệt thự…

“Hoa loa kèn Đà Lạt trồng khắp nơi trong TP. Đà Lạt, ngoài đường, trồng xen với loài cây khác… và trong khuôn viên nhà tôi cũng có tới hai cây rất to. Thấy nó nở nhiều hoa sặc sỡ, nên tôi đem về trồng làm cảnh” - anh Trần Hậu Lộc ngụ tại phường 8, TP. Đà Lạt chia sẻ.

Theo nhà sinh vật học Lương Văn Dũng, Phó trưởng khoa Sinh - Trường Đại học Đà Lạt, hoa loa kèn đang được trồng ở Đà Lạt có nhiều nguồn gốc khác nhau. Trước kia, ở Đà Lạt, cây loa kèn chỉ có một màu trắng nhạt, hoa cúp nhẹ xuống đất, mùi thơm nhẹ. Gần đây, xuất hiện nhiều giống mới, hoa có nhiều màu sắc trắng, hồng, vàng, vàng lơ, cây cao hơn, lá và hoa to hơn, hoa nhiều hơn, mùi hương gay gắt, đậm đặc hơn giống cũ.

Ông Dũng nghi vấn giống mới du nhập có độc tố cao hơn, có thể cùng nguồn gốc với cây borrachero ở Colombia. Và hoa loa kèn mà bốn nhà sư ăn phải, nhập viện vào tháng 10/2013 được xác định là cây giống mới.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp TP. Đà Lạt cho biết: “Chúng tôi không có cơ sở để xác định nguồn gốc của những loại hoa giống mới này là nhập ở đâu về. Đây là loài cây rất dễ nhân giống (ươm cành) và phát triển rất nhanh, mạnh với điều kiện khí hậu se lạnh ở Đà Lạt. Sau một thời gian ngắn, người ta có thể nhân giống rộng rãi khắp thành phố”.

Cay doc duoc trong vo tu khap pho nui Da Lat

Hoa loa kèn được trồng phổ biến trên đường phố Đà Lạt.

Ông Nguyễn Đức Thuần, Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Đà Lạt hồn nhiên chia sẻ: “Chúng tôi không hề biết cây hoa loa kèn Đà Lạt độc hại. Vì vậy, chúng được nhân giống rộng rãi với nhiều màu sắc và trồng rất nhiều ở các công trình đô thị, tập trung ở công viên Trần Quốc Toản, đường Bà Triệu, đường Hoàng Văn Thụ và nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Lạt”.

Loa kèn Đà Lạt và “hơi thở của quỷ” là cùng một loài?

Cây borrachero ở Colombia và cây loa kèn Đà Lạt có rất nhiều điểm tương đồng. Đây là loài cây thân mềm, chiều cao tối đa khoảng 5m, hoa có chiều dài trung bình 25cm, mùi thơm nhẹ; lá có vị đắng và lợ, trông giống lá thuốc lá. Đặc biệt, tất cả các bông hoa loa kèn ở Đà Lạt khi nở đều cắm đầu xuống đất, giống hệt borrachero ở Colombia.

Cay doc duoc trong vo tu khap pho nui Da Lat

Cây loa kèn Đà Lạt được trồng trong khuôn viên nhiều ngôi biệt thự.

Trong cuốn “Cây cỏ Việt Nam” (quyển 2) của Phạm Hoàng Hộ (xuất bản 2003), có viết về cây loa kèn Đà Lạt: tên khoa học là brugmansia suaveolens, tiểu mộc, vạm vỡ, cao đến 4-5m, cành trăng trắng. Lá có dạng như lá thuốc lá, to, dài 15-20 cm, đáy bất xứng, đầu nhọn; cuống dài 2-3cm. Hoa thòng, trắng, to, dài đến 30cm; đài là ống suôn có 5 răng, có lông; vành hình kèn; nhụy đực gắn trên ống vành và có bao phấn dính nhau; quả không gai; hột dẹp, to 0,1cm. Trồng nhiều ở Đà Lạt vì hoa đẹp, gốc Trung Mỹ. Lá chứa nhiều alkaloid, in vitro, chống siêu khuẩn measles.

Theo nghiên cứu, tất cả các bộ phận trên cây brugmansia suaveolens đều độc, đặc biệt là ở lá và hạt. Trong cây có các hợp chất scopolamine (hyoscine), hyoscyamine và một số alkaloid tropane khác. Những chất này làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa; có thể tê liệt cơ trơn; rối loạn, nhịp tim nhanh; khô miệng; tiêu chảy; gây ảo giác ở thị giác và thính giác; giãn đồng tử; cycloplegia nhanh chóng và dẫn tới cái chết.

Và từ cây borrachero ở Colombia cũng có thể bào chế một loại độc dược không màu, không mùi, không vị mang biệt danh “hơi thở của quỷ” làm từ chất scopolamine. Đây là loại thuốc mà tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân.

Vào tháng 10/013, ở Lâm Đồng đã từng có trường hợp 4 nhà sư ở huyện Đức Trọng ăn phải hoa loa kèn Đà Lạt và bị ngộ độc. Bệnh nhân lâm vào tình trạng ảo giác nặng, người lâng lâng như bay, không kiểm soát được hành vi…

Theo bác sĩ Phạm Thạch Khuê, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào về hợp chất chứa trong hoa loa kèn Đà Lạt. Tuy nhiên, qua tình trạng những bệnh nhân bị ngộ độc, có thể nhận định, loại hoa này có chất gây ảo giác và có thể gây nghiện.

Cay doc duoc trong vo tu khap pho nui Da Lat

Cây loa kèn Đà Lạt giống mới.

Nhà sinh vật học Lương Văn Dũng, Phó trưởng khoa Sinh - Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Chúng ta chưa dám khẳng định chắc chắn hai cây này là cùng một loài, nhưng chúng cùng thuộc họ cà solanaceae và cùng chi”.

Loa kèn Đà Lạt là một loài cây độc, nhưng không phải ai cũng biết điều đó. Nguy hại hơn, loài cây này lại đang được trồng rộng rãi ở khắp thành phố du lịch Đà Lạt. Nếu bị vẻ đẹp loài hoa này “mê hoặc” một cách thiếu hiểu biết… thì hậu quả sẽ khôn lường.

“Các cơ quan chức năng nên thông báo rộng rãi về mức độ nguy hiểm của loài cây này, khuyến cáo người dân không trồng chúng trong khuôn viên nhà, trên các công trình đô thị. Nếu có trồng thì nên trồng ở khu vực xa khu dân cư và nên trồng xen kẽ với cây khác để giảm tính đậm đặc của mùi hương cũng như độc tố do cây phát ra” - nhà sinh vật Lương Văn Dũng đưa ra lời khuyên.

Bài và ảnh: HÙNG DŨNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI