Cần chiến lược quảng bá dài hơi cho giáo dục nghề

25/06/2013 - 07:16

PNO - PN - Sau loạt bài “Kỹ sư, cử nhân thất nghiệp tràn lan” trên Báo Phụ Nữ (ngày 12, 14/6), nhiều bạn đọc, đặc biệt các chuyên gia trong lĩnh vực GD-ĐT đã có nhiều thông tin phản hồi.

● Thạc sĩ VŨ TUẤN ANH - Giám đốc điều hành Công ty đào tạo VIM (Vietnam Institute of Management): 

GD-ĐT phải dạy người học biết làm việc

Cái gốc của vấn đề là chúng ta đã quan niệm nhầm về GD-ĐT. Đúng ra, việc làm trước tiên của GD-ĐT là phải tạo ra con người có đủ năng lực kiếm tiền để nuôi sống bản thân một cách lương thiện. Vậy thì GD-ĐT phải dạy những gì giúp người học làm được việc mà xã hội chấp nhận trả lương. Với quan điểm đó thì một người phục vụ khách sạn, người sửa xe máy và một anh giảng viên ĐH đều giống nhau - ai cũng đang cung cấp một dịch vụ cho xã hội. Cũng với quan điểm đó, xã hội sẽ không còn phải quan tâm đến bằng cấp nữa. Việc phân các bậc đào tạo ĐH, CĐ hay TC chỉ để phục vụ yêu cầu của mỗi người, ai phù hợp với mức nào sẽ được học/đào tạo ở mức đó. Nói như thế để thấy rằng, GD-ĐT của ta đang lệch chuẩn, chúng ta đã đưa quá nhiều những kiến thức vĩ mô nhưng lại không thực tế và không đào tạo được những con người làm được việc. Lao động bị loại thải dẫn đến dư thừa cũng là lẽ tự nhiên. Cái thiếu nhất đối với SV ra trường hiện nay là thái độ với nghề nghiệp. Các em quan niệm học để có bằng chứ không phải học để kiếm cơm. Thông tin, kiến thức ở các em là quá nhiều, nhiều đến mức bội thực, nhưng lại không biết cái nào là quan trọng.

Làm gì để nâng chất lượng đào tạo? Tôi thấy rằng, trước hết và quan trọng nhất là thầy phải ra thầy, phải cải tổ đội ngũ giảng viên. Cụ thể, khi mở ĐH buộc phải có giáo viên cơ hữu và phải khống chế số giờ giảng nhằm đảm bảo điều kiện căn bản để đảm bảo chất lượng. Một giáo viên mà giảng đến 2.000-3.000 giờ trong năm, dù là giảng ở nhiều trường, thì thời gian đâu tái tạo sức lao động, nghiên cứu và cập nhật kiến thức?

Can chien luoc quang ba dai hoi cho giao duc nghe

Nhân lực nhiều ngành nghề của hệ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề như: cơ khí, điện, điện lạnh... đang rất cần cho thị trường lao động - Ảnh: P.Huy

● Tiến sĩ PHẠM NHƯ NGHỆ - Phó Vụ trưởng Vụ TCCN- Bộ GD-ĐT:

Sẽ tổ chức hội nghị để bàn giải pháp khắc phục

Chỉ tiêu ĐH-CĐ nhiều và ngày càng tăng, nhưng ngoài những thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đối tượng của các trường nghề (TCCN và TC nghề) còn là HS THCS. Hiện nay, mỗi năm có hơn 1,2 triệu HS học hết THCS, trong đó có hơn 900.000 học tiếp lên THPT, số còn lại vẫn không được học gì cả. Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển GD-ĐT, đến năm 2020 ít nhất có 30% HS THCS vào học nghề. Tuy nhiên, đến nay số HS học xong THCS vào các trường nghề mới chỉ chiếm khoảng 4% chia đều cho TCCN và TC nghề. Lý do trực tiếp là công tác phân luồng chưa hiệu quả. Nhưng cũng phải kể đến những lý do khác như ta chưa có chính sách hấp dẫn HS THCS vào trường nghề (như đào tạo miễn phí, thậm chí còn cấp học bổng cho người học nghề; trong sử dụng, công việc gì cần trình độ TC thì chỉ sử dụng lao động TC), chưa có chính sách hỗ trợ các cơ sở dạy nghề cho những đối tượng này (như hỗ trợ cơ sở vật chất).

Để tiến đến một cơ cấu đào tạo hợp lý thì còn nhiều gay go và cần phải có nhiều ban, bộ, ngành cùng vào cuộc. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị phân luồng để bàn giải pháp khắc phục. Nói chung là phải thực hiện nhiều giải pháp xoay quanh đội ngũ giáo viên làm hướng nghiệp ở trường phổ thông, kinh phí; từng bộ ngành và địa phương cũng phải vào cuộc, vì HS là của các địa phương. Bên cạnh đó, các trường nghề cũng phải đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo và mở rộng nguồn tuyển.

● Ông TRẦN ANH TUẤN - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM:

Sự trải nghiệm là điều quan trọng

Thị trường lao động (LĐ) luôn cần một số lượng lớn nguồn nhân lực giỏi nghề. Trừ các cơ quan nhà nước (hay tuyển ĐH), còn lại thị trường LĐ đang sử dụng LĐ hết sức chuyên nghiệp với cơ cấu 15% trình độ ĐH (có những doanh nghiệp chỉ sử dụng 5% ĐH), 35% LĐ nghề và 30% LĐ phổ thông. Tất nhiên, họ sử dụng LĐ trình độ ĐH rất chuyên nghiệp. Đáng tiếc là HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT lại không muốn học nghề - đây là một vấn đề của xã hội. Đã đành là do tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh, nhưng cũng phải thấy rằng, công tác hướng nghiệp hiện không hiệu quả, dẫn tới việc HS đổ xô thi ĐH-CĐ, khi rớt ĐH-CĐ lại đổ xô vào học một vài ngành nào đó ở bậc TC, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường LĐ.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có một chiến lược quảng bá mạnh mẽ, dài hơi về giáo dục nghề, đồng thời phải chỉnh đốn công tác hướng nghiệp để xã hội hiểu về giáo dục nghề. Thứ nữa, hệ thống các trường đào tạo nghề cũng cần phải định hướng cho thật rõ nét: cơ sở nào đào tạo nghề gì thì phải ra nghề đó, tránh tình trạng: nhiều cơ sở cùng đào tạo một nghề, nhưng chất lượng thì không đạt.

Với các bạn trẻ đã tốt nghiệp ĐH- CĐ, tôi muốn nói rằng, điều quan trọng với các bạn bây giờ là sự trải nghiệm nên có phải kiêm nhiệm nhiều việc thì cũng là điều tốt. Từ những công việc nhỏ mình sẽ lớn dần lên... Sự chân thành, chịu phấn đấu, tự tin là phẩm chất mà doanh nghiệp rất cần.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI