Các chiêu trò "gian lận" xăng ở Hà Nội

26/12/2015 - 09:40

PNO - Thời gian gần đây, trên cả nước đã phát hiện ra nhiều các chiêu trò hình thức gian lận xăng, dầu kiếm lời gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện ra nhiều các chiêu trò, hình thức gian lận xăng dầu. Không chỉ ăn cắp một cách trắng trợn, những hình thức gian lận này vô hình đã tạo ra những mối nguy hiểm cho người sử dụng.

Pha xăng kiếm lời, làm giả niêm chì xe bồn, gắn chíp điện tử, găm hàng chờ tăng giá... là những chiêu giới kinh doanh xăng dầu thường sử dụng để "ăn chặn", móc túi khách hàng tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Gắn chíp điện tử, điều khiển từ xa

Vụ ăn chặn xăng của khách hàng mới nhất được phát hiện vào sáng 24.12. Theo đó Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) và Phòng An ninh kinh tế (PA81 - Công an TP. Hà Nội) bắt quả tang 2 cơ sở bán xăng dầu thuộc thuộc Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội sử dụng chíp điện tử có điều khiển từ xa để gian lận của khách hàng. Theo đó, các cây xăng bị kiểm tra gồm cây xăng số 436 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và cây xăng Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Cac chieu tro
Cây xăng bị bắt quả tang gắn chip gian lận. Ảnh: HFC.

Được biết, đây không phải là vụ phanh phui đầu tiên, trước đó Hà Nội phát hiện một cây xăng ăn gian tới 1.200 đồng mỗi lít. Cách gắn chip điện tử này diễn ra từ nhiều năm nay và đây là cách tinh vi nhất để có thể móc túi khách hàng một cách dễ dàng.

Làm giả niêm chì xe bồn

Vào giữa tháng 11 vừa qua, hành trình gian lận, rút xăng dầu của xe bị vạch trần. Theo ghi nhận từ một xe bồn 29C.62888, kẹp chì trên những chiếc nắp bồn được tháo ra, những bóng người chui dần vào bên trong bồn, mang theo mỏ hàn. Những thanh sắt lớn cũng lần lượt được tuồn xuống.

Vẫn nguyên trong bộ đồng phục của Petrolimex, người lái xe là một trợ thủ đắc lực với đầy đủ đèn cao áp và quạt thông gió cho thợ hàn bên trong. Những thanh sắt được hàn gắn cố định trong cả 4 khoang của xe, trông chẳng khác gì một bộ phận nguyên bản của chiếc xe. Sau khi xe bồn được "phẫu thuật" thành công, mỗi khoang ăn ra 15 lít, với 4 khoang chứa, 60 lít xăng dầu sẽ bị rút ra khi thể tích trong khoang đã bị những thanh sắt chiếm chỗ.

Găm hàng chờ tăng giá

Bên cạnh 2 hình thức phổ biến trên thì có kiểu "thủ công" khác là găm hàng chờ tăng giá. Chiêu hàng thường được các đại lý dùng trong những lúc có thông tin xăng sắp lên giá.

Mấy tháng đầu năm nay, xăng dầu liên tục giảm giá. Ngày 7/1, giá xăng dầu bán lẻ lại được điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể: giá xăng giảm 310 đồng/lít, còn 17.570 đồng/lít. Dầu diezen giảm 360 đồng/lít, còn 16.630 đồng/lít; dầu hỏa giảm 290 đồng/lít, giá bán lẻ chỉ còn 17.110 đồng/lít. Với công bố giảm giá xăng, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ chốt đồng hồ, niêm yết giá mới theo thời gian quy định.

Tuy nhiên ở một số nơi, nhất là khu vực nông thôn, xuất hiện tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khi các cây xăng mập mờ giá bán. Đó chỉ là chuyện nhỏ. Người tiêu dùng còn gánh chịu những thiệt hại lớn hơn, khi cước vận tải “lừng khừng” giảm chậm.

Trong thời điểm giá xăng dầu tăng liên tục, người dân nhiều địa phương từng chứng kiến cảnh các cây xăng đồng loạt treo biển “Mất điện- ngừng phục vụ”, trong khi điện không hề bị cắt, bởi các cây xăng găm hàng, chờ giờ tăng giá.

Trong thời gian đó, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm, thì ở một số địa phương, nhất là khu vực nông thôn, tại các trạm xăng lẻ, xuất hiện tình trạng gian lận tinh vi và khá âm thầm, người tiêu dùng khó phát hiện. Đó là việc giá không được điều chỉnh ngay theo thời gian quy định trong quyết định điều chỉnh giá xăng dầu.

Pha xăng kiếm lời - vô cùng nguy hiểm

Đối với những trường hợp như cháy nổ hoặc chết máy, nguyên nhân chính là do hiện tượng các đại lý bán xăng nhỏ đã có những hình thức pha xăng để thu về lợi nhuận, bất chấp an nguy của khách hàng.

Trong xăng hiện nay có một số thành phần dễ bốc hơi như acetone, methanol… khiến khả năng gây cháy tăng lên. Những thành phần này có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 giá xăng. Vì thế nhiều cửa hàng sẽ pha chế vào xăng để kiếm lời.

Những thành phần dễ bốc hơi này rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ xảy ra cháy xe. Nếu sử dụng xăng pha methanol và acetone nhiều trong thời gian dài, gây rò rỉ, tích tụ dần có thể dẫn đến cháy xe dễ dàng hơn rất nhiều.

Như vậy, trước những chiêu gian xăng, dầu như hiện nay, theo các chuyên gia thì có nhiều nguyên nhân nhưng chính yếu nhất vẫn là do việc quản lý lỏng lẻo, buông lỏng chất lượng trong việc kinh doanh mặt hàng đặc thù này.

Hoàng Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI