Các anh về với đất mẹ

21/10/2016 - 15:53

PNO - Sự ra đi của ba chiến sĩ không quân trong vụ trực thăng EC-130T2 bị rơi ở khu vực Tây Bắc núi Dinh (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là nỗi mất mát lớn của bạn bè, gia đình và cả đất nước...

Ước mơ hoài bão mãi dở dang

Sáng 20/10, rất đông người thân của ba phi công trên máy bay EC-130T2 bị rơi có mặt tại nhà khách Bộ Quốc phòng (đường Cộng Hòa - TP.HCM). Sự ra đi bất ngờ của các chiến sĩ khiến người thân trong gia đình họ bàng hoàng, đau xót.

Đi từ Bình Dương lên từ sáng sớm, bà Nguyễn Quý (cô của Trung úy Nguyễn Văn Tùng) ôm chầm lấy người thân rồi òa khóc nức nở: “Giỗ ông nội tháng Bảy, Tùng nói con sẽ về. Nó mua vé rồi nhưng có lịch bay nên không về được, cứ ngỡ tết này họ hàng được gặp cháu, vậy mà… Tùng ơi!”.

Bà Quý cho biết, Tùng là con út trong gia đình có hai chị em, bố mẹ làm nghề kinh doanh ở Thanh Hóa, Tùng sống rất tình cảm và gần gũi với người thân. Bố mẹ, họ hàng không ai theo ngành quân đội nhưng từ bé, Tùng đã ước mơ bay. “Do yêu cầu ngành học nên cháu không được về quê thường xuyên. Cháu đi suốt nên cũng không rõ có bạn gái hay chưa”, một người thân của Tùng chia sẻ.

Cac anh ve voi dat me
Người thân của phi công Tùng

Quá đau đớn trước sự ra đi của em trai, chị Nguyễn Trang (chị gái Tùng) viết trên trang cá nhân: “Em trai bé bỏng của chị, em chỉ đùa với bố mẹ, chị và mọi người thôi phải không?… Bố mẹ và bạn bè đang ở trong đó đón em cả rồi. Ai cũng khóc sưng mắt vì em rồi đó, em biết không?”. Chị gái Tùng chia sẻ em trai mình ngoan, sống tình cảm. Tùng thích những món ăn ngon mà chị nấu. Vì đặc thù công việc, học tập, chàng trai không có nhiều thời gian gần gũi bố mẹ nên anh luôn trân trọng những giây phút bên gia đình.

Lúc còn sống, Tùng nhắc nhiều đến hình ảnh người mẹ khéo léo, tần tảo, đảm đang, nấu ăn rất ngon và hết mực yêu thương các con. Lần nào về thăm nhà, Tùng cũng đều được mẹ tận tay chuẩn bị những món ăn ngon. “Lại xa nhà nữa rồi, đã là năm thứ năm đối diện với cảnh này mà sao không thể cười thật tươi lên xe vào Nha Trang. Thật sự thấy rất buồn, buồn vì xa nhà chỉ là một phần, cái mà buồn nhiều là mình đi rồi tối đến chỉ có bố và mẹ ở nhà. Thương lắm bố mẹ ơi, nhưng con là con trai nên chẳng bao giờ thể hiện ra cả…”, Tùng chia sẻ trên facebook.

Cùng nỗi mất mát với người thân của Tùng, thân nhân của trung úy Đặng Đình Duy cũng không giấu được nỗi đau xót khi nhắc đến anh. Cô ruột của Duy nói trong nước mắt, khi biết tin, gia đình đã bay từ Hà Nam vào để nhìn mặt Duy lần cuối. Trong ký ức người thân, chàng trai 25 tuổi này là người rất hiền lành, sống tình cảm. Từ nhỏ, anh rất ham mê thể thao và đá bóng rất giỏi.

Quyết theo nghiệp của cha

Nếu như trung úy Duy, trung úy Tùng hy sinh khi đang ở độ tuổi thanh xuân, chưa lập gia đình thì đại úy Dương Lê Minh hy sinh để lại vợ cùng hai con trai thơ dại. Bé lớn của anh gần ba tuổi, bé thứ hai mới sinh được vài tháng và vợ anh đang trong thời gian nghỉ thai sản.

Đau xót hơn, anh Minh là người thứ hai trong gia đình hy sinh vì tai nạn máy bay. Trước đó, cha anh là thượng tá Dương Văn Thanh - Trung đoàn phó Không quân 910 đã hy sinh khi huấn luyện bay cho học viên ngày 29/4/2005. Khi máy bay gặp sự cố kỹ thuật, chỉ huy bay đã nhiều lần yêu cầu anh Thanh nhảy dù để đảm bảo tính mạng, nhưng anh Thanh đã không nhảy dù mà ra lệnh cho học viên phi công mở cửa buồng lái phụ nhảy ra thoát nạn. Anh Thanh đã điều khiển máy bay ra biển, tránh đâm vào khu du lịch Vinpearl Nha Trang lúc đó đang rất đông người vui chơi.

Sợ lại phải tiễn đưa thêm một lần người thân, đôi lần mẹ khuyên con trai rời binh nghiệp, nhưng nghĩ về người cha, nghĩ về tuổi thơ đã gắn bó với những chuyến bay từ nhỏ, Minh đã quyết tâm nén đau thương để tốt nghiệp loại xuất sắc và cũng được giữ lại trường làm giáo viên huấn luyện bay như cha mình. Anh hứa sẽ nối nghiệp cha trở thành phi công để bảo vệ đất nước, nhân dân. Vậy mà…

Cậu Minh - ông Nguyễn Văn Dũng, kể sáng 18/10, hay tin con mình bị nạn, mẹ Minh gần như suy sụp. Bà không thể ngờ rằng nỗi đau cách đây hơn 10 năm chưa nguôi thì nay lặp lại. “Khi anh Thanh chưa mất, hai cha con thân thiết với nhau lắm. Dù nhiều người ngăn cản nhưng Minh vẫn chọn nghiệp phi công giống cha. Có lẽ máu phi công của cha đã ngấm vào Minh và đó cũng là niềm mơ ước của cháu. Không ngờ...”, ông Dũng đau buồn nói.

Anh Dương Lê Minh được đánh giá là một trong những giáo viên, phi công có tay nghề cao. Ngồi ở nhà khách Bộ Quốc phòng để chờ ngày làm lễ truy điệu, người thân của anh Minh không cầm được nước mắt: “Vợ Minh vừa mới sinh con được hơn hai tháng, cùng mẹ chồng vào đây. Hai con nhỏ phải gửi ông bà ngoại. Mất mát quá lớn, không biết bao giờ mới nguôi ngoai”.

Cả ba chiến sĩ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại biết bao ước mơ, hoài bão còn dang dở. Rất lâu mới lại đào tạo thêm được những người lính phi công giỏi. Rất lâu nữa mới nguôi được nỗi đau trong lòng người ở lại. Nhưng tất cả chưa bao giờ chùn bước. Những thế hệ người Việt vẫn bước chân về phía trước, bằng lòng quả cảm. Những đứa trẻ lẫm chẫm trong đám tang hôm nay gọi tên cha rồi sẽ lớn lên dũng cảm như cha mình. Không sự hy sinh nào là vô nghĩa.

Quỳnh Mai - Thúy Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI