Buổi sáng nghĩa tình ở Nhơn Đức

29/04/2016 - 10:29

PNO - Sáng 27/4, báo Phụ Nữ và Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi tổ chức chương trình thăm và tặng quà cho phụ nữ nghèo huyện Nhà Bè, TP. HCM.

Sáng 27/4, nhiều chị em ở Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) đã háo hức tham dự chương trình thăm và tặng quà cho phụ nữ nghèo huyện Nhà Bè, TP. HCM do báo Phụ Nữ và Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi tổ chức, nhân 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Được chọn làm điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhơn Đức đã nhanh chóng chuyển mình, dù cuộc sống của một số hộ dân vẫn còn không ít khó khăn.

Nhơn Đức nay đã khác

Dù vẫn còn thuộc diện hộ nghèo nhưng bà Huỳnh Ngọc Thanh (ấp 4, xã Nhơn Đức) rất lạc quan: “Giờ đỡ lắm rồi. Nhà tôi nghèo vì vay nợ cho con cái học hành. Các con ăn học đàng hoàng rồi sẽ giúp lại mẹ thôi. Khó khăn bây giờ không đáng gì so với hồi trước. Trước năm 1975, đang là nông dân nhưng cha tôi phải ra xã trình diện chính quyền mỗi tuần, rồi chính quyền bắt cha về vận động người thân không được tham gia cách mạng. Những ngày cuối tháng 4/1975, người Sài Gòn tản cư về đây đông, đến trưa 30/4 thì nghe đài phát tin giải phóng, vui quá trời đất, bà con đổ ra đường ăn mừng”.

Bà Thanh vốn là người gốc Nhơn Đức, trong chiến tranh chống Mỹ gia đình bà là một trong nhiều gia đình bám lại vùng đất khốc liệt bậc nhất miền Nam này. “Anh chồng, cậu ruột tôi là liệt sĩ, gia đình hai bên nội ngoại đều theo cách mạng” - bà Thanh tự hào. Sau ngày giải phóng, vợ chồng bà Thanh ra đồng xa dựng chòi chăn vịt, nuôi cá và lần lượt sinh năm người con trong cảnh khốn khó.

Buoi sang nghia tinh o Nhon Duc
Bà Tô Thị Bích Châu trao quà cho các hộ thuộc gia đình chính sách xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè - Ảnh: P.Huy

Nhơn Đức thuộc vùng đất bán thủy triều, mỗi năm có sáu tháng nước ngọt, sáu tháng nước mặn, không dễ canh tác nông nghiệp. Đang trong cảnh khó khăn, chồng lại đột ngột qua đời, bà Thanh càng nặng gánh lo toan. Để tiếp tục cho năm người con được đi học, bà ngập trong cảnh “tiền vay bạc hỏi”. Đến giờ, các con bà người học cao đẳng, người đại học, đều sắp ra trường, những ngày cực nhọc hứa hẹn sắp lùi xa. Ôm phần quà trên tay, bà cười tươi: “Cũng đỡ lắm, mắm muối đầy đủ nè, còn có thùng mì gói cho tụi nhỏ cuối tuần về thăm nhà mà dùng”.

Có mặt tại buổi trao quà, bà Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM) ân cần hỏi thăm cụ Nguyễn Thị Tình (thương binh 4/4, ấp 3, xã Nhơn Đức). Đã gần 80 tuổi nhưng cụ Tình vẫn còn khá minh mẫn, móm mém cười khi được hỏi chuyện. Sinh ra ở Nhơn Đức, cụ sớm theo cách mạng, đến nhiều vùng kháng chiến khác nhau. Chồng cụ (cụ Nguyễn Văn Thượng) cũng nhiệt tình tham gia cách mạng. Cụ Tình từng bị địch bắt giam ở Long An vào năm 1972.

Sau ngày giải phóng, cụ về lại Nhơn Đức sống. “Dân ở đây khổ lắm, sau chiến tranh kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp. Thấy họ hàng, xóm giềng nghèo đói nhưng tôi vẫn về để được ở bên mọi người. Giờ thì Nhơn Đức khác lắm rồi. Tôi thấy vui vì nhà nhà khá lên, ai cũng có việc làm, tụi nhỏ được học hành đàng hoàng”.

Tuy nhiên, trong 290 hộ nghèo của Nhơn Đức, vẫn còn một số gia đình luẩn quẩn trong cái nghèo mấy chục năm qua chưa có lối thoát. Như gia đình bà Trương Thị Tám (ấp 2, xã Nhơn Đức), có bốn người con, hai người có gia đình riêng và hai người còn lại dù đã lớn nhưng bà vẫn phải chăm sóc. Một người con trai bị bệnh xuất huyết bao tử nặng, mất sức lao động; người kia bệnh tâm thần, phải nuôi riêng ở một góc nhà.

Bản thân bà Tám mắc bệnh tim nặng nên không làm được gì nhiều. Chồng bà Tám đã 60 tuổi nhưng vẫn phải đi phụ hồ mỗi ngày để nuôi bốn miệng ăn. Vì quá khó khăn nên gia đình bà Tám được địa phương đặc biệt quan tâm, từ việc xây nhà tình thương đến tặng quà, hỗ trợ tiền… Lãnh quà xong là bà Tám tất tả về: “Về nhanh còn coi thằng con, nó 34 tuổi, vì bệnh nên hay lên cơn, đập phá”.

Buoi sang nghia tinh o Nhon Duc
Ông Lâm Tấn Lợi (Công ty TNHH SX Duy Lợi) trao quà cho hội viên phụ nữ nghèo xã Nhơn Đức - Ảnh: P.Huy

Thêm một cái nắm tay ấm áp

Bà Tô Thị Bích Châu dìu cụ Nguyễn Thị Hiếu (ấp 5, xã Phước Kiển) xuống sân khấu sau khi trao quà, nắm tay cụ hỏi han chuyện cũ. Cụ Hiếu trước đây là người nuôi giấu cán bộ cách mạng nhiều năm mà không bị phát hiện. Chồng cụ (cụ Nguyễn Văn Chín) cũng theo cách mạng, bị địch bắt, đày ra Côn Đảo.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI