‘Bộ trưởng còn không ký được lương cho GS Châu, sao trường tự chủ được’?

31/07/2014 - 17:46

PNO - PNO - “Ở một đất nước mà tôi (Bộ trưởng Bộ KH-CN) cùng anh Luận (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) không thể ký được lương cho GS Ngô Bảo Châu thì hỏi làm sao các trường ĐH có thể được tự chủ toàn diện”, ông Nguyễn Quân đã phát...

edf40wrjww2tblPage:Content

‘Bo truong con khong ky duoc luong cho GS Chau, sao truong tu chu duoc’?

Các đại biểu bên lề hội thảo

Làm thế nào để việc cải cách giáo dục ĐH được triệt để, tháo gỡ những vướng mắc mang tính sống còn về quản trị, cơ chế, hệ thống quản lý… là những nội dung nóng bỏng được các đại biểu trong và ngoài nước tranh luận sôi nổi, thẳng thắn tại Hội thảo “Cải cách giáo dục đại học VN” do Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Nhóm đối thoại giáo dục tổ chức ngày 31/7 tại TP.HCM.

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM - bà Rena Bitter, Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng các chuyên gia về giáo dục đến từ Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới.

Không thể tự chủ nửa vời

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng, Bộ GD-ĐT nói giao quyền tự chủ cho các trường, nhưng thực tế việc tự chủ ấy vẫn mang tính nửa vời, bị ràng buộc bởi quá nhiều cơ chế, luật định. “Tự chủ thế nào được khi mà tất cả các trường ĐH vẫn phải hoạt động chung trong một cơ chế, dưới cùng một loại văn bản, mô hình quản lý, mức học phí trần…. Với các trường ĐH, vấn đề tự chủ tài chính là quan trọng nhất, nhưng tự chủ kiểu này thí rất khó cho các trường”, ông Quân thẳng thắn.

Ông Quân tiếp: “Ở đây, điều tôi muốn nói đến là cơ chế. Cơ chế tài chính cho các trường ĐH chưa thể thông thì đừng hòng hy vọng đổi mới và cải cách. Ở một đất nước mà tôi (Bộ trưởng Bộ KH-CN) cùng anh Phạm Vũ Luận (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) không thể ký được lương cho GS Ngô Bảo Châu thì hỏi làm sao các trường ĐH có thể được tự chủ toàn diện”.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ quản trị ĐH, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, với cải cách giáo dục ĐH, điều quan trọng và tiên quyết nhất chính là thay đổi và cải tổ phương thức quản trị cho các trường ĐH. “Chúng ta đã và đang quyết liệt đổi mới. Nhưng cái cách chúng ta thay đổi vẫn còn quá chậm và thiếu tính hệ thống”.

‘Bo truong con khong ky duoc luong cho GS Chau, sao truong tu chu duoc’?

Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu tại hội thảo.

Ông phân tích: Việc xây dựng nhân lực cơ sở (đổi mới, nâng cao chất lượng) các trường đại học tại Việt Nam vẫn nghiêng theo hướng bồi dưỡng các SV giữ lại trường. Các trường tiên tiến trên thế giới họ lại làm ngược lại.

Quá trình tuyển chọn đội ngũ giảng viên ở ĐH Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn chung của công chức nhà nước, trong khi quy trình tuyển giảng viên và nhà quản lý ĐH lại phải có những đặc thù riêng. Tiêu chí hàng đầu cho đội ngũ giảng viên là nghiên cứu khoa học, các cơ quan chức năng không có tham gia vào quá trình tuyển chọn. Việc bổ nhiệm giáo sư, ở nước ngoài trường nào muốn đi theo nghiên cứu một lĩnh vực nào đó thì họ sẽ đi săn đầu người, còn tại VN, việc bổ nhiệm không do sự chủ động của các trường. Đó chính là vấn đề còn rất mâu thuẫn hiện nay của chúng ta.

Bất cập lớn nữa trong quản trị chính là tính lỗi thời của hệ thống quản lý, tư duy quản lý xin - cho vẫn còn khá rõ. Chính sách tiền lương, chính sách thu hút và đãi ngộ vẫn chưa rõ ràng. Thu nhập của giảng viên ĐH tại Việt Nam hiện còn quá thấp và khi xét tăng lương thì lại cứng nhắc. “Tuy hiện nay giảng viên đã có những ưu đãi của nhà nước (bù vào lương) nhưng theo tôi vẫn không thể giải quyết được vấn đề”, Giáo sư Ngô Bảo Châu nói.

Phó giáo sư Trần Ngọc Anh - ĐH Indiana tại Blooomington và hiện là Phó GS thỉnh giảng tại ĐH Havard cho rằng, cần minh bạch tài chính và làm rõ trách nhiệm tài chính. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm với toàn bộ sự thành công của nhà trường.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen phân tích phương thức quản trị ĐH ở VN theo hai hướng: Cái gì có thể làm và cái gì chưa thể làm. Theo bà, gần như tất các các trường ĐH đều biết mỗi trường muốn cái gì, thế mạnh ở đâu. “Trường ĐH Hoa Sen cũng vậy, chúng tôi muốn phấn đấu cho việc nâng cao chất lượng, đưa bằng cấp toàn thể chương trình được quốc tế công nhận. Nhưng, chính cái “chưa có thể”, hay “không thể” trong quản trị, quản lý kiểu từ trên xuống, cơ chế xin - cho, phát huy sự tự chủ nửa vời…đã khiến việc thay đổi của nhiều trường gặp khó”.

‘Bo truong con khong ky duoc luong cho GS Chau, sao truong tu chu duoc’?

Chủ tọa đoàn phản biện các ý kiến đóng góp.

Cải cách phải làm từ gốc

Ông Lương Hoài Nam (chủ doanh nghiệp) bày tỏ đồng tình với những phát biểu và phân tích của GS Ngô Bảo Châu. Sự chuyển biến của giáo dục ĐH chưa đậm nét, và xét về phương thức quản trị, nó vẫn rất ì ạch. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu đến từ phương thức quản lý chưa thực sự đổi mới. Theo ông, cần đổi mới từ gốc.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Ngoại thương Hà Nội kể, bà nhớ rất rõ một lần nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi làm việc với trường từng nói “đã làm khoa học thì không nói dối, nói dối thì không phải là người làm khoa học”. Bà rất tâm đắc với điều này. Nhưng chính bà, năm nào cũng phải nói dối, vì không nói dối sẽ không giải ngân tài chính cho công tác nghiên cứu khoa học của mình.

“Tôi xấu hổ không? Có, nhưng tôi nghĩ sự hèn nhát, ngại đổi mới, ngại sáng tạo, nói dối, không chấp nhận cái mới, nó ăn sâu, bén rễ không chỉ ở thế hệ của tôi, mà còn cả thế hệ GV, học sinh sau này. Những thứ không ai chịu trách nhiệm đã hình thành, thành thói quen từ các bậc học dưới bởi chính cái cơ chế quản lý đầy bất cập. Vì thế, muốn cải cách thì phải làm từ gốc” - bà Ánh khá bức xúc.

‘Bo truong con khong ky duoc luong cho GS Chau, sao truong tu chu duoc’?

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân tại hội thảo.

Hơi trái với quan điểm với hai đại biểu trên, PGS Đỗ Quốc Anh, Học viện Nghiên cứu chính trị Paris (Pháp) cho rằng, để phát triển giáo dục ĐH, phải có sự tin tưởng giữa cấp trên và cấp dưới, không chỉ là sự tin tưởng trong nội bộ, mà còn cần sự tin tưởng các cấp lãnh đạo. Tăng sự sự tin tưởng trong môi trường giáo dục ĐH sẽ tác động về lâu dài, mang lại sự linh động cho các trường ĐH. Tôn chỉ tạo ra tư duy của SV và trách nhiệm với xã hội là mục tiêu mà tất cả các trường ĐH trên thế giới đang áp dụng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đổi mới giáo dục ĐH được xem là nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Những thành tựu đổi mới giáo dục ĐH tuy còn rất khiêm tốn nhưng nó đã cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng, “con tàu” đổi mới đã được đặt vào đường ray, gia tốc nhanh hay chậm phụ thuộc vào năng lượng cung cấp cho con tàu.

Mục tiêu của giáo dục ĐH đã có sự thay đổi căn bản, chuyển từ việc cung cấp kiến thức là chính sang việc hướng dẫn, phát triển năng lực, sáng tạo của SV.

Sự đổi mới ấy (nâng chất, đổi mới quản lý) trong những năm gần đây cho thấy chất lượng giáo dục ĐH đã có sự phân hóa rất rõ rệt từ thấp đến cao. Tuy vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH đại trà của Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, sự phân tầng của các cơ sở giáo dục ĐH chưa rõ ràng, khiến các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể. Thứ hai, việc nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH chưa được xem là hoạt động bắt buộc khiến cho kiến thức của GV nhanh chóng bị lạc hậu, SV bị hẫng hụt trong xây dựng, tạo nền tảng tư duy sáng tạo. Kế đó là việc thiếu hụt đội ngũ quản trị giáo dục ĐH giàu kinh nghiệm tại các nhà trường.

Chính vì thế, dù được Bộ GD-ĐT phân cấp quản lý, nhiều hiệu trưởng vẫn rất dè dặt trong thực hiện nhiệm vụ của mình, chưa thoát được tư duy bao cấp, dẫn đến việc đổi mới, cải cách tại các trường ĐH vẫn diễn ra chậm chạp. Đầu tư cho giáo dục ĐH còn thấp. Cuối cùng là tâm lý sính bằng cấp của xã hội, thái độ, động cơ học tập của SV không được xác định rõ ràng…

Theo ông Bùi Văn Ga, từ những bất cập và hạn chế đang tồn tại, những chia sẻ thẳng thắn, trực diện của các nhà nghiên cứu, quản lý trong và ngoài nước tại Hội thảo thật sự là những đóng góp rất quý báu cho công cuộc đổi mới và cải cách giáo dục ĐH Việt Nam trong chặng đường sắp tới.

Tiến Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI