Biết cơ sở MN có bạo hành, công nhân vẫn phải gửi con

20/04/2014 - 12:31

PNO - PNO - Có trên 25% nữ công nhân được khảo sát cho biết hiện tượng bạo hành vẫn xảy ra ở cơ sở mầm non nơi họ gửi con em.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Sáng 20/4, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (IER) đã công bố kết quả nghiên cứu khoa học về "Tình hình giáo dục mầm non cho trẻ là con của công nhân làm việc trong các KCN tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai”. Nghiên cứu này do IER phối hợp với Home Credit thực hiện vào tháng 3/2014.

Biet co so MN co bao hanh, cong nhan van phai gui con

TS Nguyễn Kim Dung báo cáo kết quả nghiên cứu sáng 20/4

Qua khảo sát ở 100/1.000 công đoàn cơ sở tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được: trong 116.443 công nhân, đã có hơn 80% là người nhập cư. Trong số này, có đến 83.000 nữ với 37,1%. có con trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo.

Tuy nhiên, toàn thành phố chỉ có 870 trường mầm non được cấp phép (419 công lập và 451 ngoài công lập), chỉ đủ đáp ứng 50% nhu cầu gửi trẻ của các công nhân.

Tương tự, ở Đồng Nai, số trường lớp mầm non chỉ đáp ứng được 56,3% nhu cầu. Riêng ở tỉnh Bình Dương, chỉ có 204 trường mầm non được cấp phép, còn lại 374 cơ sở hoạt động không phép; nếu xét cơ sở đủ chuẩn để trông giữ trẻ, Bình Dương chỉ đáp ứng 20% nhu cầu gửi con em của công nhân.

Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên, thiếu các đồ dùng trang thiết bị dạy học, chất lượng chuyên môn, phòng chức năng, nhà vệ sinh… là hiện tượng chung của những cơ sở không phép.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy nguyên nhân các công nhân cho gửi con vào các nhóm trẻ không phép không chỉ vì vấn đề hộ khẩu mà còn vì thời gian giữ trẻ ở trường công không tương thích với thời gian làm việc của công nhân. Có trên 25% nữ công nhân được khảo sát cho biết hiện tượng bạo hành vẫn xảy ra ở nơi họ gửi con em.

Theo TS Kim Dung, đây là những con số tương đối đáng báo động mà các nhà quản lý giáo dục và địa phương cần xem xét để có thể tăng số lượng của các cơ sở mầm non có chất lượng lên, nhằm đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh có con em trong độ tuổi mầm non, đặc biệt là các công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, vì họ là những người ít có sự lựa chọn nhất khi tìm chỗ gửi con do điều kiện khắc nghiệt về thời gian làm việc và nguồn thu nhập còn quá thấp.

“Chúng tôi hy vọng những thông tin, dữ liệu và các phân tích trong báo cáo này sẽ giúp ích cho các sở GD&ĐT, chính quyền các địa phương, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp đang hoạt động trong và ngoài khu công nghiệp nêu trên có cơ sở và hướng đến việc đáp ứng về số lượng, liên tục cải tiến chất lượng các nhà trẻ, trường mầm non nhằm phục vụ tốt hơn cho người lao động trong các khu vực này” - TS Kim Dung chia sẻ.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI