Biết các mẹ có chờ được không…

27/07/2014 - 09:15

PNO - PN - Hình như có một sự nhầm lẫn nào đó trong suy nghĩ, nên khi xét tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, người ta đã để sang bên cạnh, không xét những hồ sơ xứng đáng được tặng danh hiệu chỉ vì lý do họ đã tái giá. Các chuyên...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cái nhầm lẫn ấy chỉ đơn giản ở một chữ thôi: bà mẹ anh hùng và bà vợ anh hùng.

Biet cac me co cho duoc khong…

Ảnh minh hoạ: Bà mẹ VN Anh hùng Nguyễn Thị Chít trước bàn thờ chồng con.

Người phụ nữ được gọi là “mẹ” trong tương quan với “con”. Khi đã hy sinh đứa con ấy cho Tổ quốc, đó đã là một sự hy sinh đáng được tôn vinh, được ghi nhận và được đền đáp. Một đứa con là liệt sĩ hay ba đứa con là liệt sĩ, cách tính đếm này cũng có phần hơi quá thống kê. Một đứa con là một đứa con, ai làm cha làm mẹ mà không biết, mất đi một đứa là nỗi đau không tính đếm hết được. Sao có thể so sánh việc mất một đứa con thì ít đau đớn hơn việc mất ba đứa con?

Mà một khi đã xét tới việc “tái giá”, tức là xét người phụ nữ không phải trong tâm thế “người mẹ” mà trong tâm thế “người vợ”. Vậy có nhầm lẫn không khi xét bà mẹ anh hùng, mà lại cho rằng khi tái giá thì không còn là bà mẹ anh hùng nữa?

Xét về lý, thì ở đây có sự không hợp lý. Xét về tình, thì lại càng vô tình. Mất mát nào cũng phải được bù đắp, vết thương nào cũng cần hàn gắn, chữa lành; chính sách dành cho người có công chính là để hàn gắn những vết thương ấy, chữa lành những đớn đau ấy, bù đắp những mất mát ấy. Hẹp lượng chi với người phụ nữ đã chịu đựng quá nhiều mất mát đau thương, nay muốn nương tựa vào ai khác lúc đời đã xế chiều. Có tiêu chuẩn vật chất nào, có danh hiệu nào bù đắp được khoảng trống trong cuộc đời khi những người thân yêu nhất đã mất? Ngày tháng bình an hôm nay của cả dân tộc, hạnh phúc riêng của mỗi gia đình, mỗi con người chính là đối trọng lớn để tính đếm ra những gì cần bù đắp cho các mẹ. Có rộng rãi đến bao nhiêu cũng vẫn còn chưa đủ, xin đừng tính theo kiểu “ăn đong”.

Hình như sự không rõ ràng này đã dẫn đến những cái sai khác lớn hơn. Phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Duy Kiên trả lời VTCNews ngày 24/7/2014 rằng, “đối với những trường hợp tái giá nhưng không đăng ký kết hôn thì quan điểm của Cục chúng tôi là vẫn được xét tặng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp tái giá và có đăng ký kết hôn thì Cục phải chờ hướng dẫn”! Vậy là có khi lại phải xem xét trường hợp thực hiện như trên là vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, vì “tái giá nhưng không đăng ký kết hôn”! Hóa ra, muốn được danh hiệu này thì phải vi phạm cái khác, phải sống không chính danh? Vậy thì, nghiêm túc trong một cuộc hôn nhân được pháp luật thừa nhận, là phải tiếp tục hy sinh luôn danh hiệu và sự bù đắp của Nhà nước? Có giải thích bằng bao nhiêu quy định chi tiết đi nữa, cũng khó mà hiểu được cách làm oái oăm kỳ lạ này.

Thật khó để các chính sách đi vào cuộc sống, thấm vào mạch nghĩ uống nước nhớ nguồn của người dân nếu cứ giữ mãi cách hiểu hẹp hòi, cách làm máy móc nhưng lại ẩn sau những khái niệm to tát như “danh dự”, “vinh dự nhà nước”. Xin hãy nghĩ đến những người phụ nữ đã động viên núm ruột của mình ra trận giữ nước, xin hãy nghĩ đến những người vợ tiễn chồng một đi không trở lại, xin hãy nghĩ đến những tan hoang, khó khăn muôn vàn thời hậu chiến, để thấy và quý cái nguồn sức lực bền bỉ của những người mẹ đã cắn răng mà sống tiếp. Họ đã hồi sinh cùng với sự hồi sinh của dân tộc. Người nào đã nghiêng vai xuống cuộc đời họ, cùng sẻ chia, cùng dìu dắt nhau bước tới, người ấy cũng đáng được trân trọng, bởi đã một phần bù đắp bớt những thiệt thòi trước khi Nhà nước, trước khi xã hội có thể lo lắng cho họ. Miệng tiếng thế gian vốn cảm tính, nhưng chính sách thì không thể cảm tính.

Nhiều bà mẹ sẽ được trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 tới đây. Nhưng nhiều bà mẹ khác vẫn đang còn phải đợi hướng dẫn của các ban ngành. Thời gian vốn không biết đợi, chỉ e rồi đến ngày chúng ta nhận ra những hẹp hòi của mình, thì các mẹ đã ra đi…

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI