Biên soạn sách giáo khoa mới: Bộ không nên vừa đá bóng, vừa thổi còi

12/11/2014 - 17:37

PNO - PN - Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK)...

edf40wrjww2tblPage:Content

Kỳ vọng dự luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ là công cụ hữu hiệu để chống thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) Nhà nước trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN Nhà nước phải được kiểm toán và đảm bảo minh bạch, công khai thông tin hàng năm, tránh tình trạng gian dối, báo cáo lãi giả, lỗ thật.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đòi hỏi phải quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, cần quy định trong luật, nếu DN, cá nhân gây hậu quả thì phải bồi thường, hoàn trả thiệt hại, tài sản chiếm đoạt trái phép.

Băn khoăn về tình trạng đầu tư dàn trải khiến nguồn lực quốc gia bị phân tán, hiệu quả thấp, các vị ĐBQH đề nghị Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân chưa làm được. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý DN, tránh tình trạng lợi dụng quy định còn chung chung để trục lợi cá nhân.

Xung quanh Đề án đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông, nhiều ý kiến ĐBQH yêu cầu đổi mới phải đồng bộ, có lộ trình từng bước. ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) nói: “Đồng tình về định hướng một CT - nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, tôi không đồng tình Bộ GD-ĐT biên soạn SGK. Bộ chỉ nên tập trung cho công tác quản lý nhà nước. Bộ làm thì thành ra vừa đá bóng vừa thổi còi. Thử hỏi tổ chức, cá nhân nào dám “đua” với Bộ. Liệu Bộ có công tâm, thẩm định SGK của mình thua sách của tổ chức, cá nhân? Bộ soạn thì phải lấy tiền Nhà nước để làm, nhưng nếu không đạt chất lượng thì đổ tiền Nhà nước ra sông ra biển hay sao...”.

Đánh giá đổi mới CT-SGK liên quan đến hàng chục triệu học sinh, phụ huynh, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đề nghị: “Phải làm rõ đổi mới sẽ tác động thế nào đối với đất nước, với nền giáo dục. Tôi cũng đồng tình Bộ GD-ĐT không nên biên soạn SGK, vì nếu Bộ làm không đạt yêu cầu sẽ lãng phí. Ngoài ra, còn không đảm bảo yếu tố khách quan, công tâm trong cạnh tranh với SGK của các tổ chức, cá nhân khác”.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng băn khoăn: “Không thể đùng một cái thay mới hoàn toàn CT-SGK. Cần đổi mới toàn diện, đồng bộ, nếu chỉ trông chờ mỗi mình CT-SGK thì không thể hiệu quả. Đội ngũ giáo viên vô cùng quan trọng, không thể có trò hay nếu không có thầy giỏi”.

 PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI