Bí quyết sống thọ của cặp anh em cao tuổi nhất Việt Nam

02/11/2014 - 18:16

PNO - PNO - Cụ ông Trần Đình Thăng (105 tuổi) và em trai là Trần Đình Liên (103 tuổi) vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là cặp anh em lớn tuổi nhất Việt Nam.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bi quyet song tho cua cap anh em cao tuoi nhat Viet Nam

Hai cụ Trần Đình Thăng (trái) và Trần Đình Liên trong lễ thượng thọ năm 2010.

Ngày 31/10 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác định kỷ lục cặp anh em lớn tuổi nhất Việt Nam cho hai cụ ông Trần Đình Thăng và cụ Trần Đình Liên, thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Nhà cụ Trần Đình Thăng (105 tuổi) ở xã Vĩnh Thái nằm khá xa trung tâm huyện Vĩnh Linh. Nhung về vùng đất này, hỏi tên cụ, chúng tôi được chỉ đường tận tình, thậm chí những đứa trẻ lên 9 lên 10 còn đạp xe dẫn đường tới tận nhà.

Lúc chúng tôi đến, cụ đang nằm nghỉ ngơi trên chiếc võng trong. Nhà cụ là mái nhà tranh kỷ niệm mà dù con cái có khuyên thế nào cụ cũng không cho phá bỏ. Cụ nói: “Anh em tôi nhờ nó mà lớn lên, tôi nhờ nó mà sống đến tuổi này, giờ ở nhà cao nóng lắm”.

Cụ chậm rãi đưa chúng tôi lên gian nhà kiên cố của mình để nói chuyện. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ rất minh mẫn, từng câu từng chữ dù phát âm không rõ nữa nhưng ý tứ thì “đâu vào đó”.

Hỏi cụ có bí quyết gì để sống lâu, cụ cười móm mém: “Thời chúng tôi, đến ăn còn không đủ no, biết lấy gì làm bí quyết”.

Bi quyet song tho cua cap anh em cao tuoi nhat Viet Nam

Cụ Trần Đình Thăng và con gái Trần Thị Mai.

Cụ kể, cụ là anh cả trong một gia đình có 3 anh em. Bố mất từ lúc cụ còn nhỏ, bốn mẹ con ở trong mái nhà tranh cũ kỹ, sớm hôm rau cháo nuôi nhau. Trong gian nhà nghèo khó ấy, sớm tối rộn tiếng cười vui. Tất cả đều nhận được tình yêu thương của mẹ. “Đó là niềm vui lớn trong cuộc đời. Chúng tôi thương yêu, nhường nhịn nhau nên bao nhiêu khó khăn đều đi qua nhẹ nhàng”.

Bà Trần Thị Mai (57 tuổi), con gái duy nhất của cụ Thăng cho hay, sức khỏe cụ yếu nên không thường xuyên qua thăm chơi cụ Liên được, nhưng đến bữa cơm, cụ thường hay nhắc và căn dặn con cháu năng qua lại thăm cụ Liên.

Cụ Trần Đình Liên (103 tuổi) sức khỏe có phần tốt hơn anh trai, nhưng không minh mẫn bằng. Nhưng khi nhắc đến cụ Thăng, cụ Liên lúc nào cũng nhớ. Cụ Liên hiện đang sống với con trai cả của mình, cách nhà cụ Thăng tầm 200m.

Bà Trần Thị Sâm (55 tuổi), con dâu cụ Liên cho biết: “Ông hay đi lắm, thường một tuần phải hai lần đi qua thăm bác cả (cụ Thăng). Ông nói, ngày xưa lúc ông còn bé, cụ Thăng vừa làm anh vừa làm cha, anh em thương nhau vô cùng”.

Cụ Liên nói không được nhiều, suy nghĩ hồi lâu rồi cụ bày tỏ: “Trên đời không gì bằng tình thân, anh em giữ được hòa khí là phúc đức muôn đời”.

Trên đường đưa chúng tôi tới thăm nhà cụ Thăng, bọn trẻ cứ lao xao bàn tán, chúng kể về những buổi chiều cụ ra xem chúng chơi bóng, rồi trêu đùa. Em Nguyễn Đức Hoan nhanh nhảu: “Có hôm còn có cả cụ Liên nữa. Bọn em đá bóng xong còn mua kẹo với nước ngọt cùng uống với hai cụ. Hai cụ lúc nào cũng nói chuyện, cười với bọn em, nên ai cũng thương hai cụ hết”.

Bà Mai kể, cụ Thăng chỉ phải nhờ con nấu cơm từ 3 năm trở lại đây; trước đó, mọi sinh hoạt cụ đều tự làm. Con cháu muốn đưa về phụng dưỡng cụ đều không đi, cụ nói cụ thích tự do, đi ở nhà cao sợ ngã, cụ không muốn làm khổ con cháu.

“Ngày bố tôi còn nấu cơm, chiều nào bà con đi biển về cũng mang cá cho, ngày xưa lúc còn khỏe mạnh cụ vẫn thường giúp người ta đan lát nên ai cũng thương” - bà Mai chia sẻ.

Bi quyet song tho cua cap anh em cao tuoi nhat Viet Nam

Cụ Trần Đình Liên cùng con trai Trần Hằng và con dâu Trần Thị Sâm.

Lúc còn trẻ, giai đoạn từ năm 1955 - 1968, hai cụ tham gia vận chuyển hàng ra đảo Cồn Cỏ. Lúc cuộc chiến đi vào giai đoạn ác liệt, dân làng đều đi tản cư, hai cụ xin ở lại để bám đất giữ làng, cùng bộ đội đánh giặc.

Nhiều năm về sau, khi hòa bình lập lại, trời yên biển lặng, hai cụ cùng dân làng ra khơi đánh bắt. Nhiều người trong làng vẫn luôn còn nhớ những chỉ dạy của hai cụ để họ bám nghề ngư.

Bà Sâm vừa bóp tay cho cụ Liên vừa vui vẻ nói: “Các cụ sống có phước có phần lắm, không chỉ có con cháu trong nhà thương mà bà con chòm xóm ai cũng mến. Lúc nào các cụ cũng dặn con cháu phải ăn ở có đức, có trước có sau với mọi người, ai khó thì mình giúp mà đã giúp thì đừng mong chờ đền đáp”.

Nói chuyện với chúng tôi, hai cụ lúc nào cũng cười, kể những câu chuyện của một thời vàng son, thời khó khăn chồng chất, thời bom rơi đạn lạc. Trong những câu chuyện ấy, có hai điều luôn được nâng niu, gìn giữ, đó chính là tình thân và sống sao cho “thân tâm an lạc”.

Cụ Thăng thủ thỉ: “Sống ở đời, đừng giận hờn ai, đừng nuôi oán hận. Sống với người, đừng cố gây mâu thuẫn. Như thế mới có được sự thanh thản cho bản thân”.

Để sống mà không giận ai, theo cụ, “phải nhẫn nhịn”. Khi chúng tôi chào hai cụ và gia đình ra về, cụ Liên còn dặn chúng tôi: “Sống lâu hay mau đều là nhờ trời, nhưng hãy để tâm thanh thản...”.

Bài và ảnh: MAI LINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI